13:14 13/09/2023

Ghi điểm tuyệt đối, akaBot được gọi tên “Ngôi sao đổi mới sáng tạo năm 2023”

Khánh Huyền

11 triệu nhân viên đang được hỗ trợ bởi trợ lý robot ảo akaBot, giải phóng 21,9 triệu giờ làm việc/ năm, hơn 10.000 robot ảo làm việc cùng con người hàng ngày,... những con số giúp akaBot được gọi tên Top 4 Giải pháp đổi mới sáng tạo tiêu biểu xuất sắc nhất 2023 tại lễ trao giải Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Challenge - VIC)...

Là một trong bốn giải pháp được vinh danh, akaBot là nền tảng tự động hóa quy trình với các “trợ lý robot ảo” có khả năng mô phỏng thao tác của con người, giúp giải quyết tác vụ lặp đi lặp lại với số lượng lớn. Vượt qua hơn 700 giải pháp đến từ nhiều quốc gia, akaBot được đánh giá cao bởi những tác động và ảnh hưởng tới lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng và xã hội nói chung. akaBot sẽ được vinh danh trong triển lãm Quốc tế Đổi mới Sáng tạo Việt Nam 2023, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 tại Hà Nội.

Thách thức Đổi mới sáng tạo (Vietnam Innovation Challenge) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, được Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC) và Tập đoàn Meta đồng tổ chức.

Các giải pháp tham gia chương trình được đánh giá gắt gao bởi các chuyên gia dựa trên bảy tiêu chí, bao gồm: Năng lực đơn vị giải đề; Tính độc đáo của giải pháp và hướng tiếp cận; Tính sẵn sàng cho thị trường Việt Nam; Chi phí phù hợp để nhân rộng mô hình; Khả năng nhân rộng, quy mô lớn; Tính triệt để trong giải quyết vấn đề thực tế; Tính bền vững về tác động xã hội của các giải pháp.

Đặc biệt, tại vòng thi cuối cùng, các giải pháp tiêu biểu được lựa chọn trong cuộc họp đánh giá do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì. Phiên họp đánh giá có sự tham dự của các chuyên gia đại diện Hội đồng tuyển chọn là các lãnh đạo, quản lý cấp cao đến từ các tập đoàn, công ty công nghệ, quỹ đầu tư và đại diện cơ quan quản lý nhà nước.

Ghi điểm tuyệt đối, akaBot được gọi tên “Ngôi sao đổi mới sáng tạo năm 2023”  - Ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng Phó chủ tịch phụ trách Chính sách công khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Meta Simon Milner trao giải cho 4 giải pháp tiêu biểu xuất sắc

Trong các phần đánh giá, akaBot không chỉ được nhận định cao về năng lực chuyên môn của đội ngũ quản trị mà còn ghi điểm gần như tuyệt đối của ban giám khảo trong tiêu chí “Tính bền vững về tác động xã hội của các giải pháp”.

Được biết, trong nỗ lực kiến tạo môi trường làm việc số lý tưởng, các trợ lý ảo của akaBot đã giải phóng hơn 11 triệu nhân viên của toàn bộ khách hàng khỏi các tác vụ nhàm chán; rút ngắn 70% thời gian xử lý quy trình và tiết kiệm tới 21.9 triệu giờ làm việc/năm.

Thêm nữa, akaBot cũng giúp góp phần vào "văn phòng làm việc xanh" bởi việc giảm thiểu 60% lượng giấy tờ sử dụng trong công việc.

Bên cạnh đó, akaBot còn nhận được những phản hồi tích cực cho tiêu chí “Tính sẵn sàng cho thị trường Việt Nam”. Tại thị trường nội địa, akaBot triển khai hơn 5,000 robot ảo cho 20 ngân hàng toàn quốc, là giải pháp dẫn đầu trong mảng siêu tự động hóa lĩnh vực Tài Chính - Ngân Hàng.

Ngoài ra, cũng đã có 3,000 doanh nghiệp SMEs Việt Nam thành công trong chuyển đổi số với UBot - giải pháp tự động hóa SaaS của akaBot dành cho phòng ban Tài chính - Kế toán với tổng số hóa đơn xử lý đạt 4,8 triệu hóa đơn, tổng giá trị tự động hóa đạt 700.000 tỷ đồng.

Đối với thị trường quốc tế tính đến hiện tại, FPT akaBot đã có những đột phá trong số lượng khách hàng toàn cầu khi phục vụ hơn 3.500 doanh nghiệp tại 21 quốc gia với hơn 10,000 robot ảo đã được triển khai.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu về tiềm năng của các giải pháp.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu về tiềm năng của các giải pháp.

Nhận định về chất lượng và tiềm năng phát triển của các giải pháp được vinh danh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá đây là những giải pháp có cách tiếp cận toàn diện, bền vững, giải quyết được các vấn đề trong một bức tranh tổng thể, có tính liên kết giữa các bộ phận, giảm thiểu rủi ro khi thực hiện và tạo ra lộ trình thực hiện lâu dài, có khả năng nhân rộng, phổ biến rộng rãi tại Việt Nam và nhiều nước thị trường khác.

“Tôi tin rằng đây là bước đi đầy hứa hẹn để kết nối khu vực công, khu vực tư nhân và các thành phần kinh tế - xã hội khác hình thành, thử nghiệm và thực hiện các sáng kiến đổi mới sáng tạo, góp phần tăng năng suất kinh doanh và thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.