19:48 04/03/2024

G20 tìm cách áp thuế tối thiểu toàn cầu lên giới tỷ phú

Điệp Vũ

Đề xuất đánh thuế giới tỷ phú đã đưa ra tại hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 ở Sao Paulo, Brazil...

Tỷ phú Mỹ Elon Musk, một trong những người giàu nhất thế giới - Ảnh: Bloomberg.
Tỷ phú Mỹ Elon Musk, một trong những người giàu nhất thế giới - Ảnh: Bloomberg.

Tuần vừa rồi, giới chức tài chính nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi lớn nhất thế giới (G20) đã khởi động các cuộc thảo luận về áp thuế tối thiểu toàn cầu lên giới tỷ phú.

2 năm sau một thoả thuận mang tính cột mốc cho thấy thế giới có thể hành động cùng nhau để áp thuế tối thiểu toàn cầu 15% lên các công ty đa quốc gia, đề xuất đánh thuế giới tỷ phú đã đưa ra tại hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 ở Sao Paulo, Brazil.

Hãng tin CNN dẫn số liệu từ EU Tax Observatory, một tổ chức nghiên cứu về thuế được Liên minh châu Âu (EU) và thuộc Trường Kinh tế Paris, cho thấy tầng lớp siêu giàu tại quốc gia lớn chỉ phải chi một phần nhỏ hơn trong thu nhập để đóng thuế so với người dân bình thường. Chưa kể, khối tài sản khổng lồ của họ gần như không bị đánh thuế, với mức thuế suất chỉ dao động từ 0-0,5%.

Các hành vi trốn thuế, né thuế của giới nhà giàu - từ trốn thuế bất hợp pháp đến lợi dụng lỗ hổng trong hệ thống thuế hay đơn giản là chuyển sang các quốc gia có thuế suất thấp hơn - đều đang làm mất đi một nguồn thu nhập vô cùng cần thiết của các chính phủ tại thời điểm nợ nần tăng cao.

Ông Gabriel Zucman, Giám đốc EU Tax Observatory, nói với các quan chức G20 tại hội nghị kết thúc vào hôm thứ Năm: “Việc đánh thuế lũy tiến là một trụ cột chính của các xã hội dân chủ” và các chính sách thuế chắp vá hiện nay trên thế giới không thể “đánh thuế một cách chuẩn xác những cá nhân có khả năng nộp thuế cao nhất”.

Tương tự, một báo cáo vào tháng trước của tổ chức Oxfam cho biết “tại các quốc gia bao gồm Brazil, Pháp, Ý, Anh và Mỹ, người siêu giàu phải trả mức thuế thực tế thấp hơn so với người lao động trung bình”. Theo Oxfam, gần 80% tỷ phú thế giới sống ở các nước G20.

Nằm trong số những ý tưởng ban đầu về đánh thuế tỷ phú, EU Tax Observatory đề nghị thiết lập mức thuế tối thiểu 2% toàn cầu đối với tài sản ròng của các tỷ phú - tức là giá trị tài sản của họ sau khi trừ đi các khoản nợ. Các tỷ phú đã trả 2% sẽ không bị đánh thuế thêm theo đề xuất. EU Tax Observatory ước tính việc đánh thuế như vậy có thể mang lại một khoản thu ngân sách 250 tỷ USD mỗi năm cho các quốc gia.

Tuy nhiên, việc đi đến được một thỏa thuận về vấn đề này trong G20 - nhóm bao gồm Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Saudi Arabia và Argentina cùng các nước khác - được dự báo sẽ gặp rất nhiều khó khăn và có thể mất một thời gian rất dài.

“Đây chỉ là sự khởi đầu của một tiến trình dài. Các cuộc đàm phán về thuế tối thiểu đối với các công ty đa quốc gia cũng đã kéo dài nhiều năm. Lúc đầu, một thoả thuận quốc tế về một vấn đề như vậy tưởng chứng là điều không tưởng, nhưng bây giờ, chúng ta đã đạt được điều đó. Như vậy là đã có một tiền lệ”, ông Quentin Parrinello, cố vấn chính sách cấp cao của EU Tax Observatory, nói với CNN.

Theo ông Parrinello, những người siêu giàu có thể che giấu tài sản để tránh phải đóng những khoản thuế khổng lồ, chẳng hạn như gửi số tiền đó vào các công ty cổ phần, quỹ tín thác hoặc sử dụng làm tài sản thế chấp cho các khoản vay.

Giáo sư Arun Advani thuộc Đại học Warwick nhận định việc đánh thuế tối thiểu toàn cầu đối với các tỷ phú sẽ phức tạp hơn việc áp thuế tối thiểu lên các công ty đa quốc gia. Ông  Advani nói với CNN rằng các công ty đa quốc gia có trụ sở ở nhiều quốc gia, giúp dễ dàng xác định chính phủ nào cần đưa ra yêu cầu nộp thuế đối với doanh nghiệp, và từ đó có thể đánh giá liệu một công ty đã đóng đủ mức thuế tối thiểu toàn cầu hay không. Ngược lại, các tỷ phú thường có mức độ di động cao hơn hơn nên khó xác định được quốc gia hay vùng lãnh thổ hay cơ quan nào cần đưa ra yêu cầu đóng thuế đối với họ.

“Bạn không chắc họ cư trú ở đâu. Họ có thể nói ‘tôi sẽ dành nhiều thời gian để đến rạp hát ở London. Tôi sẽ dành nhiều thời gian mua sắm ở New York. Tôi sẽ ở lâu trên du thuyền của tôi… nhưng tôi muốn thuế của mình được tính ở một quốc gia cụ thể nào đó’”, ông Avani nói.

Cũng theo vị giáo sư, các cá nhân cũng có khuynh hướng phải đóng nhiều loại thuế hơn so với các công ty, chẳng hạn như thuế đánh thu nhập, thuế tài sản gia tăng và đóng góp an sinh xã hội. “Việc hài hòa tất cả những điều đó trên phạm vi quốc tế là một điều khá khó thực hiện”, ông nhận định.