G20 lo chiến tranh thương mại đe dọa tăng trưởng toàn cầu
Tuy nhiên, G20 không đạt được sự đồng thuận nào về giải quyết mâu thuẫn xung quanh việc Mỹ dựng hàng rào thuế quan
Hội nghị bộ trưởng bộ tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) ngày 22/7 kêu gọi tăng cường đối thoại để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của căng thẳng thương mại và địa chính trị đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, cuộc họp kéo dài 2 ngày kết thúc mà gần như không đạt được sự đồng thuận nào về giải quyết mâu thuẫn xung quanh việc Mỹ dựng hàng rào thuế quan.
Theo tin từ Reuters, hội nghị G20 cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu - dù vẫn mạnh - đang trở nên kém đồng đều hơn, trong khi những rủi ro gây suy giảm tăng trưởng trong ngắn hạn và trung hạn đã tăng lên.
"Những rủi ro này bao gồm khả năng thương tổn tài chính lớn hơn, căng thẳng thương mại và địa chính trị leo thang, những mất cân đối toàn cầu, tình trạng bất bình đẳng và sự tăng trưởng yếu mang tính cơ cấu, đặc biệt tại một số nền kinh tế phát triển", tuyên bố chung của hội nghị có đoạn.
"Chúng tôi nhận thấy sự cần thiết phải đẩy mạnh đối thoại và các hành động để giảm thiểu rủi ro và tăng cường niềm tin".
So với tuyên bố hồi tháng 3, tuyên bố của hội nghị G20 lần này sử dụng ngôn từ mạnh mẽ hơn khi nói về nguy cơ đến từ xung đột thương mại.
"Tuyên bố này cho thấy sự cấp bách lớn về giải quyết những vấn đề đã nêu", Bộ trưởng Bộ Tài chính Australia Scott Morrison phát biểu. "Tuyên bố lần trước còn có phần hơi mơ hồ".
Trước khi diễn ra cuộc họp G20 vào cuối tuần ở thủ đô Buenos Aires của Argentine, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu dọa sẽ áp thuế lên toàn bộ 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ mỗi năm.
Trong một cuộc họp báo hôm Chủ nhật, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói ông không có cuộc thảo luận kỹ lưỡng nào với người đồng cấp Trung Quốc Liu Kun tại hội nghị G20 lần này. Trong khi đó, đoàn Trung Quốc không tổ chức họp báo.
Tại hội nghị, ông Mnuchin tập trung vào bàn thảo vấn đề thương mại với các đối tác đến từ châu Âu, Canada, Mexico và Nhật Bản.
Ông Mnuchin nói rằng các quốc gia trong nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đang xem xét nghiêm túc những lời kêu gọi của Mỹ về xóa bỏ thuế quan, hàng rào phi thuế quan và các biện pháp trợ cấp khác giữa các thành viên trong nhóm. Ông Mnuchin cũng nói chính quyền Trump sẽ theo đuổi những ý tưởng này với cuộc đàm phán thương mại vào tuần tới với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker ở Washington.
Cao ủy châu Âu về các vấn đề kinh tế và tài chính Pierre Moscovici nói rằng cuộc gặp không căng thẳng, nhưng hầu như không mang lại chuyển động gì trong vấn đề thương mại.
"Chúng tôi lắng nghe lẫn nhau và tôi hy vọng điều này sẽ mở ra thứ gì đó", ông Moscovici nói. "Nhưng lập trường các bên vẫn chưa có sự tương đồng".
Các bộ trưởng bộ tài chính Mexico và Canada thì nói họ nhận thấy phía Mỹ lạc quan rằng cuộc đàm phán lại Hiệp định Tự do mậu dịch Bắc Mỹ (NAFTA) có thể đạt thỏa thuận trong vài tháng tới, sau khi đàm phán rơi vào bế tắc mấy năm gần đây.