17:47 27/08/2010

GDP quý 2 sẽ là "ác mộng" của Tổng thống Obama?

Vinh Nguyễn

GDP quý 2 có khả năng yếu hơn công bố ban đầu, và dự kiến điều đó sẽ tăng thêm sức ép cho Tổng thống Barack Obama

GDP quý 2/2010 sau khi điều chỉnh có thể rất thấp.
GDP quý 2/2010 sau khi điều chỉnh có thể rất thấp.
Giới phân tích dự đoán, tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý 2/2010 sau khi điều chỉnh có khả năng yếu hơn nhiều so với con số công bố ban đầu. Nếu điều đó xảy ra, sẽ làm tăng thêm sức ép cho đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 tới.

Theo kết quả cuộc điều tra dư luận của hãng tin Reuters, GDP của Mỹ trong thời gian từ tháng 4 - 6/2010 có khả năng chỉ tăng trưởng được có 1,4%, thấp hơn nhiều mức 2,4% đưa ra hồi đầu tháng này.

Dự kiến, Bộ Thương mại Mỹ sẽ công bố số liệu điều chỉnh GDP quý 2 vào 20h30 tối nay (theo giờ Việt Nam). GDP quý 1/2010 của Mỹ đã tăng trưởng mạnh, 3,7%.

Việc công bố số liệu GDP được thực hiện trong bối cảnh tuần này đã có hàng loạt báo cáo về thị trường nhà đất khiến giới đầu tư chán chường và thị trường chứng khoán chao đảo. Phiên giao dịch hôm qua (26/8), chỉ số công nghiệp Dow Jones đã mất mốc 10.000 điểm.

Giới phân tích cho rằng, GDP quý 2 nếu thấp hơn mức công bố ban đầu, sẽ tăng thêm sức ép lên chính quyền của Tổng thống Barack Obama, vốn dĩ đã đau đầu trước nỗi lo tăng trưởng kinh tế chậm rùa khi chỉ còn hơn 2 tháng nữa là tới cuộc bầu cử giữa kỳ.

Theo một quan chức Nhà Trắng, mặc dù đang đi nghỉ, nhưng Tổng thống Barack Obama vẫn luôn theo dõi chặt chẽ số liệu kinh tế quan trọng này và có thể ông sẽ diễn thuyết trước công chúng về vấn đề tăng trưởng.

“Có thể bạn sẽ được xem Tổng thống diễn thuyết về vấn đề này sớm”, phát ngôn viên Nhà Trắng, ông Bill Burton, nói. “Tuy vậy, tôi chưa biết ngày giờ cụ thể”.

Thâm hụt thương mại của Mỹ bất ngờ tăng tới 18,8% trong tháng 6 vừa qua, do lượng hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác lên mạnh. Điều này cho thấy tăng trưởng kinh tế quý 2 của Mỹ thấp hơn so với dự báo trước đó.

Trong suốt giai đoạn suy thoái, thâm hụt thương mại đã giảm một nửa và các quan chức Nhà Trắng từng tuyên bố rằng, nước Mỹ sẽ không rơi vào thời kỳ thâm hụt ngân sách đáng báo động nữa. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy, thâm hụt ngân sách của Mỹ đã tăng gần gấp đôi trong năm qua.

Theo hãng tin Reuters dẫn báo cáo ngày 11/8 của Bộ Thương mại Mỹ, thâm hụt thương mại trong tháng báo cáo tăng lên 49,9 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 10/2008, thời điểm thương mại toàn cầu suy sụp trước sự đổ vỡ của ngân hàng Lehman Brothers.

Trong đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng 3% lên 200,3 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu, yếu tố có thể hỗ trợ đà hồi phục kinh tế và tăng trưởng việc làm, lại rớt 1,3%, xuống 150,5 tỷ USD, thấp nhất kể từ tháng 4/2009.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học không thể giải thích được lý do tại sao kim ngạch nhập khẩu lại tăng mạnh, khi mà nhu cầu nội địa còn rất yếu ớt. Tăng trưởng nhập khẩu thường được phản ánh qua vấn đề lượng tiêu thụ nội địa.

"Sự nhảy vọt của kim ngạch nhập khẩu không hề cân xứng với tăng trưởng lượng tiêu thụ”, Paul Ashworth, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc Capital Economics ở Toronto (Canada) nhận xét.

Đà hồi phục kinh tế chững lại sẽ là một cơn “ác mộng” đối với chính quyền của Tống thống Barack Obama và đảng Dân chủ, khi chỉ còn 2 tháng nữa là tới cuộc tuyển cử giữa kỳ đầy khó khăn, và có thể làm chuyển dịch cán cân quyền lực trong Quốc hội theo hướng có lợi cho đảng Cộng hòa.

Theo kết quả cuộc điều tra dư luận trong tuần này của hãng tin Reuters/Ipsos cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Barack Obama là 45%, trong khi lần đầu tiên tỷ lệ phản đối lên tới 52%.

Trong một diễn biến khác, chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini, người đã dự đoán trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cho rằng tăng trưởng của Mỹ trong quý 3 năm nay sẽ ở dưới mức 1% và xác suất nước Mỹ rơi vào một cuộc suy thoái mới là 40%.

Ông Roubini cho biết, dự đoán của ông dựa trên giả định Chính phủ Mỹ sẽ điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng quý 2 vừa qua xuống còn 1,2%.

Roubini cho biết, những chính sách thúc đẩy tăng trưởng trong quý 1 như chương trình kích thích kinh tế trị giá 814 tỷ USD, tuyển dụng lao động tạm thời phục vụ công tác tổng điều tra dân số, chương trình hỗ trợ thuế cho người mua nhà lần đầu trở thành lực cản trong quý 2.

Theo ông, kinh tế tăng trưởng thấp, ở giai đoạn đi xuống của hình chữ U sẽ làm giảm việc vay nợ của các hộ gia đình, chính phủ cũng như các tổ chức tài chính. Tuy nhiên, “với tốc độ tăng trưởng ở mức 1% hoặc thấp hơn, thị trường chứng khoán sẽ bị tác động mạnh, chênh lệch tín dụng sẽ nới rộng và tâm lý e ngại rủi ro trên toàn cầu tăng cao”, ông nói.