16:46 11/08/2011

Fitch khuyến nghị Việt Nam tiếp tục thắt chặt tiền tệ

Kiều Oanh

Fitch Ratings vừa tuyên bố duy trì hạng mức tín nhiệm nợ ngoại tệ và nội tệ dài hạn cho Việt Nam ở mức B+, triển vọng là ổn định

Các chuyên gia của Fitch tỏ ý đánh giá cao gói thắt chặt tiền tệ và tài khóa mang tên Nghị quyết 11 của Chính phủ Việt Nam.
Các chuyên gia của Fitch tỏ ý đánh giá cao gói thắt chặt tiền tệ và tài khóa mang tên Nghị quyết 11 của Chính phủ Việt Nam.
Hãng định mức tín nhiệm Fitch Ratings vừa tuyên bố duy trì hạng mức tín nhiệm nợ ngoại tệ và nội tệ dài hạn cho Việt Nam ở mức B+, triển vọng là ổn định. Tuy nhiên, Fitch cũng cảnh báo rằng, điểm tín nhiệm nợ công của Việt Nam vẫn chịu áp lực bởi những rủi ro kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát.

“Hạng mức tín nhiệm nợ quốc gia của Việt Nam vẫn đương đầu sức ép do những rủi ro đối với ổn định kinh tế đến từ lạm phát cao và những vấn đề còn chưa được khắc phục trong hệ thống ngân hàng”, ông Andrew Colquhoun, người đứng đầu bộ phận xếp hạng tín nhiệm nợ công khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Fitch, nhận xét.

Ông Colquhoun khuyến nghị: “Nếu Việt Nam tiếp tục theo đuổi gói thắt chặt chính sách đưa ra hồi tháng 2, mức điểm tín nhiệm hiện nay sẽ được hỗ trợ. Sự lùi bước khỏi chính sách thắt chặt sẽ dẫn tới những áp lực giảm điểm tín nhiệm”.

Các chuyên gia của Fitch tỏ ý đánh giá cao gói thắt chặt tiền tệ và tài khóa mang tên Nghị quyết 11 của Chính phủ Việt Nam, trong đó mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm hạ về 6% từ mức 7-7,5% trước đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2011 giảm còn 20% so với mức 32% năm 2010. Theo Fitch, “Nghị quyết 11 được xem là một sự hỗ trợ đối với niềm tin trong nước đối với tiền đồng, sự ổn định kinh tế và tín nhiệm nợ quốc gia”.

Tuy nhiên, Fitch cho rằng, điều quan trọng lúc này là Việt Nam cần tiếp tục thực hiện chặt chẽ các biện pháp thắt chặt. Fitch nhắc đến việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất nghiệp vụ thị trường mở (OMO) lên 15% từ mức 7% trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 6, nhưng sau đó lại giảm xuống mức 14% vào tháng 7 do những tín hiệu về tình trạng căng thẳng tín dụng cho doanh nghiệp. “Nếu chính sách tiền tệ được nới lỏng thêm trước khi lạm phát thực sự được kiểm soát, niềm tin vào sự chuyển biến chính sách sẽ bị xói mòn”, Fitch cảnh báo.

Thống kê cho thấy, tốc độ lạm phát ở Việt Nam trong tháng 7 đã lên tới 22,2%, với các nguyên nhân chính là giá lương thực-thực phẩm leo thang, tăng trưởng tín dụng và tiền tệ, cũng như chi tiêu công.

Fitch cũng cho biết, cho tới thời điểm này, họ chưa nhận thấy nhiều chuyển biến cho việc cắt giảm chi tiêu công, một vấn đề mà Fitch cho là trọng tâm trong việc duy trì điểm tín nhiệm nợ công cho Việt Nam. Tuy nhiên, tổ chức này cũng khẳng định, mức điểm tín nhiệm hiện nay của Việt Nam đã phản ánh một số rủi ro mà việc thắt chặt chi tiêu công gây ra đối với tăng trưởng kinh tế.

Fitch nhận định, những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng là một nguồn rủi ro đối với điểm tín nhiệm nợ công của Việt Nam. Trong số các nền kinh tế mới nổi được Fitch đánh giá tín nhiệm, Việt Nam sở hữu hệ thống nhà băng có quy mô lớn thứ ba so với GDP, với lượng tín dụng tương đương 125% GDP ở thời điểm cuối năm 2010.

Theo Fitch, tỷ lệ nợ xấu (NPL) ở mức 2,5% theo tiêu chuẩn kế toán của Việt Nam tính đến cuối tháng 4/2010 là thấp hơn nếu so với tỷ lệ nợ xấu theo chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tiền gửi cao, lên tới 25,6% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm trước, phần nào phản ánh “một mức độ tin tưởng cơ bản của người gửi tiền” vào các ngân hàng.

Fitch cho biết, hạng điểm tín nhiệm hiện nay của Việt Nam được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng kinh tế bình quân 7% trong thời kỳ 2006-2010, một phần xuất phát từ thành công trong thu hút vốn FDI của Việt Nam, bình quân hàng năm ở mức 7,4% GDP trong thời gian trên, so với mức trung bình 4,3% dành cho ngưỡng xếp hạng B. Tuy nhiên, gánh nặng nợ công bằng 50% GDP của Việt Nam tính đến cuối năm 2010 lại cao hơn mức trung bình 37% dành cho ngưỡng xếp hạng B.