18:47 28/02/2024

Thoả thuận thuế tối thiểu toàn cầu gặp khó

An Huy

Kế hoạch áp thuế tối thiểu toàn cầu lên các công ty đa quốc gia - một thoả thuận mang tính cột mốc - đang khó thực thi do ủng hộ chính trị đối với thoả thuận này ở Mỹ và các quốc gia chủ chốt khác suy yếu...

Sự phản đối của Đảng Cộng hoà trong Quốc hội Mỹ đang là một trở ngại đối với thoả thuận thuế toàn cầu - Ảnh: Reuters.
Sự phản đối của Đảng Cộng hoà trong Quốc hội Mỹ đang là một trở ngại đối với thoả thuận thuế toàn cầu - Ảnh: Reuters.

Việc thực thi trụ cột đầu tiên của cải cách thuế nói trên - do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đứng ra làm trung gian - đã rơi vào ngưng trệ ở Mỹ do sự phản đối của Đảng Cộng hoà, tờ Financial Times cho hay. Mục đích của trụ cột đầu tiên là nhằm buộc các công ty công nghệ lớn và các công ty đa quốc gia khác phải đóng nhiều thuế hơn ở những nơi mà các doanh nghiệp này hoạt động.

Trong khi đó, các nước đang phát triển đã cố gắng nhằm chuyển các cuộc đàm phán thuế quốc tế từ OECD sang Liên hiêp quốc - nơi họ sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn, và điều này làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán về việc thực hiện thoả thuận.

Những yếu tố này, cộng với những khó khăn trong việc hoàn thiện văn bản hiệp ước, đang cản trở nỗ lực nhằm ký kết thoả thuận vào thời hạn tháng 6. Thực tế này khiến châu Âu phải đẩy mạnh nỗ lực nhằm khôi phục thỏa thuận trong dịp các bộ trưởng tài chính G20 gặp nhau tại Sao Paulo, Brazil trong tuần này.

“Những gì đang diễn ra giống như một cơn bão hoàn hảo. OECD đang mắc kẹt trong một dự án không có cơ hội thực sự để thành công. Trụ cột thứ nhất của thoả thuận đang đi vào ngõ cụt vì Mỹ khó có khả năng phê chuẩn… và bởi vậy sẽ có một thỏa thuận không thể thực hiện được”, một nguồn tin thân cận cho hay.

Vào năm 2021, hơn 135 quốc gia đã nhất trí một thỏa thuận chính trị gồm hai trụ cột được coi là cho cuộc cải cách thuế doanh nghiệp lớn nhất trong hơn một thế kỷ. Trụ cột thứ hai đưa ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% trên toàn cầu và bắt đầu có hiệu lực trong năm nay. Tuy nhiên, trụ cột đầu tiên của thỏa thuận đã cho thấy là khó thực hiện hơn.

VƯỚNG MẮC TỪ PHÍA MỸ

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden ủng hộ cải cách thuế toàn cầu, nhưng các hiệp ước thuế quốc tế cần phải đạt được đa số 2/3, tức là 67 phiếu, tại Thượng viện Mỹ để được nước này phê chuẩn. Đảng Dân chủ của ông Biden, hiện đang chiếm đa số mong manh tại Thượng viện với 51 ghế, đồng nghĩa không thể có đủ số phiếu để vượt qua sự phản đối gay gắt từ nghị sỹ Cộng hoà. Nếu không có sự phê chuẩn của Mỹ, cơ sở tối thiểu phải có để thỏa thuận có hiệu lực sẽ không được đáp ứng.

Cùng với đó, nếu cựu Tổng thống Donald Trump - ứng cử viên hàng đầu cho sự đề cử của Đảng Cộng hòa để chạy đua trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm nay, đồng thời là người phản đối mạnh mẽ thỏa thuận thuế toàn cầu - tái đắc cử, toàn bộ tiến trình của thoả thuận này có thể đổ sông đổ bể.

“Câu hỏi đặt ra là liệu sau cuộc bầu cử sẽ có sự chấp nhận chính trị từ Mỹ đối với thoả thuận hay không”, một quan chức Liên minh châu Âu (EU) nói.

Một quan chức Mỹ bác bỏ quan điểm cho rằng trụ cột thứ nhất của thoả thuận đã “chết” nhưng thừa nhận có sức ép phải đạt được thỏa thuận. “Có áp lực đối với tất cả các bên, không chỉ riêng Mỹ. Có áp lực buộc EU và tất cả 140 quốc gia khác tham gia đàm phán phải đạt được thỏa thuận,” ông nói. Vị này nói thêm rằng các nhà đàm phán Mỹ sẽ không “lãng phí thời gian” nếu họ không “nghĩ rằng thoả thuận có cơ hội về đích”.

Ông Manal Corwin, quan chức phụ trách vấn đề thuế của OECD, cho biết: “Động lực và mong muốn để hoàn thành công việc vẫn còn. Để đạt được mục tiêu, tất cả các quốc gia tham gia thoả thuận cần thực thi những gì đã cam kết”.

Các quan chức châu Âu đang ra sức thuyết phục các bộ trưởng tài chính G20 họp trong tuần này tại Brazil đưa ra cam kết về mốc thời gian tháng 6. Một dự thảo của thông cáo G20 mà Financial Times thu thập được kêu gọi “đạt được thỏa thuận kịp thời về công ước đa phương nhằm ký kết trước khi kết thúc tháng 6/2024”. Nội dung về “thực hiện nhanh chóng” theo yêu cầu của EU và Pháp lại không được đưa vào dự thảo. Tuy nhiên, nội dung của thông cáo chung đang được đàm phán và vẫn có thể thay đổi.

KHẢ NĂNG TRỞ LẠI CỦA THUẾ DỊCH VỤ KỸ THUẬT SỐ

Trong khi đó, kể từ khi giành lấy vai trò lớn hơn cho Liên hiệp quốc trong các vấn đề thuế toàn cầu do thất vọng với quy trình do OECD dẫn đầu, các nền kinh tế đang phát triển đang tỏ ra ít quan tâm hơn đến các cuộc đàm phán về trụ cột thứ nhất của thoả thuận. Các nguồn thạo tin cho biết điều này đang làm mất thêm động lực để thoả thuận được ký kết đúng thời hạn tháng 6.

Brazil, quốc gia đã bỏ phiếu ủng hộ Liên hiệp quốc thành lập công ước về hợp tác thuế quốc tế vào năm ngoái, hiện đang giữ chức chủ tịch G20. Nước này đã mời Liên hiệp quốc trình bày các bước tiếp theo trong chương trình nghị sự về thuế của Liên hiêp quốc tại cuộc họp các bộ trưởng tài chính G20 vào thứ Năm tuần này ở Sao Paulo. OECD cũng đã được mời tới dự cuộc họp này.

Theo giới phân tích, giải pháp mà Liên hiệp quốc đưa ra để thay thế cho khuôn khổ thuế toàn cầu mà OECD giữ vai trò trung gian có thể chỉ là một sự chắp vá các loại thuế do các quốc gia đặt ra trên cơ sở riêng lẻ.

Trở lại năm 2021, một số quốc gia đã đồng ý tạm dừng đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số đơn phương - loại thuế mà hầu hết các công ty công nghệ lớn có trụ sở tại Mỹ bị ảnh hưởng - để mở đường cho một thỏa thuận đa phương. Nhưng loại thuế này có thể quay trở lại nếu thỏa thuận thuế đa phương không trở thành hiện thực.

“EU nên đưa ra một thời hạn cho Mỹ, chẳng hạn đến năm 2025 Mỹ phải phê chuẩn thoả thuận cho dù chính quyền nào cầm quyền ở Mỹ. Và nếu Mỹ không làm được điều đó, EU sẽ theo đuổi thuế dịch vụ kỹ thuật số”, ông Paul Tang - một thành viên nghị viện châu Âu đến từ Hà Lan, phụ trách vấn đề thuế - phát biểu.

Trong một dấu hiệu của hy vọng suy giảm, Canada vào năm ngoái đã tiến hành áp dụng thuế dịch vụ kỹ thuật số của riêng nước này.

Bà Danielle Rolfes, người đứng đầu mảng thuế quốc gia của công ty tư vấn kiểm toán KPMG tại Mỹ, cho rằng rất khó để dự đoán điều gì có thể xảy ra nếu thỏa thuận thất bại. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng đã có “sự phản đối của cả hai đảng đối với các loại thuế có tính chất phân biệt đối xử đối với các công ty Mỹ” - cụ thể là các loại thuế dịch vụ kỹ thuật số đơn phương.

“Không công ty Mỹ nào muốn dính vào một cuộc chiến thương mại. Bởi vậy, thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu được cho là có lợi hơn cho các công ty Mỹ”, bà Rolfes nói.