19:54 16/12/2017

Gần 280 đội "hacker mũ trắng" thế giới tranh tài an ninh mạng tại Việt Nam

Thủy Diệu

WhiteHat Grand Prix 2017 có sự tham gia của 277 đội "hacker mũ trắng" đến từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ

Sáng 16/12, Tập đoàn công nghệ Bkav chính thức "nhấn nút" khai mạc cuộc thi an ninh mạng toàn cầu WhiteHat Grand Prix 2017 dành cho các "hacker mũ trắng".

Với chủ đề "Di sản Việt Nam", 277 đội "hacker mũ trắng" đến từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ thi theo hình thức Jeopardy (theo đội, số lượng thành viên không giới hạn), giải các câu hỏi thuộc chủ đề Web Exploit (lỗ hổng web), Reverse (dịch ngược), Pwnable (khai thác lỗ hổng phần mềm), Forensics (điều tra số) và Crypto (phá mã).

Cuộc thi diễn ra liên tục trong 24h từ 9h ngày 16/12- 9h ngày 17/12/2017. 40 câu hỏi trong bản đồ thi được thiết kế nhằm đánh giá khả năng chuyên môn toàn diện của từng đội thi. Đây là điều rất cần thiết cho chuyên gia an ninh mạng khi làm việc thực tế.

WhiteHat Grand Prix 2017 sẽ có ba giải được trao cho ba đội xuất sắc nhất, gồm giải nhất có trị giá 10.000 USD, giải nhì 2.000 USD và giải ba là 1.000 USD.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav, cho biết, theo thống kê trên trang CTFTime về các cuộc thi có số lần tổ chức nhiều nhất thì Việt Nam nằm trong Top 10 nước có nhiều lần tổ chức các cuộc thi an ninh mạng, cùng với những nước có trình độ khoa học công nghệ phát triển cao như Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp, Iran, Đức, Thụy Sỹ…

Vì thế, theo ông, việc tổ chức một cuộc thi an ninh mạng ở quy mô toàn cầu như WhiteHat Grand Prix, với số lượng đội tham dự qua các năm đều mở rộng, sẽ khẳng định uy tín của Việt Nam trên thế giới trong lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin.

Cuộc thi an ninh mạng WhiteHat Grand Prix chính thức được tổ chức từ năm 2013. Hai năm đầu (2013-2014) quy mô chỉ dành cho các "hacker mũ trắng" của Việt Nam. Từ năm 2015, WhiteHat Grand Prix được mở rộng ra quy mô toàn cầu.

"Hacker mũ trắng" là thuật ngữ chỉ những người bảo vệ hệ thống mạng công nghệ, những người yêu thích an ninh mạng theo hướng tích cực, để từ đó tìm ra các lỗ hổng, nguy cơ để từ đó khắc phục, phòng ngừa, đảm bảo an ninh mạng máy tính.