09:15 20/11/2022

Gạo Việt Nam vẫn thiếu những thương hiệu lớn dù xuất khẩu tăng cao kỷ lục

Chu Khôi

Dự báo trong ngắn hạn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao khi những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu làm nhu cầu lương thực tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần nắm bắt cơ hội trong việc tiếp cận và mở rộng các thị trường mới…

Tính đến tháng 10/2022, xuất khẩu gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt hơn 6 triệu tấn, trị giá khoảng 3 tỷ USD.
Tính đến tháng 10/2022, xuất khẩu gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt hơn 6 triệu tấn, trị giá khoảng 3 tỷ USD.

Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, do Tổ điều hành Diễn đàn 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức, diễn ra ngày 19/11/2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, nhận được nhiều sự quan tâm của giới chuyên môn với nhiều dự báo và khuyến cáo từ các chuyên gia cho hoạt động sản xuất và kinh doanh lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

CÓ NÊN GIẢM SẢN LƯỢNG, TĂNG GIÁ BÁN?

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn, so với thời điểm trước khi Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo thì giá xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam tăng trung bình khoảng 30 USD/tấn.

Tính đến tháng 10/2022, xuất khẩu gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt hơn 6 triệu tấn, trị giá khoảng 3 tỷ USD. Thời điểm này, những đồng lúa đông xuân sớm ở Đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch, nếu duy trì sản lượng xuất khẩu trên 400.000 tấn/tháng trong 2 tháng cuối năm, xuất khẩu toàn ngành gạo năm nay có thể đạt từ 6,8 tới 7 triệu tấn.

Ông Nguyễn Văn Đoa, Trưởng Văn phòng đại diện Cục trồng trọt tại TP.HCM cho biết, so với năm 2015, diện tích sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long từ 4,3 triệu ha nay đã giảm xuống còn 3,8 triệu ha, sản lượng đạt gần 3,8 triệu tấn. Nguyên nhân là do chuyển đổi cây trồng từ lúa sang cây ăn trái, nuôi thuỷ sản.

 

"Mặc dù diện tích trồng lúa giảm nhưng giá trị xuất khẩu lại tăng, nguyên nhân là do các giống lúa chất lượng cao, lúa đặc sản như ST24, ST25 được trồng ngày càng nhiều. Hiện tỷ lệ gạo chất lượng cao đạt gần 50% trong tổng lượng gạo, nên xuất khẩu năm nay dự kiến đem về trị giá 3,6-3,7 tỷ USD, có thể nói là cao nhất từ trước đến nay”.

Ông Nguyễn Văn Đoa, Trưởng Văn phòng đại diện Cục trồng trọt tại TP.HCM.

Xuất khẩu gạo những năm gần đây giảm về số lượng, nhưng tăng về giá trị. Các thị trường truyền thống vẫn giữ được, phát triển thêm thị trường mới, thị trường khó tính như EU, Nhật Bản... Cụ thể, năm 2021 xuất khẩu hơn 6,2 triệu tấn gạo, song đạt tới 3,28 tỷ USD, cao hơn so với các năm trước.

Đề cập về kế hoạch sản xuất lúa gạo năm 2023, ông Đoa cho hay năm tới, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì diện tích khoảng 3,9 triệu ha, sản lượng 24 triệu tấn, thời vụ tuỳ thuộc vào mùa nước, nhưng ưu tiêu xuống giống nhanh, kịp thời vụ.

Về cơ cấu giống, ưu tiên các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, giống lúa thơm phù hợp với yêu cầu của thị trường; giảm tỉ lệ các giống lúa chất lượng trung bình và lúa nếp. Đẩy mạnh sử dụng cấp giống xác nhận có năng suất, chất lượng khá, cứng cây, chống đổ ngã.

Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH lương thực Phương Đông, nhận định những năm gần đây, sản xuất lúa gạo của chúng ta đã có những bước tiến vượt bậc, đó là áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng lúa gạo, chất lượng giống, quy trình, nhằm mục tiêu quan trọng là nâng cao giá trị xuất khẩu.

Điểm cầu diễn đàn tại Hà Nội.
Điểm cầu diễn đàn tại Hà Nội.

"Tuy nhiên, về ý kiến giảm sản lượng, tăng thu nhập cho nông dân, cái này tôi hơi nghi ngờ, vì thực tế chúng ta chưa có đề án nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này. Từ hơn một tháng nay, chúng ta không đủ gạo để xuất khẩu. Gạo chúng ta hiện giờ có giá cao nhất thế giới, vậy thì tại sao phải giảm sản lượng?",  ông Việt Anh quan ngại.

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, nêu thực trạng liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người dân tại địa phương không nhiều, đa phần doanh nghiệp thu mua thông qua bên trung gian như thương lái. Đặc biệt, thời gian gần đây, trên địa bàn Cần Thơ xuất hiện tình trạng thương lái thu mua lúa gạo số lượng ít, nhưng với giá cao hơn hẳn so với thị trường, tạo ra sự nhiễu loạn thị trường và gây nhiều khó khăn trong việc liên kết thu mua giữa doanh nghiệp và nông dân.

Do đó, ông Nghiêm đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương định kỳ công bố giá lúa tươi, lúa khô trong vụ thu hoạch để các đơn vị thu mua và nông dân tham khảo. Qua đó, tránh được sự nhiễu loạn trong thị trường, cũng như tạo dựng niềm tin giữa doanh nghiệp và nông dân.

LÚA GẠO VIỆT NAM THIẾU THƯƠNG HIỆU MẠNH

Trong khi đó, tại An Giang, như lời kể của ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, hiện nay đang có nhiều doanh nghiệp thực hiện liên kết chuỗi giá trị lúa gạo tốt như: Tập đoàn Lộc Trời, Tập đoàn Tân Long… Hiện nay, riêng diện tích của Lộc Trời đã tăng lên trên 40.000 ha và dự kiến sẽ tăng lên hơn 100.000 ha, chiếm hơn 50% diện tích sản xuất lúa của tỉnh.

Tuy nhiên, theo ông Thọ, câu chuyện liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo là khó nhất trong sản xuất lúa hiện nay ở Đồng bằng sông Cửu Long. Để chuỗi liên kết đạt kết quả, sau mỗi mùa vụ, ngành nông nghiệp An Giang đều mời các bên liên quan ngồi lại vơi nhau, cùng kết nối, lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

 

"Có một khó khăn nữa là trong khâu thanh toán thu mua lúa nguyên liệu. Doanh nghiệp có tiền, có tài khoản nhưng không thanh toán được cho nông dân vì họ chưa quen với ngân hàng số. Nông dân vẫn có tâm lý muốn nhận tiền mặt ngay sau khi bán lúa, buộc doanh nghiệp phải mang theo số tiền lớn, dễ rủi ro".

Ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang.

Ông Phan Minh Thông, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững Nông nghiệp Nông thôn, nhận định: “Việt Nam còn đang thiếu thương hiệu mạnh ở thị trường nội địa và quốc tế. Tỷ lệ tiêu thụ lúa qua thương lái còn cao. Đối với hợp đồng tiêu thụ, thì tỷ lệ phá vỡ hợp đồng còn cao”.

Phát biểu kết thúc diễn đàn, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết mỗi năm, Việt Nam sản xuất từ 43 đến 44 triệu tấn lúa, tương đương 22 đến 23 triệu tấn gạo, với trách nhiệm đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, 15% sản lượng gạo Việt Nam đã được xuất khẩu đi các nước.

Về thị trường, ông Hòa cho rằng các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm tới Trung Quốc. Đây vốn là thị trường lớn và tiềm năng của nông sản Việt cả trong quá khứ lẫn hiện tại. Quốc gia đông nhất thế giới đang có nhiều thay đổi lớn về các yêu cầu nhập khẩu từ kiểm dịch thực vật, quy định đóng gói, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng,… Hiện có 22 doanh nghiệp Việt Nam đang được cấp phép xuất gạo vào Trung Quốc, nhưng mỗi năm chỉ được xuất khẩu với hạn mức nhất định.

Hải quan Trung Quốc hiện có thể truy xuất rõ ràng sản lượng, hạn mức của từng doanh nghiệp được cấp phép nên các đơn vị xuất khẩu không có cơ hội để gian dối trong hoạt động này. Mỗi năm, Trung Quốc vẫn cần nhập khoảng 5,3 triệu tấn gạo.

Trước kia, Việt Nam xuất khẩu được hơn 2 triệu tấn sang thị trường này, nhưng nay số lượng đã giảm đi. Việt Nam đang kiến nghị với Trung Quốc bổ sung thêm nhà máy được cấp phép xuất khẩu gạo tẻ, gạo thơm, gạo nếp.

Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản khẳng định rằng bên cạnh Trung Quốc, EU và Anh cũng là hai thị trường quan trọng và có tiềm năng lớn nhờ hạn ngạch xuất khẩu lớn.

Để tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và hạn ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần có sự liên kết chặt chẽ với các đơn vị thu mua, chế biến để đáp ứng các chứng nhận, tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường nhập khẩu.