16:49 02/03/2021

Ghế nóng ngân hàng trước mùa đại hội cổ đông

Tú Uyên

Dự kiến, sẽ còn có nhiều thay đổi trong cơ cấu nhân sự chủ chốt của các ngân hàng trước thềm đại hội cổ đông thường niên.

Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát các tổ chức tín dụng thực hiện tái cơ cấu
Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát các tổ chức tín dụng thực hiện tái cơ cấu

Như thường lệ hàng năm, hàng loạt ngân hàng "thay ghế" nhân sự cao cấp trước mùa đại hội cổ đông. Năm nay, ngay từ đầu năm, nhiều ngân hàng đã bất ngờ thay ghế nóng hàng loạt nhân sự. 

Biến động về nhân sự, đặc biệt là nhân sự cao cấp trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đã diễn ra khá sôi động trong vài năm trở lại đây, khi nhiều ngân hàng tiến hành M&A, đổi chủ. Biến động này nhộn nhịp hẳn lên trước thềm đại hội cổ đông. Và năm nay ngay từ những tháng đầu năm, nhân sự "ghế nóng" tại các ngân hàng đã bắt đầu "nóng".

NHIỀU NGÂN HÀNG THAY TƯỚNG

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2021, nhiều ngân hàng bất ngờ thay ghế "nóng" ở các vị trí tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, thậm chí ở cả vị trí "nóng" nhất: chủ tịch hội đồng quản trị.

Cụ thể, ngay trong những ngày đầu năm 2021, Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã quyết định bổ nhiệm ông Kalyanaraman Sivaramakrishnan giữ vị trí Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản trị rủi ro của ngân hàng. Quyết định bổ nhiệm có hiệu lực kể từ ngày 10/1. Trước đó, ông từng đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc tại Siam Commercial Bank (Thái Lan) và Phó Tổng giám đốc Quản trị rủi ro tại Scotiabank (Thái Lan).

Hiện Techcombank là ngân hàng Việt có nhiều lãnh đạo người nước ngoài nhất trong bộ máy điều hành. Ngoài ông Kalyanaraman, Ban điều hành của Techcombank còn có 5 vị lãnh đạo người nước ngoài khác như Tổng giám đốc Jens Lottner, Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp Vishal Shah, giám đốc phát triển giải pháp bảo hiểm Terry Hung-sun Li...

 

Ghế nóng ngân hàng trước mùa đại hội cổ đông - Ảnh 1.

Ba nhân sự cấp cao của ba ngân hàng: SCB, Standard Chartered Bank, Kienlongbank (từ trái sang phải)

Tiếp đến, Hội đồng quản trị VietABank cũng quyết định bổ nhiệm ông Phương Thành Long giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc ngân hàng này. Ông Phương Thành Long cũng có kinh nghiệm gần 15 năm làm việc tại các Tổ chức tài chính và ngân hàng như Techcombank, VPBank, VietABank. Việc bổ nhiệm lần này nhằm chuẩn bị nguồn lực nhân sự quản lý cho các bước phát triển của ngân hàng giai đoạn tiếp theo.

Trong làn sóng thay đổi nhân sự cao cấp trong những ngày đầu năm 2021 còn có ngân hàng Standard Chartered. Mới đây nhà băng này phát đi thông báo bổ nhiệm bà Michele Wee làm tổng giám đốc thị trường Việt Nam kể từ ngày 1/2/2021. Bà Michele Wee sẽ báo cáo cho ông Patrick Lee, tổng giám đốc khu vực phụ trách Singapore và các thị trường ASEAN khác, bao gồm Malaysia, Việt Nam, Thái Lan và các văn phòng đại diện trong khu vực.

Bà Michele Wee có hơn 25 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực ngân hàng. Bà gia nhập Standard Chartered vào năm 2011 với vai trò là giám đốc toàn cầu phụ trách mảng thương mại điện tử, chịu trách nhiệm xây dựng kênh phân phối thương mại điện tử cho các khách hàng của khối thị trường tài chính.

Trước khi được bổ nhiệm làm tổng giám đốc Việt Nam, bà Michele Wee giữ vai trò là giám đốc khối thị trường tài chính phụ trách Singapore, Úc và Brunei, đảm nhiệm việc xây dựng và triển khai các chiến lược cho khối thị trường tài chính tại các thị trường này.

Trước đó cuối năm 2020, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã bổ nhiệm quyền tổng giám đốc người nước ngoài là ông Chen Yi-Chung (Jeremy Chen). Còn ông Hoàng Minh Hoàn, người tiền nhiệm của ông Chen Yi-Chung, giữ chức Phó tổng giám đốc thường trực.

Việc bổ nhiệm này diễn ra trong bối cảnh SCB đang triển khai quyết liệt "Chiến lược chuyển đổi và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2030" với sự tư vấn chiến lược của McKinsey & Company. Ông Jeremy Chen được kỳ vọng là sẽ dẫn dắt SCB thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi và đưa SCB vào top các ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận trong thời gian tới.

Mới đây nhất là cuộc thay "ghế nóng" đầy bất ngờ ở vị trí Hội đồng quản trị tại ngân hàng VietBank. Theo đó, ông Bùi Xuân Khu, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương ngồi ghế "nóng" Chủ tịch Hội đồng quản trị  VietBank, thay thế ông Dương Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị đương nhiệm, kể từ 23/2/2021. Theo Vietbank, việc thay ghế "nóng" này là để phù hợp với tình hình hoạt động của Hội đồng quản trị Vietbank trong giai đoạn mới cũng như trong điều kiện thị trường hiện nay chịu tác động của Covid-19.

Tuy nhiên, việc ông Hòa, người đảm nhận vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietbank từ tháng 9/2006 đến nay và đang nắm giữ trực tiếp hơn 19 triệu cổ phần VBB (ngoài ra, người thân ông Hòa cũng nắm giữ hơn 37 triệu cổ phần VBB theo báo cáo quản trị năm 2020) bất ngờ rời "ghế nóng" khiến nhiều người không khỏi thắc mắc.

Năm vừa qua, Vietbank có một năm kinh doanh khá khiêm tốn với thu nhập lãi thuần cả năm chỉ đạt 573,1 tỷ đồng, sụt giảm 52% so với năm trước.  Dù các hoạt động ngoài lãi có tăng trưởng song kết quả lợi nhuận trước thuế vẫn giảm hơn 34%, đạt 402,7 tỷ đồng. Hiện cổ phiếu VBB của Vietbank đang được giao dịch trên UPCoM với thị giá quanh ngưỡng 12.700 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, vào cuối quý III/2020, Vietbank đã thay vị trí Tổng giám đốc, với người đương nhiệm là ông Lê Huy Dũng, thay thế vị trí của ông Nguyễn Thanh Nhung.

Thay đổi ở vị trí "ghế nóng" chủ tịch Hội đồng quản trị phải kể đến ngân hàng Kienlongbank. Vào đầu tháng 2/2021, tại Hội nghị Tổng kết năm 2020 và Triển khai kế hoạch kinh doanh 2021, Kienlongbank cũng đã họp và bầu ông Lê Hồng Phương giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2018 - 2022 kể từ ngày 1/2/2021.

Năm 2021, Kienlongbank đặt mục tiêu đẩy mạnh xử lý hoàn tất các khoản nợ có tài sản thế chấp là cổ phiếu STB của Sacombank và đưa tổng nợ xấu của Kienlongbank về mức dưới 2% tổng dư nợ; hạn chế nợ xấu mới phát sinh, quản lý rủi ro; gia tăng thu nhập từ dịch vụ phi tín dụng...

NHIỀU TÌNH TIẾT BẤT NGỜ TRONG MÙA ĐẠI HỘI 

Dự báo sắp tới, làn sóng nhân sự cấp cao tại các ngân hàng sẽ tiếp tục biến động do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các ngân hàng định hướng lại chiến lược kinh doanh trong bối cảnh ảnh hưởng bởi COVID-19, do vậy cần các nhân sự phù hợp với quá trình phát triển mới.

Trong các ngân hàng, "Ghế nóng" tại ngân hàng Eximbank tiếp tục là tâm điểm thu hút sự chú ý của nhiều cổ đông trong thời gian vừa qua.

Sau 4 lần dự kiến bất thành, Eximbank vừa thông báo tổ chức 2 đại hội đồng cổ đông liên tiếp trong năm nay. Cụ thể, Eximbank tiếp tục lên kế hoạch họp đại hội đồng cổ đông thường niên cho năm 2020 (lần thứ 5 dự kiến tổ chức) vào ngày 26/4 và đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 vào ngày 27/4, chỉ một ngày sau đó.

Đặc biệt, trong phiên họp ngày 27/4, ngoài những nội dung thuộc thẩm quyền đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 theo quy định, Hội đồng quản trị Eximbank còn đề nghị thảo luận các nội dung của phiên họp ngày 26/4 nếu không được thông qua, tức thảo luận các vấn đề của đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.

Đáng chú ý là lịch họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 cho đến nay vẫn chưa thực hiện. Cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) nhiều lần gửi thư thông báo đến Hội đồng quản trị và đồng gửi Ngân hàng Nhà nước, thúc giục triệu tập phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 lần hai "trong thời gian sớm nhất có thể theo các điều khoản và điều lệ của Eximbank".

Tuy nhiên, Eximbank vẫn chưa thể tổ chức đại hội đồng cổ đông trong bối cảnh mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông chưa có dấu hiệu chấm dứt. Vấn đề tranh chấp "ghế nóng" trong Hội đồng quản trị Eximbank vẫn chưa hết "nóng".

Theo báo cáo quản trị năm 2020, Hội đồng quản trị Eximbank hiện có 9 thành viên, trong đó ông Yasuhiro Saitoh giữ chức Chủ tịch. SMBC đã gửi công văn yêu cầu Eximbank bổ sung nội dung cho phiên họp cổ đông thường niên là giảm số lượng thành viên Hội đồng quản trị từ 9 người xuống còn 5-7 người, thông qua việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với từng thành viên.

Ngoài Eximbank, hiện có nhiều nhà băng đã sớm chốt lịch họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021. Trong đó, BIDV, PG Bank dự kiến tiến hành đại hội trong tháng 3/2021, còn Vietbank, Vietcombank, Sacombank, VIB, ACB sẽ tiến hành đại hội vào tháng 4/2021 để trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay.

Nhìn chung, các nhà băng chốt sớm lịch đại hội đồng cổ đông năm nay, nhưng tùy thuộc vào diễn biến của Covid-19 mà có thể điều chỉnh thời gian tổ chức. Các vấn đề nóng được nhà đầu tư quan tâm trong mùa đại hội đồng cổ đông năm nay ngoài kết quả kinh doanh, cổ tức, còn là biến động nhân sự cấp cao. Tuy nhiên, cũng có nhiều tình tiết bất ngờ và "nóng" hơn đó là việc khả năng một ngân hàng nhỏ mua lại ngân hàng lớn.