15:52 12/02/2009

Giá cả có nguy cơ lội ngược dòng!

Mỗi động thái đẩy giá lội ngược dòng trong thời điểm này cần được xem xét thận trọng

Trong khi hàng loạt chính sách vừa được triển khai với mục tiêu kích cầu, ngăn chặn suy thoái kinh tế, giảm giá sản phẩm để tăng sức cạnh tranh... thì lại có nhiều mặt hàng thiết yếu đang có nguy cơ tăng giá.

Nguy cơ "kéo giá" cũng muôn hình muôn vẻ: có những mặt hàng được đề xuất điều chỉnh chính sách để... giá tăng, có những mặt hàng đáng phải giảm giá, nhưng cơ quan quản lý lại trì hoãn để kéo dài thời gian hưởng lợi...

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, mỗi động thái đẩy giá lội ngược dòng trong thời điểm này cần được xem xét thận trọng.

Sữa bột liên tục tăng giá

Mặc dù, sữa bột đã liên tục tăng giá nhiều lần trong năm 2007-2008 và dường như chưa lần nào điều chỉnh giảm giá nhưng hiện nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại có văn bản đề nghị Thủ tướng tăng thuế nhập khẩu các loại sữa.

Đề xuất này nhằm đảm bảo quyền lợi người chăn nuôi và thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa trong nước phát triển. Nếu đề nghị này được chấp thuận, sẽ có khoảng 15 mặt hàng sữa nguyên liệu nhập khẩu chịu mức thuế cao hơn nhiều lần so với hiện nay.

Không ít nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng lo ngại, nếu đề xuất này được chấp thuận, tình hình giá sữa bột trên thị trường nước ta - vốn đã đứng ở mức cao so với các nước trong khu vực - nay sẽ khó tránh khỏi đợt điều chỉnh giá, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa trong nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh doanh sữa trong nước tiên đoán việc tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu sữa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành.

Ông Trần Hữu Đức - Giám đốc Truyền thông Công ty Nutifood - cho biết: "Nguyên liệu sữa ảnh hưởng chủ yếu đến giá thành sản phẩm, nên nếu tăng thuế và nhất là tăng ở mức 10-34% thay cho 3-7% như hiện nay, giá sữa thành phẩm khó tránh khỏi việc tăng tương ứng. Trong khi đó, sản lượng sữa tươi trong nước chỉ đáp ứng có hạn. Nguyên liệu để sản xuất sữa bột chủ yếu phải nhập khẩu.

Nếu tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu sữa bột vào thời điểm này như tạo một hàng rào, e rằng không giúp được nhiều cho người chăn nuôi mà lại ảnh hưởng đến tăng giá thành sữa bột, tác động trực tiếp đến người tiêu dùng".

Điện - gas cần có chính sách hỗ trợ

Trong khi đó, giá điện cũng ngấp nghé tăng lên nếu như Chính phủ thông qua đề án điều chỉnh giá điện của Bộ Công Thương.

Ông Đinh Sơn Hùng - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM - cho biết: "Dù giá điện tăng ít hay tăng nhiều cũng đều ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm và ảnh hưởng dây chuyền đến nhiều thứ khác trong nền kinh tế. Trong khi đó, Chính phủ đã xác định năm 2009 là năm nền kinh tế toàn cầu lẫn trong nước sẽ rất khó khăn, cần phải thực hiện biện pháp kích cầu. Giá dầu thế giới thời gian qua đã giảm nhiều và có nhiều khả năng tiếp tục đứng ở ngưỡng 40 - 50USD/tấn. Do vậy, cần cân nhắc kỹ và chưa vội tăng giá điện thời điểm này".

Thế nhưng, hiện nay giá gas đã tăng vùn vụt 3 lần từ đầu năm đến nay, với tổng mức tăng 40.000 - 45.000 đồng/bình 12kg. Với mức tăng này, giá gas đã tăng thêm hơn 20% so với cuối năm 2008.

Để phần nào kéo giảm giá gas trong nước xuống, nên chăng cần có chính sách hỗ trợ của Chính phủ qua việc điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu, song song với việc các doanh nghiệp kinh doanh trong nước cần tăng khả năng trữ hàng tại các kho bởi hiện nay kho chứa, bồn chứa gas của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế.

Ngành vận tải thực chất chưa giảm được chi phí

Với chính sách hoãn, giảm thuế vừa được Chính phủ ban hành, nhiều ngành rất hoan nghênh với hy vọng kéo giảm giá thành, kích cầu. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp ngành vận tải, tuy ngành này có trong danh sách ngành hàng được giảm thuế, nhưng thực chất trên thực tế vẫn chưa giảm hơn so với năm 2008.

Ông Tạ Long Hỷ - Phó tổng giám đốc Công ty taxi Vinasun - cho biết: "Trước đây, thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp vận tải taxi là 5%. Nhưng từ 1/1/2009, theo Luật Thuế giá trị gia tăng mới, thuế suất tăng lên 10%. Với quyết định giảm thuế vừa ban hành, ngành vận tải được giảm 50% thuế giá trị gia tăng phải nộp, như vậy có nghĩa là vẫn hưởng thuế suất 5% như năm 2008.

Trong khi đó, một số loại phí khác vẫn ở mức cao, thậm chí tăng lên như thuế trước bạ khi doanh nghiệp mua xe vẫn là 10%. Ngoài ra, phí kiểm định an toàn kỹ thuật và môi trường lại tăng từ 140.000 đồng/xe/lượt lên 260.000 đồng/xe/lượt".
 
Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Lự - Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hoá - cho rằng: tuy thuế giá trị gia tăng giảm 50% so với trước, nhưng giá vật tư ngành vận tải đang tăng chóng mặt, nhất là lốp xe. Trong khi đó, giá dầu thế giới liên tục giảm, nhưng giá xăng dầu trong nước chỉ giảm nhỏ giọt và giảm chậm đến mức dư luận phải lên tiếng.

M.Thoa (Lao Động)