19:05 30/06/2022

GDP quý 2/2022 tăng bất ngờ, UOB điều chỉnh dự báo tăng trưởng cả năm lên 7%

Ngân Hà

Trước việc GDP quý 2/2022 bất ngờ tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước và vượt xa mức dự báo 5,9% từ các tổ chức nghiên cứu (trung bình từ các mức dự báo trong khoảng 4,5-6,5%) và ước tính 6,0% của UOB, ngân hàng này đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP cả năm của Việt Nam từ 6,5% lên 7%…

Sự phục hồi của nhiều lĩnh vực đã góp phần đưa tăng trưởng GDP quý 2/2022 tăng mạnh.
Sự phục hồi của nhiều lĩnh vực đã góp phần đưa tăng trưởng GDP quý 2/2022 tăng mạnh.

Sự phục hồi mạnh mẽ trong quý 2/2022 cùng triển vọng tích cực 6 tháng cuối năm là những lý do chính khiến UOB điều chỉnh tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam lên 7% thay vì mức 6,5% như trước đó.

Theo lý giải của ngân hàng này, việc điều chỉnh là dựa trên kết quả tăng trưởng mạnh trong quý 2 và với giả định không có thêm sự gián đoạn nào do Covid-19 và tăng trưởng GDP của Việt Nam 6 tháng cuối năm vào khoảng 7,6 -7,8%.

Tăng trưởng GDP thực của Việt Nam qua các năm.
Tăng trưởng GDP thực của Việt Nam qua các năm.

Mặc dù vậy, UOB cho rằng những rủi ro, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới vẫn hiện hữu. Đó là xung đột Nga-Ukraine làm ảnh hưởng tình hình địa chính trị, giá năng lượng và lương thực tăng cũng như sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, chính sách thắt chặt tiền tệ quyết liệt mang tính cục bộ của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) có thể là một rủi ro đến thị trường tài chính tại các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.

Trong bối cảnh vẫn còn những bất ổn như trên và mặc dù nền kinh tế trong nước đang phát triển ngày một mạnh mẽ hơn, nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục giữ ổn định chính sách lãi suất hiện tại để hỗ trợ nỗ lực phục hồi kinh tế, đặc biệt là khi lạm phát vẫn được kiểm soát trong phạm vi mục tiêu.

Theo đó, lãi suất tái cấp vốn hiện tại ở mức 4,0% và lãi suất tái chiết khấu 2,5% sẽ được duy trì ở mức thấp kỷ lục này cho đến ít nhất là cuối năm 2022.

“Tuy nhiên, với động thái quyết liệt hơn trong việc thắt chặt tiền tệ từ FED, chúng tôi dự đoán Ngân hàng Nhà nước sẽ có thể khởi đầu chu kỳ tăng lãi suất từ quý 2/2023 hoặc sớm hơn, nếu đà tăng trưởng vẫn tiếp tục duy trì và các rủi ro bên ngoài giảm bớt”, UOB dự báo.

Về tỷ giá, VND sẽ không đứng ngoài xu thế giảm giá của các đồng tiền châu Á từ động thái tăng lãi suất quyết liệt của FED và lo ngại về sự suy thoái sâu hơn của Trung Quốc.

“Chúng tôi cho rằng các đồng tiền mới nổi ở châu Á bao gồm VND sẽ đối mặt với áp lực giảm giá thêm nữa khi FED nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng thêm lãi suất trong nửa cuối năm 2022. Do đó, tỷ giá USD/VND sẽ đạt mốc 23.400 trong quý 3/2022, 23.500 trong quý 4/2022, 23.550 trong quý 1/2023 và 23.600 trong quý 2/2023”, UOB dự báo.

Liên quan tới lạm phát, ngân hàng này cho rằng dữ liệu CPI mới nhất cho thấy áp lực lạm phát có thể được kiểm soát vì tác động chính liên quan đến giá năng lượng trong khi giá thực phẩm vẫn được kiểm soát ở mức tốt.

Tuy nhiên, rủi ro gia tăng lạm phát là đáng kể do giá năng lượng vẫn đang tiếp tục tăng nhanh và điều này sẽ tác động sang các thành phần còn lại của nền kinh tế.