14:51 16/04/2015

Em muốn được cùng anh về vùng biển vắng…

PV

Em muốn được cùng anh về vùng biển vắng… - Ảnh 1

Bãi biển Sa Huỳnh nằm sát quốc lộ 1A, ở km 985, có ga xe lửa Sa Huỳnh, cho nên từ Hà Nội vào hay từ thành phố Hồ Chí Minh ra, du khách có thể dừng chân ghé lại đây rất thuận lợi. Địa danh Sa Huỳnh phải viết cho đúng là Sa Hoàng, có nghĩa là cát vàng. Sở dĩ, phải viết thành Sa Huỳnh, vì chữ “ Hoàng” trùng tên Chúa Nguyễn Hoàng thời Nguyễn sơ. Bơi trong biển biếc Ít ai biết được rằng quê hương của nền văn hóa Sa Huỳnh còn là một bãi biển đẹp và thanh khiết như mơ. Những buổi sớm mai, chỉ cần đi ngang qua trên quốc lộ 1A, du khách cũng đã có thể chiêm ngưỡng được vẻ óng ánh vàng của cát biển Sa Huỳnh. Bờ cát này trải dài đến 5 - 6 km, cong cong hình lưỡi liềm. Nhìn từ trên xuống, Sa Huỳnh hiện lên muôn vàn màu sắc, màu xanh của trời của biển, trắng xóa của những con sóng bạc đầu, của những ô ruộng muối thấp thoáng bóng diêm dân. Biển không có đá ngầm, chỉ thoai thoải dốc. Tuy được phát hiện cách đây đã trăm năm nhưng đến nay, biển Sa Huỳnh vẫn còn hoang sơ đến kỳ lạ. Những rặng dương hiền hòa, nước biển xanh ngăn ngắt, những rạng san hô với hình thù kỳ ảo… đã khiến Sa Huỳnh không giống bất cứ một bờ biển nào. Người dân địa phương dựa vào hình thể của từng hòn đảo nhỏ mà đặt tên: hòn Bẹp, hòn Dù, hòn Khu Ông, hòn Son... Có đi thuyền dọc theo núi Cấm mới có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp thiên nhiên giữa biển trời nơi đây, nhất là mỗi độ xuân về. Hang Hóc Mó lộng lẫy với rừng mai vàng nở rộ, làm rực cả một khoảng trời giữa biển nước mênh mông. Nằm cách bờ chừng hơn một hải lý là dãy đá ngầm cùng rặng san hô, thế giới của rong biển và những đàn cá đa dạng về chủng loại cùng màu sắc lượn lờ. Sự sống của đại dương chẳng khác nào một xứ sở thần tiên đang diễn ra trước mắt. Thú vị nhất là đứng trên đỉnh Đá Bia vào buổi chiều tà, phóng tầm mắt ra khơi xa ngắm những tia nắng cuối cùng sắp khuất sau rặng núi, hay ngồi dưới hàng dương lộng gió mà nghe lời thì thầm muôn đời của khơi xa. Buổi chiều tà, khi mặt trời vừa về núi, khi cơn gió cuối ngày đưa ngọn khói chiều đến, đứng trên những ghềnh đá này nhìn trẻ nhỏ nhẩn nhơ nhặt vỏ sò dưới bãi,… chắc chắn lòng du khách sẽ trào lên những cảm xúc khó tả.

Em muốn được cùng anh về vùng biển vắng… - Ảnh 2

Còn một điểm nữa mà du khách khi đến với biển Sa Huỳnh không thể bỏ qua là đỉnh núi ra-đa, đó là nơi cao nhất và cũng là một điểm thích hợp để ngắm biển từ trên cao. Từ đây nhìn xuống, Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc-Nam nằm sát nhau, chia Sa Huỳnh ra hai phần, một bên là đồng ruộng xanh ngắt, một bên là ruộng muối, bãi cát và biển. Nằm sát bên bờ biển Sa Huỳnh là Motel Sa Huỳnh với sức chứa 100 khách. Từ biển Sa Huỳnh, du khách có thể tới thăm Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở xã Phổ Cường gần đó, hoặc tiếp tục chuyến hành trình thăm núi Ấn, sông Trà của tỉnh Quảng Ngãi, và xa hơn nữa là Thánh địa Mỹ Sơn ở Quảng Nam nổi tiếng của miền Trung. Thị trấn bình yên Cách bến cảng Sa Huỳnh chừng 500 m về phía đông bắc là cánh đồng muối nổi tiếng với diện tích khoảng 500 ha, sản lượng hàng trăm nghìn tấn mỗi năm. Dưới ánh mặt trời chói chang, vô số thửa ruộng nhỏ nối tiếp nhau tạo nên một cánh đồng chuyên dụng làm muối rộng lớn.

Em muốn được cùng anh về vùng biển vắng… - Ảnh 3

Thị trấn Sa Huỳnh bé xíu với những con đường làng nho nhỏ dẫn về phía biển. Thị trấn nghèo với nhiều cửa hàng bán đặc sản biển như mực khô, cá khô, tôm khô và một vài nhà nghỉ trọ cùng các khách sạn giá bình dân. Nổi tiếng nhất trong số các loại hải sản bán tại đây là cá ngựa có hình dáng ngộ nghĩnh vốn được các đấng mày râu ưa chuộng như một bài thuốc bổ. Ai đã dừng chân ở đây đều mua vài cặp về làm quà.  Khi đêm đầy sao nhấp nháy, thị trấn chìm trong giấc ngủ yên bình. Chỉ có gió biển không ngừng xen tiếng tàu ghe chạm nhau khe khẽ trên bến cảng và ánh trăng bàng bạc soi tỏ những rặng dừa đung đưa. Hoạt động về đêm ở phố nhỏ Sa Huỳnh dịu dàng như vốn đã thế từ bao năm nay. Những bếp than hồng đỏ rực, đưa mùi vị của tôm nướng, mực nướng xộc vào mũi bất cứ ai ngang qua. Du khách có thể đặt mình xuống chiếc ghế con con bên bếp than ấy mà tận hưởng vị ngọt, vị thơm của hải sản tươi. Biển Sa Huỳnh xưa vốn nổi tiếng với loài cua huỳnh đế, nhưng hiện tại loại cua này đã không còn, có thể do sự khai thác thiếu tính toán của ngư dân, hoặc do sự thay đổi của dòng hải lưu. Tuy thế, du khách chắc chắn không thất vọng với ẩm thực xứ này vì Sa Huỳnh còn là cửa biển sôi động với rất nhiều loại hải sản tươi vào bờ mỗi ngày.

Em muốn được cùng anh về vùng biển vắng… - Ảnh 4

Ví dụ như cua đá Sa Huỳnh, cua được người dân dùng đèn soi, thả lồng lưới đánh bắt quanh năm ở đầm nước mặn Sa Huỳnh. Vào những ngày tối trăng là thời điểm thịt cua săn chắc, ngọt và thơm ngon nhất. Cua đá có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon: cua rang me, kho rim mặn, nấu canh với rau đay, bồ ngót… nhưng với nhiều người, hấp dẫn nhất vẫn là món cua luộc chấm với muối tiêu chanh. Chọn những con cua vừa được đánh bắt, rửa thật sạch rồi cho vào nồi nước đang sôi, rắc thêm vài hạt muối. Sau khoảng mươi phút, thịt cua chín và dậy mùi thơm, toàn thân chuyển sang màu vàng cam thì vớt ra đĩa.

Em muốn được cùng anh về vùng biển vắng… - Ảnh 5

Dùng tay tách mai cua, chấm thịt vào muối tiêu chanh rồi đưa vào miệng thưởng thức hương vị thơm ngọt đặc trưng của thịt cua hòa cùng vị mặn mà của muối Sa Huỳnh, vị chua cay của tiêu, chanh. Có lẽ tạo hóa khéo an bày, cua đá sống ở đầm nước mặn, đem luộc chấm với muối Sa Huỳnh thì quả là tuyệt vời, hơn hẳn cua đá ở những nơi khác. Mắm nhum cũng là một đặc sản nổi tiếng của Sa Huỳnh. Mắm nhum không phổ biến như các loại mắm khác. Đó không phải là loại thức ăn nhà nào cũng có, hoặc chí ít có bán đây đó ở chợ. Thế nên nhiều lúc, có tiền cũng không thể mua được mắm nhum. Người Sa Huỳnh có câu: “Giàu chất của kho, nghèo lo hũ mắm”. Con nhum (cầu gai) hiếm và chỉ bắt theo mùa, nên mắm nhum thì hiếm hơn. Mắm nhum Sa Huỳnh nổi tiếng cả nước, thời nhân Nguyễn, vua Minh Mạng đã từng hạ lệnh hằng năm địa phương phải “tiến” về kinh đô 12 cân mắm. Mắm nhum thời đó trở thành “mắm tiến”.

Em muốn được cùng anh về vùng biển vắng… - Ảnh 6

Em muốn được cùng anh về vùng biển vắng… - Ảnh 7

Chả cá Sa Huỳnh cũng là một món ăn mà bạn nhất định phải nếm thử. Để chế biến món chả cá, những bà nội trợ phải lựa chọn cá nhồng, cá chuồn, cá thu, cá rựa… tươi ngon. Sau khi mang về, cá được làm sạch rồi dùng muỗng nạo thịt ra khỏi xương. Cho thịt cá vào ướp lạnh rồi xoay nhuyễn với muối, tiêu, bột ngọt, hành, tỏi, dầu ăn và lòng trắng trứng gà để món chả thêm dai. Tiếp đến, dùng tay vo tròn thịt cá lớn hơn ngón tay cái hay nặn lát chả hình tròn vừa đặt vào đĩa. Với món chả hấp, quậy đều lòng đỏ trứng gà với gia vị rồi đổ lên bề mặt cho thêm phần bắt mắt. Chả chiên ngả sang màu vàng sẫm như mời gọi thực khách “nhanh đũa” kẻo hết phần. Món chả cá có thể ăn với cơm và bún nước lèo hay ăn kèm với các loại rau: khế chua và chuối chát thái mỏng cùng với rau thơm cho đậm đà hương vị.  Chỉ thế thôi là đủ để sau một lần dừng chân, bạn sẽ nhớ mãi về vùng biển này.

Em muốn được cùng anh về vùng biển vắng… - Ảnh 8
Cách đến Sa Huỳnh
   • Bãi biển Sa Huỳnh nằm sát quốc lộ 1A, ở km 985, trên đường xe lửa Thống Nhất Bắc – Nam, có ga xe lửa Sa Huỳnh, cho nên từ Hà Nội vào hay từ thành phố Hồ Chí Minh ra, du khách có thể dừng chân ghé lại đây rất thuận lợi. Ngoài ra các bạn cũng có thể đặt vé xe để vào Sa Huỳnh.
   • Từ Quảng Ngãi, có rất nhiều tuyến xe bus sẽ đưa bạn đến tận khu du lịch. Số chuyến khai thác trong ngày: 42 chuyến, bắt đầu lúc 5h30 và kết thúc lúc 18h. Chiều dài tuyến khoảng 70 km.
Nhà nghỉ, khách sạn ở Sa Huỳnh
   • Sa Huỳnh Resort. Địa chỉ: Quốc lộ 1 A,Thôn Tấn Lộc, Phổ Châu, Huyện Đức Phổ, Quãng Ngãi (đối diện là biển Sa Huỳnh)
   • Nhà hàng- Khách sạn Thế Vinh. Phòng đơn hoặc đôi giá như nhau: 170.000/phòng/ngày đêm. Điện thoại: 055.3980323. Mobile: 0905 420644. (chị Bình)
   • Nhà hàng- Nhà nghỉ Hà Lan. Giá: 150.000/phòng đơn hoặc đôi. Điện thoại: 055.3860.685. Mobile: 0905 328226
   • Khách sạn Sa Cát - Nhà hàng Vinh (Tourist). Phòng đơn hoặc đôi giá từ 200.000 đến 250.000 đồng/phòng/ngày đêm. Điện thoại: 055 3860269. Mobile: 0914 027 307 (anh Vinh)

Em muốn được cùng anh về vùng biển vắng… - Ảnh 9

Chơi gì ở Sa Huỳnh?
   • Hóc Mó: Là một địa danh khá nổi tiếng về gành đá, rừng dương, biển và cát. Đến với Hóc Mó bạn sẽ được nghe tiếng dương ru hay tiếng sóng vỗ gành.
   • Đầm An Khê: Là đồng nước ngọt, người sông ven đồng sống bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng quanh đồng. Bình minh trên đồng luôn tạo cho bạn cảm giác sống mãnh liệt, còn hoàng hôn thì mang bạn đến gần nhau hơn, thi vị và lãng mạng hơn...
   • Bãi biển trung tâm: Ngoài bãi cát vàng - biển xanh đặc trưng, bãi biển trung tâm còn có độ dốc thấp, hướng thẳng vế phía mặt trời mọc, nằm cạnh tuyến đường sắt và quốc lộ IA. Với rừng dương lâu năm, diện tích mặt bằng rộng nên rất tiện cho việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng.
   • Núi Viba: Là một trong những ngọn núi cao nhất Sa Huỳnh, bạn có thể lên đến đỉnh núi bằng xe gắn máy hay ôtô. Lên đến nơi bạn tha hồ thả mắt trước cái vô tận của rừng và biển Sa Huỳnh
   • Cửa biển Sa Huỳnh: Xưa kia đã chứng kiến biết bao trận đánh khốc liệt của mảnh đất anh hùng này, nay cửa biển Sa Huỳnh là nơi ra vào của tàu bè, đây cũng là nơi tập trung khá đầy đủ văn hóa, tín ngưỡng của làng ngư Sa Huỳnh...
   • Ruộng muối Sa Huỳnh: Sa Huỳnh còn là vựa muối lớn ở miền Trung, chẳng thua kém gì muối Cà Ná và muối Hòn Khói. Diện tích các cánh đồng muối ở đây chiếm gần 500 ha và hàng năm sản xuất hàng trăm ngàn tấn muối có chất lượng tốt. Bạn có thể chớp được vô số những khoảnh khắc ấn tượng ở đây đó
   • Đầm Sa Huỳnh: Vốn được biết đến với đồng muối trắng, xung quanh được bao bọc bởi dãy trường sơn. Đầm Sa Huỳnh có rất nhiều loại thủy sản sinh sống, do đó bạn có thể đi cào sò hay lấy hàu vào mỗi khi chiều về hoặc đi soi cua đá vào buổi tối - thật thú vị.
   • Bãi biển Châu Me, là một trong những bãi biển đẹp của miền Trung, biển xanh trong, cát vàng óng. Châu Me vốn được biết đến như một khu du lịch sinh thái, thuận lợi cho các hoạt động vui chơi giải trí như câu cá. Tại đây, bạn có thể hòa mình vào những âm thanh của dàn nhạc nước đầy sức mê hoặc.
   • Đền thờ cá Ông, vì đây là vùng đất gắn bó với nghề biển nên dân làng rất tôn kính cá Ông. Họ tin rằng, cá Ông sẽ giúp họ vượt qua những cơn sóng to gió lớn ở ngoài khơi. Cho nên gần cửa biển có lăng cá Ông, cạnh lăng có một khu đất để táng xác cá Ông. Mỗi năm vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, dân làng tổ chức cúng linh đình, có rước cả hát Bội về há cho bà con nghe.
   • Chùa Từ Phước: Người dân Sa Huỳnh phần lớn theo đạo Phật, họ tin vào đức Phật linh thiêng, tin vào Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngày rằm và mùng 1 hàng tháng bà con luôn ăn chay và đi chùa để cầu an sám hối. Chính vì vậy, đạo Phật ở đây rất phát triển, bằng chứng là có nhiều chùa trong đó có chùa Từ Phước là chùa lớn và đẹp nhất của huyện Đức Phổ. 

Duyệt Thành