14:54 09/07/2010

EVN: “Thiếu tiền làm sao... đủ điện”

Từ Nguyên

Những bất cập trong quản lý ngành điện cùng nhiều dự án chậm tiến độ đang được cho là nguyên nhân gây ra thiếu điện hiện nay

Ông Đậu Đức Khởi - Ảnh: Bảo Anh
Ông Đậu Đức Khởi - Ảnh: Bảo Anh
Những bất cập trong quản lý ngành điện cùng nhiều dự án chậm tiến độ đang được cho là nguyên nhân gây ra thiếu điện hiện nay.

Tuy nhiên, theo lý giải của ông Đậu Đức Khởi, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), những yếu tố trên cũng có tác động nhất định, song suy cho cùng là vấn đề về tài chính, mà cụ thể là thiếu vốn cho các dự án điện mới là nguyên nhân cơ bản nhất.

Trao đổi với VnEconomy, ông Đậu Đức Khởi nói:

- Theo lối suy nghĩ của người dân hiện nay, hễ cứ thiếu điện là cứ đổ lỗi cho EVN, trong khi EVN chỉ đảm nhận hơn 50% sản lượng điện của cả nước, còn lại là của những doanh nghiệp khác ngoài EVN.

Đặc biệt, có không ít dự án điện của các doanh nghiệp ngoài EVN chậm tiến độ, không có điện bán cho chúng tôi theo đúng tiến độ thì không ai biết.

Tất nhiên, trong EVN cũng có một số dự án chậm tiến độ, có thể là do quản lý, do giải  phóng mặt bằng... nhưng quan trọng nhất vẫn là thiếu vốn nên nhiều khi “lực bất tòng tâm”.

Mong được cạnh tranh

Nhưng nhiều ý kiến sẽ không hài lòng với lý giải của ông, vì họ vẫn thấy EVN chi tiền cho những lĩnh vực ngoài điện?

Mọi người cần phải hiểu rằng, đã là tập đoàn kinh tế thì Chính phủ cho phép đầu tư đa ngành. Nhưng ngay như lĩnh vực lớn nhất ngoài ngành của chúng tôi như viễn thông cũng chỉ chiếm 3% tổng vốn của chúng tôi.

Còn vốn cho một số dịch vụ khác thì không đáng kể, không thể so với vốn đầu tư cho một dự án điện có thể lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, đã là kinh doanh phải có lợi nhuân. Thế nhưng, với EVN, ngay như 6 tháng đầu năm nay, chúng tôi đã nợ các doanh nghiệp bán điện hơn 6.000 tỷ đồng, trong đó nợ Tổng công ty Điện lực Dầu khí là 3.000 tỷ đồng mà đến nay vẫn chưa thu xếp được để thanh toán.

Ngoài ra, trong tổng sơ đồ điện 6 cần tới 80 tỷ USD. Chỉ tiêu giao cho EVN phải thu xếp khoảng 33 tỷ, còn bên ngoài khoảng 55 tỷ USD. Nhưng hiện nay chúng tôi cũng mới chỉ thu xếp được khoảng 20 tỷ USD.

Chẳng hạn như dự án Nhiệt điện Nghi Sơn (Thanh Hóa) có đến 85% là vốn của Ngân hàng Thế giới cung cấp và lẽ ra phải được khởi công từ đầu năm nay nhưng do thiếu vốn nên vừa qua mới triển khai được vì chúng ta không thể lo được vốn đối ứng.

Nhưng hầu hết các dự án điện đều được đấu thầu theo hình thức EPC, nghĩa là các nhà thầu sẽ lo vốn trước?

Đúng là các dự án điện hiện vẫn được thực hiện theo hình thức như vậy, họ đảm nhận thi công và vốn luôn, song chúng ta vẫn phải lo vốn đối ứng.

Nhưng quan trọng hơn là họ không nhìn thấy lợi nhuận từ kinh doanh điện ở Việt Nam nên không muốn vào. Còn những dự án đã triển khai mà bị chậm là vì họ không còn động lực.

Tôi khẳng định rằng, các doanh nghiệp điện trong nước chắc chắn không đủ sức để lo hàng trăm tỷ USD cho đầu tư điện. Không có tiền thì làm sao đủ điện được.

Một số doanh nghiệp sản xuất điện cho rằng, vì EVN vẫn là doanh nghiệp độc quyền phân phối nên đã ép giá hoặc không mua điện bên ngoài nên mới thiếu điện?

Nếu nói EVN độc quyền là không đúng bởi có rất nhiều doanh nghiệp khác có hoạt động về điện. Hiện Chính phủ đề ra thị trường một người mua, tức là các doanh nghiệp đều phải bán điện cho EVN nhưng các doanh nghiệp đều muốn bán cao, mua rẻ.

Đơn cử như chúng tôi không đàm phán được với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam về giá mua điện, vì họ đưa ra giá 6,8 cent, nhưng chúng tôi chỉ bán ra 5,2 cent. Nếu mua hết công suất của Cà Mau thì mỗi năm lỗ khoảng 3.000 tỷ đồng.

Còn thực tế, chúng tôi không thể nắm đầu cán được vì Chính phủ cho phép doanh nghiệp sản xuất điện được bán tự do chứ không nhất thiết phải bán cho EVN.

Từ đầu năm đến nay, EVN vẫn mua điện giá cao, trong tháng 6 vừa qua chúng tôi mua đến 800 MW điện chạy dầu FO từ các nhà máy Ô Môn, Cần Thơ, Hiệp Phước... với giá khoảng 4.000 đồng/kWh, trong khi bán trung bình chỉ được 1.000 đồng/kWh, tức là chúng tôi lỗ 3.000 đồng/kWh.

Tổng cộng 6 tháng đầu năm, EVN đã lỗ 4.700 tỷ đồng vì mua điện giá cao.

Vậy nếu tỷ lệ mua điện giá cao ngày càng tăng, liệu EVN có tính đến chuyện tăng giá điện trong năm nay?

Tăng giá hay không thì do Chính phủ quyết định, song quan điểm của chúng tôi là sẽ xây dựng một lộ trình giá điện ổn định trên sự biến động.

Từ đầu tháng 7, EVN thông báo là không cắt điện, nhưng vừa qua, nhiều khu vực vẫn xảy ra tình trạng này? Từ nay đến cuối năm mà EVN vẫn kêu lỗ thì liệu có tiếp tục cắt điện?

Theo chỉ đạo của tập đoàn, từ 1/7 vừa qua, các đơn vị cơ sở của EVN không tiết giảm điện nữa. Tuy nhiên nếu từ tháng này trở đi mà nước không được cải thiện thì tình hình vẫn có thể căng thẳng.

Chúng tôi hy vọng cuối năm nước về nhiều nên sẽ có bù chéo. Từ nhiều năm nay, chúng tôi vẫn thiết kế là cuối năm mới có lãi để bù lỗ cho đầu năm.

Còn các khoản lỗ thì Chính phủ hoàn toàn không có bù cho EVN một khoản nào. Chính phủ chỉ bảo lãnh cho chúng tôi một số khoản vay. EVN hiện là một doanh nghiệp không hẳn là công ích cũng không hẳn là kinh doanh.

Tôi xin lấy ví dụ, hiện EVN mua điện Trung Quốc, năm ngoái mua 4,5 cent nhưng vừa rồi họ tăng giá lên 4,8 cent, cộng thuế và các chi phí khác vào nữa thì khoảng 1.500 đồng/kWh. Mỗi ngày EVN mua khoảng 17 triệu kWh, tính ra mỗi ngày lỗ khoảng 5,1 tỷ đồng.

Chúng tôi mong muốn thị trường điện lực càng có sớm càng tốt, và phải là bán lẻ cạnh tranh thì mới mong khắc phục được các bất cập về điện hiện nay.

Còn nếu năm 2020 mới có thị trường bán lẻ cạnh tranh là quá chậm, chừng nào chưa có thì chừng đó vẫn thiếu điện. Từ đầu năm đến nay chỉ thiếu khoảng 700 triệu kWh nhưng cả nước đã điêu đứng.

Muốn không thiếu điện thì phải minh bạch hóa để nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư. Còn theo tôi, ngay cả vốn nhà nước, vốn của các ngân hàng cũng không thể lo đủ để đầu tư các dự án điện.

Kiểm điểm EVN là đúng

Theo EVN thì dường như các lý do gây nên thiếu điện đều là do khách quan. Nhưng vừa qua, Chính phủ yêu cầu EVN kiểm điểm vì để xảy ra thiếu điện. Liệu EVN có thấy bị “oan ức” không?

Thực sự thì cũng đều có lý do cả, song chúng tôi cho rằng Chính phủ rất hiểu chúng tôi. Có chẳng chỉ là sức ép từ người dân. Thực tế thì Chính phủ không khống chế doanh nghiệp sản xuất điện nhưng không mấy doanh nghiệp mặn mà vì quá khó và không có lãi.

Còn Chính phủ yêu cầu kiểm điểm thì chúng tôi cũng thấy không oan ức vì dù sao chúng tôi cũng có lỗi, bởi trọng trách của chúng tôi được Chính phủ giao là lo đủ điện sinh hoạt cho dân và để phát triển kinh tế.

Nhưng ngay từ đầu trong chiến lược phát triển điện lực, nếu chúng ta không nghiêng về thủy điện thì tình hình cũng không đến nỗi nào. Cũng có thể vì chúng ta không có nhiều vốn nên chúng ta không thể làm nhiệt điện, phong điện như nhiều nước khác.

Bên cạnh đó, những năm trước đây chúng ta cũng chưa nhận thức được đầy đủ những biến động, chưa tính đến những hiện tượng bất thường của thời tiết như El Nino, hạn hán. Thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) vừa đưa vào vận hành nhưng mỗi ngày chỉ chạy được 4 giờ là hết nước.

Được biết, EVN đang chuẩn bị kiến nghị Chính phủ bỏ cách tính giá điện bậc thang. Tại sao phải làm vậy, thưa ông?

Chúng ta thực hiện dự án điện là đấu thầu quốc tế, đầu vào là mặt bằng thị trường, trong khi đầu ra lại khống chế.

Giá điện của chúng ta vẫn rẻ hơn nhiều nước trong khu vực. Hiện chúng ta đang mua than trong nước với giá 33 USD/tấn, sắp tới còn phải nhập khẩu với giá trên 100 USD thì chắc chắn sẽ còn lỗ nặng hơn.

Nhà đầu tư nước ngoài bỏ ra hàng tỷ USD đầu tư vào điện cũng phải kiếm được lợi nhuận, song vời giá điện như thế này thì họ không bao giờ vào Việt Nam đầu tư điện.

Còn việc kiến nghị xóa bỏ giá điện bậc thang vì nó không công bằng với người nghèo. Chúng tôi thu tiền điện có những gia đình 30 triệu đồng/tháng, họ không cần ưu đãi 50 số đầu, họ chỉ cần chất lượng điện.

Nếu người nghèo thật sự thì Chính phủ phải hỗ trợ họ hoàn toàn mấy chục số đầu. Có nhiều trường hợp, nhân viên của chúng tôi thu tiền điện ở miền núi có khi chỉ được 15.000 đồng/hộ nhưng phải trả tiền xe ôm hàng trăm nghìn.