Elon Musk phá kỷ lục Guinness về sụt giảm tài sản
Guinness khẳng định ông Musk đã phá vỡ kỷ lục trước đó là cú sụt tài sản 58,6 tỷ USD của nhà đầu tư người Nhật Bản Masayoshi Son vào năm 2000...
Tỷ phú Elon Musk giờ đây có thể bổ sung vào hồ sơ của ông một danh hiệu mới: người giữ kỷ lục thế giới Guinness.
Tuy nhiên, đây không phải là một danh hiệu đang được mong đợi. Ông chủ Tesla vừa trải qua một năm 2022 đáng quên, khi khối tài sản ròng cá nhân của ông sụt giảm 182 tỷ USD. Cách đây ít ngày, Guinness công bố rằng với mức giảm tài sản này, ông Musk đã được đưa vào sách kỷ lục thế giới Guinness với tư cách người mất nhiều tài sản nhất trong vòng 1 năm từ trước tới nay trong lịch sử.
Guinness nói rằng “khó xác định con số chính xác” về sự mất mát tài sản của ông Musk, vì một số nguồn tin ước tính ông đã mất hơn 200 tỷ USD trong năm qua. Tuy nhiên, tổ chức về kỷ lục thế giới này khẳng định ông Musk đã phá vỡ kỷ lục trước đó là cú sụt tài sản 58,6 tỷ USD của nhà đầu tư người Nhật Bản Masayoshi Son vào năm 2000.
Sự sụt giảm tài sản của ông Musk trong năm 2022 chủ yếu do giá cổ phiếu Tesla giảm mạnh. Cả năm, cổ phiếu này mất giá 65%, ghi nhận năm thiệt hại giá trị vốn hoá thị trường tồi tệ nhất trong lịch sử hãng xe điện.
Cú sụt này đủ để khiến Musk không giữ được ngôi vị người giàu nhất thế giới - vị trí hiện đang được nắm giữ bởi “ông trùm” đồ hiệu người Pháp Bernard Arnault.
Nhưng cũng cần phải nói rằng Musk không phải là tỷ phú duy nhất mất nhiều tiền trong năm 2022. Tính cả năm, các tỷ phú Mỹ đã chứng kiến tài sản ròng của họ “bốc hơi” tổng cộng 660 tỷ USD.
Nếu không có ông Musk, kỷ lục thế giới Guinness về mất mát tài sản đã rơi vào tay ông Jeff Bezos, nhà sáng lập hãng thương mại điện tử Amazon. Năm 2022, ông Bezos mất 80 tỷ USD tài sản ròng.
CEO Mark Zuckerberg của mạng xã hội Facebook cũng là người phá kỷ lục mất tài sản của ông Son. Trong năm ngoái, khối tài sản của ông Zuckerberg giảm 78 tỷ USD.
Khối tài sản của ông Musk đạt đỉnh ở mức 320 tỷ USD vào cuối năm 2021. Theo ước tính của tạp chí Forbes ở thời điểm ngày 10/1, ông Musk có 142,1 tỷ USD tài sản ròng và đứng ở vị trí thứ hai trên xếp hạng giàu toàn cầu, trước một bậc so với tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani - người có 125,1 tỷ USD.
Musk vướng vào một loạt rắc rối kể từ khi mua lại mạng xã hội Twitter. Hồi tháng 10, khi mua Twitter với giá 44 tỷ USD, ông Musk đã bán 23 tỷ USD cổ phiếu Tesla để có tiền cho thương vụ này. Sau đó, ông thừa nhận rằng mức giá của vụ thâu tóm Twitter là quá “chát”. Gần đây hơn, ông cho biết sẽ rời cương vị CEO của Twitter chừng nào tìm được người thích hợp để thay thế.
Cả năm 2022, cổ phiếu Tesla rớt giá khoảng 70%. Các nhà đầu tư nắm giữ dài hạn cổ phiếu Tesla đang kêu gọi Hội đồng Quản trị buộc Musk phải quay lại dành toàn tâm toàn ý cho hãng xe điện.
Trong một báo cáo vào cuối tháng 12, nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities nói rằng các vấn đề về vai trò lãnh đạo của Musk đang đặt ra nguy cơ xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng hơn ở Tesla. “Ngoài ra, Tesla cũng đang phải giảm giá xe và lượng hàng tồn kho của hãng đang tăng lên trên toàn cầu trong bối cảnh kinh tế thế giới có nguy cơ rơi vào suy thoái. Giữa lúc ấy, Musk bị coi là ‘ngủ gật trên vô-lăng’ từ góc độ lãnh đạo công ty”, ông Ives nhận định.
Bước sang năm 2023, tình hình của Tesla có vẻ được cải thiện hơn. Tính từ đầu năm đến ngày 10/1, cổ phiếu này đã tăng gần 10%.