EVFTA như thuốc bổ, nhưng cơ thể yếu thì lợi bất cập hại
Nếu EVFTA vẫn cách tiếp cận chậm trễ như với CPTPP thì những lời hay ý đẹp chỉ tồn tại trên giấy
Nhiều FTA giống như nhiều thang thuốc bổ, nếu cơ thể khoẻ mạnh, hấp thụ tốt thì rất tốt, còn cơ thể yếu thì lợi bất cập hại.
Đó là lo ngại được ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Đa biên (Bộ Công Thương) nêu tại hội thảo nhận diện cơ hội kinh doanh - đầu tư trong bối cảnh EVFTA sớm được thông qua, tổ chức tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) sáng 10/7.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng lưu ý về những thách thức trong tiến trình thực hiện, khi EVFTA được phê duyệt.
Nếu coi EVFTA là cuộc hôn nhân thì mọi cuộc hôn nhân dù đẹp cũng không chỉ có màu hồng, nếu coi là bông hoa đẹp thì hoa hồng đẹp nhưng có rất nhiều gai, còn nếu coi là một con đường thì không có con dường nào toàn hoa thơm và trái ngọt, ông Lộc nói.
Vấn đề được ông Lộc nhấn mạnh đó là độ mở của nền kinh tế Việt Nam thì cao nhưng năng lực cạnh tranh thì còn thấp, mà năng lực hội nhập bản chất là năng lực cạnh tranh.
Ông Lộc phân tích, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về năng lực cạnh tranh toàn cầu thì Việt Nam đứng vị trí thứ 77 trên tổng số 140 nền kinh tế, tức là ở mức trung bình.
Trong đó năng lực cạnh tranh thể chế còn thấp nữa (94/140) dưới trung bình, động lực kinh doanh còn thấp hơn nữa (101/140), nhưng độ mở thì ở nhóm cao nhất.
Trong ASEAN độ mở của nền kinh tế Việt Nam chỉ thua Singapore nhưng năng lực cạnh tranh xếp thứ 7, chỉ đứng trước Lào, Cam, và Myanma, Chủ tịch VCCI so sánh.
Với những số liệu trên, ông Lộc khẳng định rằng có khoảng cách của độ mở nền kinh tế và năng lực cạnh tranh, khép lại khoảng cách này là hành trình hội nhập, là hành trình nâng cao năng lực cạnh tranh, và đó chính là hai chìa khoá quyết định thành công trong hội nhập.
Với riêng EVFTA, theo Chủ tịch VCCI, Châu Âu là nơi kinh tế phát triển cao, ít có sự cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam nên Việt Nam có lợi thế. Nhưng để hiện thực lợi thế này thì phải đáp ứng nhiều yêu cầu về xuất xứ hàng hoá, môi trường, quan hệ lao động, phát triển bền vững... và thực hiện được tất cả những điều kiện này là việc rất không đơn giản.
Ông Lộc cũng cho biết, tới đây, VCCI sẽ làm việc sâu hơn với các ngành hàng, các địa phương để thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao năng lực của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt phải tái cấu trúc quy trình sản xuất và công nghệ để đáp ứng yêu cầu về nguồn gốc xuất xứ và xác lập được hệ thống phòng ngừa rủi ro, cần có tầm nhìn toàn diện hơn trong bối cảnh thế giới đang thay đổi, Chủ tịch VCCI khuyến cáo.
Đến từ cơ quan chủ trì đàm phán và phê chuẩn EVFTA, ông Khanh cho biết hiện nay việc đánh giá tác động về kinh tế thương mại và pháp luật đã hòm hòm, cần đánh giá thêm tác động về ngoại giao, chính trị, an ninh để có đánh giá tổng thể trình Quốc hội xem xét phê chuẩn, sau đó sẽ ban hành kế hoạch hành động thực hiện EVFTA.
Về mốc thời gian cụ thể, ông Khanh nói Việt Nam sẽ cố gắng hoàn tất trình Quốc hội phê chuẩn vào tháng 10/ 2019, còn phía EU cũng sẽ cố gắng trình nghị viện Châu Âu vào thời gian tương tự để 2020 EVFTA sẽ có hiệu lực.
Vị Phó vụ trưởng cũng lưu ý về lợi ích cộng hưởng từ CPTPP, EVFTA, sắp tới có thể thêm RCEP và các FTA khác mà nếu cộng đơn thuần theo một số tính toán mang tính tham khảo thì có thể làm tăng GDP từ 13% - 16%.
Nhưng vấn đề, theo ông Khanh là khả năng hấp thụ đến đâu, bởi nhiều FTA giống như nhiều thang thuốc bổ, nếu cơ thể khoẻ mạnh, hấp thụ tốt thì rất tốt, còn cơ thể yếu thì lợi bất cập hại.
Mặt khác, ông Khanh nhấn mạnh sự chủ động là câu chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi nhưng từ thực tế triển khai CPTPP khiến vị này thực sự lo ngại. Vì khi Thủ tướng ban hành kế hoạch hành động thực thi hiệp định này đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xây dựng chương hành động cụ thể, nhưng sau đó chỉ nhận được kế hoạch của 10 bộ ngành. Sau khi Thủ tướng tiếp tục đôn đốc thì đến bây giờ vẫn chưa nhận được đầy đủ kế hoạch của các bộ ngành địa phương, như vậy là rất chậm trễ.
Nếu EVFTA vẫn cách tiếp cận như vậy thì những lời hay ý đẹp chỉ tồn tại trên giấy, ông Khanh bình luận.
Vị này cũng lưu ý các doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị kỹ càng hơn, khi mà đến nay Bộ Công Thương chỉ nhận được hai câu hỏi từ doanh nghiệp, mà là từ doanh nghiệp FDI về thuế và xuất xứ hàng hoá, trong khi còn rất nhiều thứ cần quan tâm để hàng Việt đến được tay người tiêu dùng Châu Âu.