Fi Vietnam 2022: Mở cánh cửa cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường nguyên liệu thực phẩm và đồ uống
Triển lãm nguyên liệu thực phẩm và đồ uống Việt Nam 2022 sẽ được tổ chức từ 12-14/10/2022 tại SECC, dự kiến quy tụ 5.000 chuyên gia thực phẩm và đồ uống từ khắp Việt Nam, khu vực và toàn cầu…
Triển lãm nguyên liệu thực phẩm và đồ uống Việt Nam - Fi Vietnam 2022 được tổ chức từ ngày 12-14/10/2022 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TP.HCM.
Sự kiện này do Hội Lương thực Thực phẩm Tp.HCM (FFA), Hội Khoa học Công nghệ Thực phẩm Việt Nam (VAFoST) và Informa Markets (Nền tảng giao dịch, sáng kiến và phát triển cho các ngành nghề, thị trường chuyên biệt) phối hợp tổ chức.
Dự kiến triển lãm sẽ quy tụ 5.000 chuyên gia thực phẩm và đồ uống từ khắp Việt Nam, khu vực và toàn cầu từ tất cả phân khúc ngành với hơn 160 đơn vị triển lãm từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ; đồng thời giới thiệu nguyên liệu đồng uống (Bi) và nguyên liệu tự nhiên (Ni), mang đến cho khách hàng cơ hội kết nối kinh doanh và mở rộng thị trường hiệu quả.
Trong khuôn khổ Fi Vietnam 2022 sẽ diễn ra chuỗi Hội thảo kỹ thuật và chuyên ngành; chương trình kết nối doanh nghiệp; giải thưởng An toàn thực phẩm cho tài năng trẻ VAFoST... Thông qua đó, khách tham quan có thể cập nhật xu hướng mới trong ngành thực phẩm và đồ uống, tìm kiếm nguồn nguyên liệu mới, phát triển mối quan hệ hợp tác kinh doanh...
Bà Rungphech (Rose) Chitanuwat, Giám đốc Chuỗi dự án - ASEAN, Informa Markets. cho biết kể từ năm 2014, Fi Vietnam đã phát triển thành một sự kiện về nguyên liệu thực phẩm và đồ uống toàn diện nhất tại Việt Nam. Sau hai năm gián đoạn do dịch Covid-19, Fi Vietnam 2022 có sự trở lại vô cùng mạnh mẽ được kỳ vọng gia tăng giá trị của hoạt động kết nối giao thương trực tiếp.
Đây là thời điểm thú vị cho ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam, khi mà thị trường đã thoát khỏi những thách thức từ Covid-19 để “sống chung với vi rút” một cách hiệu quả. Ngành kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng vào cuối năm 2022 và đạt được 7% vào năm 2023, dựa trên dự báo của ngân hàng Standard Charter.
Ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch FFA, cho biết tính đến hết tháng 8 năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành chế biến lương thực thực phẩm Việt Nam tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, ngành đồ uống Việt Nam tăng trưởng vượt bậc khi đạt mức tăng 26,8%.
Riêng tại TP.HCM được đánh giá là nơi tập trung số lượng lớn nhất cả nước doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm và đồ uống. Bên cạnh đó, trang thiết bị, khoa học kỹ thuật và cồng nghệ trong các ngành này ở TP.HCM cũng được xếp loại hiện đại nhất nước.
“Fi Vietnam 2022 sẽ mang lại điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước mở cánh cửa vào thị trường nguyên liệu thực phẩm và đồ uống Việt Nam. Đồng thời, đây là thời cơ cho ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam, khi thị trường đã dần phục hồi và phát triển trở lại”, Ông Nguyễn Đặng Hiến chia sẻ thêm.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, mức tiêu thụ thực phẩm và đồ uống bình quân hàng năm của VIệt Nam chiếm khoảng 15% GDP, và là thị trường tiêu thụ nội địa lớn nhất. Tổng giá trị bán lẻ thực phẩm và đồ uống ước tính đạt 54.9 tỷ USD vào năm 2021 và Statia dự báo sẽ tăng CAGR 9.9% lên 66.3 tỷ USD vào năm 2023.
Đây là một minh chứng rõ ràng về sức đề kháng của nền kinh tế Việt Nam và có khả năng phục hồi hoàn toàn sau đại dịch, là tiền đề để Việt Nam trở thành một trong những thị trường hứa hẹn nhất cho ngành F&B tại châu Á.