08:59 02/06/2008

EU công bố “Sách xanh” về kinh tế Việt Nam

Thuỳ Trang

Theo “Sách xanh 2008”, EU vẫn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam với tổng mức trao đổi thương mại đạt 14,23 tỉ USD

Tính đến nay, EU đang là nhà đầu tư lớn thứ hai xét về nguồn vốn được thực hiện tại Việt Nam (gần 5 tỉ USD), chỉ đứng sau Nhật Bản.
Tính đến nay, EU đang là nhà đầu tư lớn thứ hai xét về nguồn vốn được thực hiện tại Việt Nam (gần 5 tỉ USD), chỉ đứng sau Nhật Bản.
Theo “Sách xanh 2008”, EU vẫn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam với tổng mức trao đổi thương mại đạt 14,23 tỉ USD.

Kết quả đánh giá thực trạng phát triển của nền kinh tế Việt Nam do Phái đoàn Uỷ ban châu Âu (EC) và các tham tán thương mại Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 30/5, đã đưa ra những nhận định tích cực về tình hình xuất khẩu của Việt Nam cũng như khả năng Việt Nam tiếp tục thu hút được vốn FDI. Tuy nhiên, khoảng cách giữa tỉ lệ vốn cam kết và thực hiện FDI vẫn còn khá lớn, tiến độ tự do hoá thương mại cần tiếp tục tăng cường.

Hai ngày trước Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam khai mạc vào ngày 2/6, Phái đoàn EC tại Việt Nam đã chính thức công bố “Sách xanh 2008” tập hợp những đánh giá của nhóm các tham tán thương mại EU về môi trường kinh doanh và thực trạng phát triển kinh tế Việt Nam.

EU là đối tác thương mại lớn nhất

Theo “Sách xanh 2008”, EU vẫn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, theo sát Trung Quốc, với tổng mức trao đổi thương mại đạt 14,23 tỉ USD. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng những số liệu thống kê của Việt Nam chỉ tính các điểm đến trung gian nơi hàng hóa được phân loại lại và một số nơi như là Hồng Kông hay Thượng Hải, nên báo cáo cho rằng trên thực tế EU là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. EU vẫn là thị trường tiêu thụ hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm khoảng 19,32% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam, đạt giá trị khoảng 9,97 tỉ USD, chỉ đứng thứ hai sau Mỹ (21,43%).

Số liệu thống kê của Eurostat cũng cho thấy EU là đối tác nhập khẩu lớn thứ ba của Việt Nam (7,79%) sau Trung Quốc và Nhật Bản. Trong khi Việt Nam chịu mức nhập siêu cao trong buôn bán với Trung Quốc (xấp xỉ 9,15 tỉ USD), thì trong quan hệ với EU, theo nhận định của báo cáo, Việt Nam là nước được hưởng lợi, khi mà tỉ lệ nhập siêu của EU xấp xỉ 4,26 tỉ Euro.

Từ góc độ này, những thành quả Việt Nam đã “gặt hái” được trong giao thương với EU là đáng khích lệ. Nhưng để thúc đẩy kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam-EU hơn nữa, Đại sứ của Phái đoàn EC tại Việt Nam Sean Doyce cho rằng Việt Nam cần phải hành động càng nhanh càng tốt đối với tiến trình đàm phán FTA giữa EU-ASEAN. “Bởi vì đó là nơi mà việc dỡ bỏ hàng rào thuế quan sẽ đem lại những vị trí vững chắc, lâu dài trên thị trường châu Âu cho các nhà xuất khẩu đến từ ASEAN và đặc biệt đến từ Việt Nam”.

Đại sứ cũng lưu ý việc mặt hàng giày dép của Việt Nam sắp tới có khả năng bị loại bỏ ra khỏi danh sách được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) của EU đang gây ra những lo ngại nhất định cho các doanh nghiệp Việt Nam. Theo người đại diện cao nhất của EU tại Việt Nam, cho dù mặt hàng này có vào diện được hưởng GSP thì đó cũng chỉ là giải pháp ngắn hạn. Về mặt dài hạn, ông cho rằng cần phải đảm bảo thuế quan xuống thấp nhất để hàng hóa Việt Nam có tính cạnh tranh cao nhất tại châu Âu.

Ông Antonio Barenguer, Tham tán thương mại Phái đoàn EC tại Việt Nam, dự báo những sản phẩm tăng mạnh xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu trong tương lai sẽ là hàng nông sản và thủy sản. Các mặt hàng truyền thống như giày dép, dệt may, cà phê có thể sẽ thay đổi một chút do Việt Nam sẽ mất dần sức cạnh tranh chi phí lao động rẻ, hệ quả của việc kinh tế Việt Nam phát triển. “Bù lại Việt Nam sẽ có được nhiều hơn nếu biết phát triển hệ thống thương hiệu mạnh mẽ và được công nhận trên quốc tế”, ông Antonio Barenguer giải thích.

Đứng thứ hai về vốn thực hiện

Đến thời điểm hiện nay, EU đang là nhà đầu tư lớn thứ hai xét về nguồn vốn được thực hiện tại Việt Nam (gần 5 tỉ USD), chỉ đứng sau Nhật Bản. “Con số đó thể hiện chúng tôi rất quan tâm và lạc quan về thị trường của Việt Nam. Việc chúng tôi góp vốn vào Việt Nam không chỉ là nguồn vốn thông thường mà còn đem theo những công nghệ rất cao”, Đại sứ Sean Doyce nhấn mạnh. Điều này càng quan trọng hơn trong bối cảnh khoảng cách giữa tỉ lệ vốn cam kết và thực hiện FDI tại Việt Nam vẫn còn khá lớn (khoảng 60%).

Trước thực tế đó, “Sách xanh” cho rằng Việt Nam cần hạn chế những tiêu cực để thu hẹp khoảng cách chênh lệch quá lớn giữa con số vốn FDI cam kết và giải ngân. Theo Đại sứ Sean Doyce, những cản trở của tệ quan liêu sẽ gây ra tình trạng chì trệ trong tiến hành thủ tục, khiến cho các nhà đầu tư cảm thấy mất thời gian hơn. Ông thừa nhận trong một số lĩnh vực các nhà đầu tư cũng đã thấy tính hiệu quả của các bộ ngành giải quyết công việc nhưng nếu tính minh bạch được nâng cao hơn nữa sẽ góp phần thu hút thêm nhiều FDI.

Liên quan đến những lo ngại về ảnh hưởng của luồng vốn lớn FDI đổ vào Việt Nam đối với hiện tượng lạm phát gần đây, Đại sứ Sean Doyce thừa nhận có tác động nhất định nhưng ông cũng lưu ý rằng nhiều nước trên thế giới thấy “ghen tị” về lượng vốn FDI mà Việt Nam thu hút được. Hơn nữa, phần lớn lượng FDI đổ vào Việt Nam vẫn chưa được triển khai ngay.

Do vậy, theo Đại sứ, tình hình không tệ như một số người tưởng. “Thật là dễ khi chỉ trích liên quan đến lạm phát nhưng xin lưu ý rằng lạm phát cũng là một cái giá của sự phát triển. Cũng thật dễ khi có những phê phán về thâm hụt thương mại của Việt Nam. Nhưng muốn nền kinh tế có thể phát triển được các bạn buộc phải nhập khẩu nhiều máy móc, thiết bị để phục vụ cho việc sản xuất và xuất khẩu của đất nước. Do vậy, tôi thấy quan trọng hơn cả là Việt Nam đã có những hành động và dự đoán trước để đáp ứng được tình hình này”, ông Sean Doyce nói.

Những vấn đề cần giải quyết

Khi được hỏi điều gì khiến cho EU quan ngại nhất đối với tình hình kinh tế Việt Nam, Đại sứ Phái đoàn EC đã khẳng định ngay đó là “tệ quan liêu”. Ông giải thích với một lí do rất đơn giản là để thu hút hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài thì cần phải thuyết phục được họ làm ăn kinh doanh tại Việt Nam thuận lợi. Trong khi đó, quan liêu kèm theo tham nhũng lại là trở ngại khó khăn chính đối với giới làm ăn và đầu tư.

Bên cạnh đó, gần đây nhiều phân tích đã đưa ra những dự báo không mấy lạc quan về tình hình kinh tế Việt Nam như lạm phát cao, đánh thấp hạng về tính ổn định, thậm chí còn lo lắng có khủng hoảng tiền tệ... Về vấn đề này, Đại sứ Sean Doyce cho rằng có rất nhiều nước trong khu vực cũng đang vấp phải vấn đề này và ông lưu ý việc đánh thấp hạng nền kinh tế Việt Nam mới chỉ là thông tin trong tương lai có thể bị xuống hạng mà thôi.

“Tất nhiên mức lạm phát 25% là rất cao và nhiều người dự trù mức lạm phát có thể cao hơn nữa. Tuy nhiên tôi tin rằng Chính phủ Việt Nam đã nhận ra được vấn đề và đã có những bước đi về kinh tế vĩ mô đúng đắn. Chúng ta cần phải chờ đợi một thời gian nữa mới thấy được các kết quả của các chính sách phát huy tác dụng”, Đại sứ nói.

“Điều quan trọng lúc này đối với Việt Nam là cần phải tiến hành đổi mới để có thể tận dụng một cách triệt để những cơ hội mới cũng như xử lý tốt những thách thức đang nổi lên”, ông nhấn mạnh.

Nhóm các tham tán EU cũng đưa ra những kiến nghị quan trọng cho tương lai phát triển của Việt Nam, như cần phải hạn chế những tiêu cực làm cho khoảng cách giữa tỉ lệ vốn cam kết và thực hiện FDI vẫn còn khá lớn; tiếp tục tiến độ tự do hóa thương mại như đàm phán các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác chính như là EU; tăng cường hệ thống bảo vệ sở hữu trí tuệ; chú ý đến việc thực hiện các cam kết của WTO một cách kịp thời.