Gần 1.000 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh, lợi nhuận đảo chiều tăng 7% cao nhất 3 quý
Đã có 951/1609 ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết đại diện 92,5% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM công bố kết quả kinh doanh, với tổng lợi nhuận sau thuế Q3/2023 tăng 7% so với cùng kỳ...
Tính đến ngày 31/10/2023, đã có 951/1609 ngân hàng và doanh nghiệp niêm yết đại diện 92,5% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE, HNX và UPCoM công bố kết quả kinh doanh, với tổng lợi nhuận sau thuế Q3/2023 tăng 7% so với cùng kỳ, đánh dấu mức tăng trưởng lần đầu tiên sau 3 quý suy giảm, thống kê từ FiinTrade.
Xét theo ngành, tăng trưởng Lợi nhuận sau thuế toàn thị trường đóng góp chu yếu từ khối Tài chính. Cụ thể, Chứng khoán +104,2%, Bảo hiểm +19,4%. Ngân hàng giảm nhẹ 1,4%.
Ở chiều ngược lại, lợi nhuận sau thuế tiếp tục giảm so với cùng kỳ ở khối Phi tài chính (-3,6%), nhưng tốc độ suy giảm thu hẹp đáng kể so với các quý trước đây.
Công nghệ thông tin và Du lịch & Giải trí duy trì đà tăng trong các quý gần đây, trong khi đó Dầu khí và Thép là hai ghi nhận tăng trưởng đột biến trong quý 3 này, dứt mạch suy giảm nhiều quý trước đó.
Những ngành có lợi nhuận đảo chiều từ tăng trưởng sang suy giảm bao gồm Bất động sản giảm 33%; Hàng và Dịch vụ công nghiệp giảm 9,9%, Dược phẩm giảm 6,1%. Những ngành duy trì giảm về lợi nhuận bao gồm Bán lẻ, Tiện ích (Điện, Nước, Khí đốt), Hóa chất, Hàng cá nhân & Gia dụng, Viễn thông.
Ở nhóm VN30, 15 doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng với những doanh nghiệp đột phá như HPG tăng 212%; PLX 284%; SSI 111%; VRE 66%; VJC 30%. Ở chiều ngược lại, nhóm giảm mạnh gồm MWG giảm 95,7%; POW giảm 70%; GVR giảm 50%; MSN giảm 42%; TPB giảm 26%; VHM giảm 26,4%...
Song song với kỳ vọng nền kinh tế đã đi qua vùng đáy ở 2 quý đầu năm và sẽ phục hồi rõ nét hơn trong quý 4, lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết được kỳ vọng sẽ trở lại xu hướng tăng trưởng trong quý cuối năm, giúp EPS thị trường cả năm 2023 đi ngang so với cùng kỳ dù giảm sâu trong 2 quý đầu năm. KBSV dự báo tăng trưởng EPS 2023 toàn thị trường từ 0,5% lên 1% so với cùng kỳ 2022.
Một số yếu tố giúp lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ có sự phục hồi trong những tháng cuối năm khi so với cùng kỳ đến từ: mức nền so sánh của nửa cuối năm 2022 đã thấp hơn đáng kể so với nửa đầu năm khi mà nền kinh tế đã bộc lộ nhiều dấu hiệu suy yếu từ quý 3, quý 4 năm ngoái; chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế VAT, hạ lãi suất… bắt đầu thẩm thấu vào kết quả kinh doanh các doanh nghiệp; lĩnh vực sản xuất có dấu hiệu hồi phục tốt trong các tháng gần đây và kỳ vọng tăng tốc trong các tháng cuối năm nhờ mùa tiêu dùng cao điểm ở Mỹ và EU, cũng như trạng thái hàng tồn kho của các doanh nghiệp Mỹ đã giảm mạnh.