18:35 15/07/2024

Lý do khiến Fed có thể không giảm lãi suất vào tháng 9

Bình Minh

Giới chức Fed gần đây phát tín hiệu sắp giảm lãi suất, thị trường cũng cho rằng Fed sẽ giảm lãi suất vào tháng 9, nhưng một số chuyên gia và nhà tài chính không tin là như vậy...

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.

Sau loạt số liệu thống kê cho thấy nền kinh tế Mỹ suy yếu và lạm phát xuống thang, thị trường tài chính đang tin chắc Cục Dự Trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9. Các quan chức Fed cũng phát tín hiệu mềm mỏng hơn trước.

Tuy nhiên, một số chuyên gia và nhà tài chính cho rằng vẫn có lý do để Fed giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.

“CÒN NHIỀU LỰC LƯỢNG GÂY LẠM PHÁT”

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC, nhà kinh tế trưởng Carl Weinberg của công ty High Frequency Economics cho rằng có những rủi ro đi kèm với việc Fed sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất, dù trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tuần vừa rồi, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói về những rủi ro của việc giữ lãi suất cao hơn lâu hơn.

“Chủ tịch Fed đã nói rõ ràng, rằng các thông số lạm phát và nền kinh tế nói chung đang đi đúng hướng”, bao gồm tỷ lệ thất nghiệp khoảng 4%, lạm phát giảm dần về 2% và nền kinh tế đang tăng trưởng ở tốc độ xấp xỉ tiềm năng - ông Weinberg phát biểu.

“Nhưng ông Powell cũng hàm ý rằng tại sao lại phải thay đổi lãi suất khi mà nền kinh tế đang có được sự toàn dụng việc làm, lạm phát gần mục tiêu, và tăng trưởng kinh tế đang tốt? Tại sao lại phải thay đổi khi mọi thứ mà chúng ta đang có ổn như vậy? Lý do của việc giảm lãi suất bây giờ là gì”, nhà kinh tế nhấn mạnh.

Thị trường lãi suất tương lai đang đặt cược khả năng hơn 93% Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 9 - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.

“Đúng là đang có những dự báo chắc chắn và những dữ liệu ủng hộ việc giảm lãi suất trong cuộc họp tháng 9. Tuy nhiên, cũng có một đám mây bao phủ lên triển vọng đó”, ông Weinberg nói thêm, cho rằng có nhiều thứ có thể thay đổi trong thời gian từ nay tới ngày 18/9 - ngày diễn ra cuộc họp của Fed.

Thay đổi có thể đến từ 2 báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nữa được công bố trong thời gian từ nay đến trước cuộc họp tháng 9 của Fed. Về cuộc họp vào cuối tháng 7 này, thị trường chỉ đặt cược khả năng 5% Fed giảm lãi suất.

Trong một cuộc trao đổi với CNBC, CEO Jamie Dimon của ngân hàng JPMorgan Chase cũng cảnh báo không nên tin chắc Fed sẽ giảm lãi suất vào tháng 9. Cơ sở mà ông Dimon đưa ra cho cảnh báo này là áp lực lạm phát vẫn còn lớn cho dù có những dấu hiệu giảm gần đây.

“Tiến trình giảm lạm phát đã có một số tiến bộ, nhưng vẫn còn đó nhiều lực lượng gây lạm phát mà chúng ta phải đối mặt: thâm hụt ngân sách lớn, nhu cầu hạ tầng lớn, tái cấu trúc thương mại và tái quân sự hóa trên thế giới”, ông Dimon nhận định. “Bởi vậy, lạm phát và lãi suất có thể giữ ở mức cao hơn so với những gì thị trường kỳ vọng”.

Không chỉ ông Dimon, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư khác cũng đã bày tỏ lo ngại về nợ công và thâm hụt ngân sách gia tăng của Mỹ. Đến thời điểm này của tài khóa 2024, ngân sách chính phủ Mỹ đã thâm hụt 855 tỷ USD. Năm ngoái, tham hụt ngân sách của nước này là 1,7 nghìn tỷ USD.

“LÃI SUẤT THỰC TẾ ĐÃ THẮT CHẶT NHIỀU”

Trái với sự thận trọng của ông Dimon hay ông Weinberg, giới chức Fed gần đây đã phát đi tín hiệu mạnh mẽ rằng họ đã sẵn sàng cho việc giảm lãi suất. Một số chuyên gia cũng đồng tình với chủ trương này của Fed.

Trong một cuộc trao đổi với tờ báo Financial Times, Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, ông Austan Goolsbee nói tuần vừa rồi là một “một tuần tốt đẹp” đối với Fed - một ngân hàng trung ương đang cố gắng kéo lạm phát giảm mà không gây ra suy thoái kinh tế. Đó là vì các số liệu thống kê cho thấy lạm phát tiếp tục xuống thang dù nền kinh tế không sụt tốc mạnh.

“Chắc chắn là bây giờ tôi đang cảm thấy tốt hơn so với hôm thứ Hai. Không chỉ trong tuần này mà trong 2-3 tháng vừa rồi, dữ liệu đều cho thấy sự tiếp nối của những gì đã diễn ra trong năm 2023. Đó là sự sụt giảm nhanh và mạnh của lạm phát”, ông Goolsbee nói.

Ông nói thêm rằng lạm phát giảm đồng nghĩa lãi suất thực tự động trở nên thắt chặt hơn. “Lãi suất thực tế đã thắt chặt nhiều trong lúc chúng ta đang ngồi chờ. Ai cũng chỉ muốn lãi suất thắt chặt như vậy khi cần thiết. Còn khi không cần, quan điểm của tôi là nên đưa lãi suất trở lại trạng thái bình thường hơn”, vị quan chức Fed nhấn mạnh.

Kể từ tháng 7 năm ngoái tới nay, Fed giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 5,25-5,5%, cao nhất 23 năm.

Trong một tín hiệu cho thấy Fed đã sẵn sàng để giảm lãi suất, ông Powell nói trong cuộc điều trần vào tuần vừa rồi rằng tiến trình giảm lạm phát đã đạt “tiến bộ đáng kể” và thị trường việc làm còn mạnh nhưng không đến mức “quá nóng”.

Cũng phát biểu trong tuần trước, Chủ tịch Fed chi nhánh San Francisco, bà Mary Daly, nói rằng điều kiện cho việc giảm lãi suất sắp “đảm bảo”. Tương tự, Thống đốc Fed Lisa Cook nói Fed “rất chú ý” đến những biến động trong tỷ lệ thất nghiệp và sẽ “phản ứng mau lẹ” với những thay đổi đó.

Fed đang nỗ lực để đạt được một cuộc hạ cánh mềm cho nền kinh tế, trong đó lạm phát giảm về mục tiêu 2% mà tỷ lệ thất nghiệp không tăng mạnh. Chuyên gia Priya Misra của công ty JPMorgan Asset Management cho rằng để đạt được kết quả đó, Fed cần nới lỏng sớm và đưa lãi suất hạ dần về mức 3%.

“Nền kinh tế Mỹ thực sự đáng giảm tốc và có vẻ như thị trường việc làm cũng suy yếu vì lý do đó. Đến một thời điểm nào đó, Fed muốn nền kinh tế ngừng giảm tốc và giữ được sự ổn định, nhưng rủi ro là sự giảm tốc có thể vẫn tiếp diễn”, ông Jonathan Pingle - nhà kinh tế trưởng của ngân hàng UBS - nói với Financial Times.