13:50 04/04/2018

Đường sắt Pháp tê liệt vì đình công

Bình Minh

Thách thức lớn nhất mà Tổng thống Macron phải đương đầu kể từ khi đắc cử vào tháng 5 năm ngoái

Cảnh sát chống bạo động Pháp đụng độ với người biểu tình phản đối cải tổ lao động ngành đường sắt trên đường phố Paris hôm 3/4 - Ảnh: EPA/BBC.
Cảnh sát chống bạo động Pháp đụng độ với người biểu tình phản đối cải tổ lao động ngành đường sắt trên đường phố Paris hôm 3/4 - Ảnh: EPA/BBC.

Giao thông đường sắt ở Pháp đã rơi vào tình trạng gián đoạn nghiêm trọng do làn sóng đình công phản đối kế hoạch cải tổ lao động trong ngành này của Tổng thống Emmanuel Macron.

Theo hãng tin Reuters, bắt đầu vào ngày 3/4, phong trào đình công này được đặt tên là "ngày thứ Ba đen", nhưng dự kiến sẽ kéo dài 3 tháng, trong đó cứ 5 ngày thì có 2 ngày công nhân đường sắt Pháp đình công.

Nhân viên công ty đường sắt quốc doanh Pháp SNCF đang dẫn đầu phong trào đình công này, nhưng phong trào đình công cũng lan đến các ngành điện lực và thu gom rác. Đây được xem là thách thức lớn nhất mà Tổng thống Macron phải đương đầu kể từ khi đắc cử vào tháng 5 năm ngoái.

Các tổ chức công đoàn cho rằng kế hoạch cải tổ SNCF, một doanh nghiệp nặng nợ, sẽ mở đường cho việc tư nhân hóa công ty. Trong khi đó, Chính phủ của ông Macron phủ nhận điều này, nói rằng việc cải tổ chỉ nhằm thay đổi nguyên trạng không còn phù hợp của SNCF.

SNCF cảnh báo giao thông đường sắt tại Pháp sẽ tiếp tục bị gián đoạn trong ngày thứ Tư.

Có tới 77% số tài xế lái tàu của SNCF được cho là đang đình công. Công ty này nói tổng số nhân viên đang đình công là 34%.

Trong số 8 tuyến tàu cao tốc TGV thì chỉ có 1 tuyến còn hoạt động. Trong số 5 tuyến tàu khu vực thì cũng chỉ có 1 tuyến hoạt động. Các tuyến tàu điện ngầm tới Paris bị cắt giảm mạnh và các chuyến xe bus trở nên quá tải. Lưu lượng ôtô cá nhân tăng mạnh ở Paris khiến tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng xảy ra.

Dịch vụ đường sắt quốc tế đi qua Pháp cũng chịu ảnh hưởng. Các đoàn tàu Eurostar chạy từ Pháp tới Tây Ban Nha, Thụy Sỹ và Italy bị cắt dịch vụ, trong khi các tuyến chạy tới Bỉ, Hà Lan và Đức nhìn chung vẫn duy trì.

Trong khi đó, nhân viên hãng hàng không Air France cũng đang đình công ngày thứ tư liên tiếp để đòi tăng lương 6%. Chỉ có 75% số chuyến bay của Air France là hoạt động.

Các tổ chức công đoàn Pháp cũng kêu gọi công nhân thu gom rác đình công để đòi thiết lập dịch vụ thu gom rác toàn quốc và chế độ tốt hơn cho công nhân về hưu của ngành này. Công nhân đình công thậm chí đã phong tỏa một số nhà máy xử lý rác.

Phong trào đình công còn lan rộng sang ngành điện lực, đòi chấm dứt việc tự do hóa thị trường điện. Hàng nghìn sinh viên cũng tham gia vào các cuộc đình công nhằm phàn đối việc siết chặt quy định thi tuyển đầu vào các trường đại học.

Công nhân đường sắt quốc doanh Pháp hiện đang được hưởng những chế độ đãi ngộ tốt, bao gồm tăng lương tự động hàng năm, nghỉ hưu sớm, mỗi năm 28 ngày phép và bảo hộ sa thải. Người thân của họ cũng được nhận vé đi tàu miễn phí.

Tổng thống Macron muốn cắt giảm những chế độ đặc biệt này, áp dụng cách đãi ngộ như trong các ngành khác, do đó vấp phải sự phản đối mạnh của các công nhân đường sắt.

Mục đích của chương trình cải cách này là đến năm 2023 mở cửa ngành đường sắt cho tự do cạnh tranh, phù hợp với các yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU). SNCF hiện gánh số nợ lên tới 57,5 tỷ USD.

Nhiều thành viên công đoàn Pháp xem ông Macron như một người muốn phá vỡ sức mạnh của các tổ chức công đoàn.

Tuy nhiên, vào tháng 9 năm ngoái, các cuộc đình công rầm rộ vẫn không thể ngăn ông Macron thông qua đạo luật cho phép các công ty tuyển dụng và sa thải nhân công dễ dàng hơn. Chưa kể, phong trào đình công lần này của ngành đường sắt Pháp đang vấp phải sự phản đối của đại bộ phận dân chúng.