Fed tăng lãi suất, áp lực chưa đủ để đảo ngược chính sách tại Việt Nam
Động thái của Fed không gây bất ngờ khi khớp với những gì đã bàn luận trong biên bản họp Fed tháng 3/2022 song rõ ràng việc ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới mạnh tay với lãi suất cũng gây ra e ngại tác động đến các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.
Như VnEconomy đưa tin, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 4/5 nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm - bước nhảy rộng nhất trong hơn 2 thập kỷ trở lại đây - nhằm chống lại đà leo thang mạnh nhất hơn 40 năm của giá cả. Sau đợt nâng lãi suất ngày 4/5, lãi suất Fed tăng lên mức 0,75%-1%.
Theo ông Powell - người đứng đầu ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới - điều đó có thể đồng nghĩa với việc Fed sẽ có thêm những đợt tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm mỗi lần trong thời gian tới, nhưng đó sẽ là bước nhảy rộng nhất và Fed sẽ không tăng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm như lo ngại trước đó của thị trường.
Động thái của Fed không gây bất ngờ khi khớp với những gì đã bàn luận trong biên bản họp Fed tháng 3/2022 song rõ ràng việc ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới mạnh tay với lãi suất cũng gây ra e ngại tác động đến các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam. Nhất là khi mặt bằng lãi suất trong nước đã duy trì ở mức thấp trong suốt 2 năm 2020-2021 để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành trong năm 2020.
Trong khi đó, áp lực lạm phát ngày càng gia tăng. Đã có nhiều dự báo cho rằng lạm phát sẽ vượt 4% trong năm 2022 thậm chí xa hơn là lên tới 7% khi mà giá dầu thô và khí đốt tự nhiên đã tăng đáng kể do khủng hoảng Nga- Ukraine. Giá dầu thô Brent trung bình ở mức 100 USD/thùng trong Q1/2022 tăng 59,7% so với cùng kỳ. Giá dầu thô và khí đốt tự nhiên khó có thể sớm trở lại mức trước khủng hoảng. Giá dầu thô tăng cao sẽ làm gia tăng áp lực lạm phát đối với Việt Nam, đặc biệt là đối với chỉ số giá giao thông vận tải.
CPI cơ bản tăng 1,47% trong tháng 04, khiến mức bình quân 4 tháng là 0,97%. Lạm phát duy trì xu hướng tăng cao nhưng vẫn nằm trong mức kiểm soát của SBV. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chứng khoán BSC, tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài thì lạm phát nhiều khả năng sẽ vượt mốc mục tiêu của Chính phủ vào quý 3..
Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 tháng và lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cũng đã lần lượt tăng 7 điểm cơ bản và 8 điểm cơ bản trong quý 1/2022 so với mức cuối năm 2021.
Trước những áp lực trên, xuất hiện ý kiến lo ngại cho rằng SBV có thể sẽ phải tăng lãi suất điều hành trở lại trong năm nay.
Tuy nhiên, trong báo cáo vĩ mô gần đây, VnDirect cho rằng, áp lực lạm phát khó có thể đảo ngược chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, ít nhất là trong 3-6 tháng tới.
VnDirect kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng cho đến ít nhất là cuối Q2/2022 do mặc dù áp lực lạm phát dự kiến sẽ gia tăng trong những tháng tới, nhưng chỉ số giá tiêu dùng bình quân nửa đầu năm 2022 dự báo ở mức 2,5% so với cùng kỳ, vẫn thấp hơn nhiều so với mức trần 4%; sức cầu trong nước vẫn tương đối yếu, chưa phục hồi hoàn toàn về mức bình thường trước đại dịch; Ngân hàng Nhà nước vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
"Mặc dù chúng tôi không kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm thêm các lãi suất chính sách chủ chốt của mình, nhưng chúng tôi cũng tin rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ không nâng lãi suất này điều hành trong vòng 3-6 tháng tới nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ thị trường thông qua hoạt động thị trường mở, chẳng hạn như bơm thanh khoản tiền đồng, mua vào ngoại hối hay nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại", VnDirect kỳ vọng.
Công ty chứng khoán này cũng dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ tăng 14% so với cùng kỳ trong năm 2022. Dòng vốn tín dụng sẽ được ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên như công nghiệp, xuất nhập khẩu, nông, lâm nghiệp, thủy sản. Ngược lại, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ dòng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán và các dự án BOT (Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao).
Về lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện gói cấp bù lãi suất với quy mô 3.000 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước đưa ra mức lãi suất cho vay chỉ 3-4%/năm đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19. Ngoài ra, Chính phủ có kế hoạch mở rộng quy mô gói cấp bù lãi suất cho doanh nghiệp lên 40.000 tỷ đồng, tập trung vào một số đối tượng ưu tiên, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tham gia một số của các dự án trọng điểm quốc gia, và kinh doanh trong một số ngành nhất định (du lịch, hàng không, giao thông vận tải).
VnDirect kỳ vọng rằng gói cấp bù lãi suất có thể giúp giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung bình từ 20-40 điểm cơ bản trong năm 2022. Tuy nhiên, tác động thực tế của gói cấp bù lãi suất đối với doanh nghiệp và nền kinh tế có thể thấp hơn nếu các ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động.