16:59 26/01/2022

Gặp gỡ kiều bào Xuân Nhâm Dần 2022: TP.HCM mong được hiến kế xây dựng trung tâm tài chính

Mộc Minh

Đây là mong mỏi của các lãnh đạo TP.HCM đối với việc xây dựng thành phố trở thành trung tâm tài chính của khu vực trong tương lai…

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên gặp gỡ  hơn 300 kiều bào tối ngày 25/01/2022, mừng Xuân Nhâm Dần tại TP.HCM (Ảnh: ĐN).
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên gặp gỡ hơn 300 kiều bào tối ngày 25/01/2022, mừng Xuân Nhâm Dần tại TP.HCM (Ảnh: ĐN).

Tối 25/01/2022, Thành uỷ - HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM đã tổ chức chương trình “Lãnh đạo TP.HCM họp mặt với người Việt Nam ở nước ngoài”, mừng Xuân Nhâm Dần 2022.

NĂM 2021, KIỀU HỐI VỀ TP.HCM GẦN BẰNG FDI

Bày tỏ với các kiều bào, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết đến giờ này thành phố đã kiểm soát được dịch Covid-19, có thể tổ chức vui xuân đón Tết và gặp mặt nhau trong những ngày Tết đoàn viên.

Trong năm qua, TP.HCM đã có sự kiện nổi bật, đó là việc thành lập TP. Thủ Đức với  mô hình “thành phố trong thành phố”, tạo ra động lực phát triển mới cho thành phố. Tuy nhiên, từ tháng 6/2021, dịch Covid-19 bùng phát đã tác động rất lớn đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. TP.HCM chịu nhiều tổn thất nặng nề mà trong thời gian ngắn khó khắc phục xong.

Qua đại dịch Covid-19, TP.HCM nhận thấy có nhiều vấn đề lớn cần giải quyết, khắc phục, đặt ra vấn đề động lực cho sự phát triển của thành phố trong thời gian tới…

Trong điều kiện khó khăn, TP.HCM đặc biệt quan tâm đến an sinh xã hội, nhờ vậy người dân ổn định được đời sống, vượt qua giai đoạn khó khăn. Để có được những kết quả này là nhờ sự chung sức đồng lòng, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn của người dân thành phố, trong đó có sự quan tâm, giúp đỡ chia sẻ của người dân TP.HCM đang sinh sống ở nước ngoài.

“Bà con ở nước ngoài đã hỗ trợ, động viên không chỉ về tinh thần, mà cả vật chất để giúp TP.HCM vượt qua giai đoạn khó khăn”, ông Mãi nói.

Trong năm 2021, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của TP.HCM đạt 7,38 tỷ USD, tăng trên 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng kiều hối của bà con nước ngoài gửi về đạt trên 6,6 tỉ USD.

"Chúng tôi xem kiều hối là nguồn lực rất lớn và cần những chính sách, nghiên cứu, để thu hút, tạo động lực phát triển mới. Năm qua, kiều hối bà con gửi về cũng gần bằng với nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài", ông Mãi nhấn mạnh.

Định hướng phát triển năm 2022, với việc xác định luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, đây là lực lượng đóng góp trực tiếp, quan trọng cho sự phát triển của TP.HCM, do đó, thành phố đặt ra 04 trọng tâm. Cụ thể, đảm bảo phòng chống dịch Covid-19; tập trung nâng cao chất lượng chính quyền đô thị; cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả cải cách hành chính để thu hút đầu tư; các giải pháp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh…

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cũng đề nghị Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài tại TP.HCM làm đầu mối tiếp thu ý kiến kiều bào, doanh nghiệp kiều bào muốn tìm hiểu cơ hội đầu tư tại TP.HCM cũng như Việt Nam.

“TP.HCM sẽ làm hết trách chức nhiệm vụ của mình, tạo điều kiện thuận lợi nhất để tiếp nhận các ý kiến cho bà con kiều bào cũng như những khoản đầu tư của bà con và bạn bè do bà con giới thiệu cho thành phố”, ông Mãi nói.

TP.HCM “ĐẶT HÀNG” KIỀU BÀO

Về định hướng phát triển đô thị, ông Mãi cho biết thêm TP.HCM sẽ nghiên cứu để có đề xuất hoàn chỉnh việc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế. Để thực hiện thành công phần việc này, thành phố cần nhiều bài học kinh nghiệm từ nước ngoài, sự chia sẻ, góp ý, hỗ trợ của bà con kiều bào ngoài nước.

“Lãnh đạo TP.HCM mong muốn nhận được nhiều ý kiến, góp ý của bà con kiều bào về vấn đề này. Đây là một việc mới và khó với thành phố, chúng tôi sẽ phải học hỏi các kinh nghiệm cũng như lắng nghe góp ý về cách làm của các nước cũng như được giới thiệu các cơ quan tư vấn liên quan",  ông Mãi nhấn mạnh.

Tại buổi gặp gỡ, ông Philipp Roesler, kiều bào Đức, Lãnh sự Danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, đã chia sẻ các hoạt động trải nghiệm những ngày về Việt Nam, ông cho rằng kiều bào có thể đóng góp bằng nhiều cách khác nhau. Những người đến từ các miền khác nhau của thế giới, từ những ngành khác nhau như: y tế, văn hóa… nhưng đối với kiều bào ở nước ngoài, điều quan trọng là tình yêu quê hương đất nước và tình gắn kết dân tộc với nhau.

Ông Nguyễn Ngọc Luận, kiều bào Australia, Tổng giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại toàn cầu (thương hiệu Cafe Meet More), cho biết ngoài xu hướng về quê hương lập nghiệp, gần đây các kiều bào đã thành lập được các mạng lưới cộng đồng doanh nhân, tri thức trong và ngoài nước để làm nên những chương trình hướng về Tổ quốc.

Mỗi một kiều bào đều biết giá trị từ mô hình kết nối mạng lưới cộng đồng doanh nhân, cùng chung tay, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm kiến thức, tạo nên sức đoàn kết để cùng nhau phát triển và đi lên.

Việc thường xuyên tổ chức các cuộc gặp mặt, lắng nghe tiếng nói của kiều bào, tạo điều kiện thuận lợi cho những người xa quê hương có điều kiện trở về và đóng góp xây dựng đất nước. Đây chính là cầu nối cho kiều bào cống hiến phát huy giá trị để xây dựng quê hương.

“Những kiều bào dù sống xa quê hương luôn chắc chắn sẵn sàng đồng hành và hứa sẽ cố gắng hết mình cùng thực thi các công việc nhiệm vụ mà thành phố tin tưởng giao phó”, ông Luận tâm tư.