12:36 10/05/2010

FED, ECB cùng hành động khẩn cấp chặn khủng hoảng

Kiều Oanh

ECB "phá lệ" khi tuyên bố sẽ thực hiện can thiệp vào thị trường trái phiếu, FED bơm USD với khối lượng không giới hạn vào thị trường

Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet tại một cuộc họp báo do ECB tổ chức mới đây tại Lisbon (Bồ Đào Nha). ECB đã sẵn sàng cho việc mua vào trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) để đảm bảo tính thanh khoản cho thị trường - Ảnh: AP.
Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet tại một cuộc họp báo do ECB tổ chức mới đây tại Lisbon (Bồ Đào Nha). ECB đã sẵn sàng cho việc mua vào trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) để đảm bảo tính thanh khoản cho thị trường - Ảnh: AP.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố sẽ “phá lệ”, thực hiện mua vào trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định tái khởi động công cụ hoán đổi tiền tệ khẩn cấp, theo đó sẽ bơm USD với khối lượng không giới hạn vào các ngân hàng trung ương ở châu Âu, Anh và Thụy Sỹ.

Các biện pháp mạnh trên được ECB và FED công bố ngay sau khi Liên minh châu Âu (EU) tung ra một gói giải cứu trị giá gần 1.000 tỷ USD để ngăn chặn cuộc khủng hoảng nợ từ Hy Lạp tấn công sang các quốc gia khác.

Tờ Wall Street Journal dẫn thông báo của ECB công bố tối ngày 9/5 theo giờ Đức, nơi ngân hàng trung ương này đặt trụ sở cho hay, ECB đã sẵn sàng cho việc mua vào trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp thuộc khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) để đảm bảo tính thanh khoản cho thị trường. Tuy nhiên, EU quy định, ECB sẽ không được mua trái phiếu chính phủ trực tiếp từ quốc gia phát hành mà chỉ được mua vào từ các nhà đầu tư trên thị trường cấp hai.

“Hội đồng Thống đốc ECB quyết định thực hiện can thiệp vào thị trường trái phiếu công và tư nhân của khu vực đồng Euro để đảm bảo chiều sâu và thanh khoản của các thị trường này. Quy mô của các đợt can thiệp sẽ do Hội đồng Thống đốc quyết định”, thông báo của ECB có đoạn viết.

Trước đó, ECB đã có một thời gian khá dài tranh cãi về việc có hay không thực hiện can thiệp vào thị trường. Chiến lược của ECB trước khi kế hoạch này được đưa ra là sẽ không thực hiện bất kỳ hành động can thiệp thị trường nào. Tuy nhiên, tình thế “nước sôi lửa bỏng” ở khu vực đồng Euro đã buộc ECB phải “phá lệ”.

Thể hiện sự phối hợp hành động với ECB, từ Washington, FED cũng ngay lập tức công bố sẽ bơm cho ECB, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương Thụy Sỹ (SNB) số lượng USD ở bất kỳ quy mô nào trong thời gian từ nay tới tháng 1/2011.

Theo hãng tin tài chính Bloomberg, trong nghiệp vụ hoán đổi tiền tệ, các ngân hàng trung ương sẽ hoán đổi tiền cho nhau với thỏa thuận sẽ đảo ngược sự hoán đổi này trong thời gian sau đó. ECB, BoE và SNB sẽ dùng số USD mà FED bơm cho để cho các doanh nghiệp trong nước vay với lãi suất cố định.

Thanh khoản USD đã bị thắt chặt tại thị trường London trong tuần trước do những lo ngại xung quanh việc các định chế tài chính nắm giữ quá nhiều tài sản của các quốc gia nặng nợ tại khu vực châu Âu.

Việc FED phối hợp hành động với ECB và EU lần này khiến nhiều người nhớ lại sự phối hợp hành động giữa các ngân hàng trung ương lớn trong thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây chưa lâu. Khi đó, vào ngày 8/10/2008, FED và 5 ngân hàng trung ương lớn khác đã đồng loạt hạ lãi suất để chặn bước tiến của khủng hoảng. Đến ngày 13/10/2008, FED tuyên bố bơm USD không giới hạn vào thị hạn vào thị trường thông qua nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ.

Các quyết định ngày 9/5 của ECB và FED được đưa ra sau khi các nhà chức trách thuộc EU tuyên bố sẽ tung một gói cứu trợ trị giá 750 tỷ Euro, tương đương với 962 tỷ USD, để chặn đà tấn công của khủng hoảng nợ.

Theo kế hoạch, trong gói vốn vay được giới quan sát là “lịch sử”, “vô tiền khoáng hậu” này, có 440 tỷ Euro do chính phủ các nước trong khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đóng góp, 60 tỷ Euro nữa từ ngân sách của EU, và một khoản lên tới 250 tỷ Euro từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Với số tiền khổng lồ này, EU sẽ thực hiện cho vay song phương hoặc bảo lãnh vốn vay cho các quốc gia nằm trong tầm ngắm của khủng hoảng.

Cuộc khủng nợ công tồi tệ của Hy Lạp đang lăm le tiến vào các quốc gia khác ở châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ireland, Italy…

Trên hãng tin Reuters, so sánh cuộc khủng hoảng nợ hiện nay với khủng hoảng tài chính vừa qua, có nhà phân tích đã nhận định rằng, nếu Hy Lạp là Bear Stearns, thì Tây Ban Nha có thể sẽ trở thành Lehman Brothers, Bồ Đào Nha là một AIG.

Còn tờ Wall Street Journal thì cho rằng, gói giải cứu gần 1.000 tỷ USD của EU là bằng chứng cho thấy, khối này đã xem những mắt xích yếu như Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là "quá lớn để đổ vỡ" (too big to fail) tương tự như quan điểm của Washington khi cứu các nhà băng Mỹ có nguy cơ theo chân Lehman Brothers trong cuộc khủng hoảng mới đây.

Ngoài ra, quy mô của gói cứu trợ của EU thậm chí còn lớn hơn gói giải cứu Mỹ trị giá 700 tỷ USD mà Washington tung ra cho các ngân hàng trong thời gian khủng hoảng tài chính.