15:27 21/11/2009

EU bác đề xuất gia hạn thuế chống bán phá giá với giày Việt Nam

Y Nhung

Đa số thành viên EU không ủng hộ việc kéo dài thời gian áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam

Từ tháng 10/2006, EC bắt đầu áp dụng mức thuế 10% đối với giày mũ da của Việt Nam như một biện pháp chống bán phá giá.
Từ tháng 10/2006, EC bắt đầu áp dụng mức thuế 10% đối với giày mũ da của Việt Nam như một biện pháp chống bán phá giá.
Đa số thành viên EU không ủng hộ việc kéo dài thời gian áp thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam.

Theo tin từ Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), trong cuộc bỏ phiếu ngày 19/11, tại cuộc họp của Ủy ban Chống bán phá giá của Liên minh châu Âu (EU), 15 nước thành viên EU đã bỏ phiếu không thông qua đề xuất của Ủy ban Châu Âu (EC) về việc gia hạn thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da Việt Nam thêm 15 tháng.

10 nước thành viên khác bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của EC và 2 nước bỏ phiếu trắng.

Tuy nhiên, bất chấp điều này, EC dự định đưa đề xuất trên ra biểu quyết ở cấp bộ trưởng vào tháng 12 tới.

Từ tháng 10/2006, EC bắt đầu áp dụng mức thuế 16,5% đối với giày mũ da của Trung Quốc nhập khẩu vào EU và 10% đối với giày cùng loại của Việt Nam như một biện pháp chống bán phá giá.

Tới nay, rất nhiều hiệp hội, tổ chức, cá nhân và các doanh nghiệp của EU (thậm chí kể cả doanh nghiệp sản xuất giày dép) đã phản đối việc kéo dài thuế chống bán phá giá này. Các ý kiến đều cho đây là biện pháp bảo hộ cho một vài doanh nghiệp ngành giày dép có khả năng cạnh tranh hạn chế, trong khi bỏ qua quyền và lợi ích chính đáng của nhà sản xuất và công nhân Việt Nam, người tiêu dùng, nhà nhập khẩu, nhà phân phối, nhà bán lẻ… của EU.

Nhưng vào ngày 7/10 vừa qua, EC vẫn đề xuất kéo dài thời hạn áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày nhập nhẩu từ Trung Quốc và Việt Nam vào EU thêm ít nhất 15 tháng nữa, thay vì 5 năm như thông lệ.