Giá dầu “bốc hơi” 7% vì OPEC+ tăng sản lượng, biến chủng Delta lan rộng
Giá dầu thế giới lao dốc chóng mặt trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (19/7), với giá dầu WTI trượt khỏi ngưỡng tâm lý chủ chốt 70 USD/thùng lần đầu tiên trong hơn 4 tháng, sau khi OPEC+ nhất trí tăng sản lượng và do biến chủng Delta của Covid-19 đe doạ nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu...
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại thị trường Mỹ “bốc hơi” 7,51%, còn 66,42 USD/thùng, đánh dấu phiên giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 9/2020. Trong phiên, có lúc giá dầu WTI giảm còn 65,47 USD/thùng.
Giá dầu WTI hiện đã giảm hơn 13% kể từ đỉnh gần đây là 76,98 USD/thùng thiết lập hôm 6/7 – mức cao nhất trong hơn 6 năm.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London chốt phiên với mức giảm 6,75%, còn 68,62 USD/thùng.
OPEC+, liên minh gồm 23 thành viên giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các nước sản xuất dầu ngoài khối gồm Nga, vào ngày 18/7 nhất trí mỗi tháng tăng sản lượng khai thác dầu thêm 400.000 thùng/ngày kể từ tháng 8. Việc tăng sản lượng này sẽ kéo dài đến hết tháng 9/2022, và đến thời điểm đó, OPEC+ đã khôi phục gần như hoàn toàn 6 triệu thùng/dầu ngày mà liên minh này đang hạn chế sản lượng.
OPEC+ cuối cùng đã đạt thoả thuận này sau khi thoả thuận bị đổ vỡ trong cuộc họp của khối vào hôm 1/7 vì bất đồng giữa Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) xung quanh mức sản lượng cơ sở của UAE.
Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng thoả thuận của OPEC+ sẽ không khiến giá dầu giảm sâu hơn, vì các nước ngoài liên minh này – chẳng hạn Mỹ - sẽ kiềm chế khai thác. Tuy nhiên, các nhà phân tích của Goldman Sachs cũng lo ngại biến chủng Delta có thể khiến giá dầu biến động mạnh trong những tuần tới đây.
Chuyên gia Helima Croft cũng không cho rằng thoả thuận mà OPEC+ vừa đạt được sẽ gây nhiều áp lực lên giá dầu. “Chúng tôi cho rằng thị trường có thể hấp thụ hoàn toàn phần sản lượng tăng thêm 400.000 thùng/ngày hàng tháng. Đây là một thoả thuận có ý nghĩa tích cực với thị trường”, bà Croft nói.
Cũng theo bà Croft, “thoả thuận này mang lại cho thị trường sự thoải mái vì thấy rằng OPEC+ sẽ không tan rã và sẽ không có chuyện các nước trong liên minh phá kỷ luật mà ồ ạt khai thác dầu… Đây là một sự làm mới những cam kết về kỷ luật sản lượng của OPEC+”.
Thậm chí, ông Andy Lipow, Chủ tịch của Lipow Oil Associates còn cho rằng thoả thuận của OPEC+ “mang lại cơ hội mua vào trong 6 tháng tới, vì lượng dầu tồn kho trên toàn cầu sẽ tiếp tục giảm”.
Dù vậy, giá dầu vẫn phản ứng tức thì với quyết định của OPEC+ bằng một phiên lao dốc mạnh, kéo theo giá cổ phiếu năng lượng. Cổ phiếu loạt công ty dầu khí của Mỹ gồm Occidental, Diamondback Energy, Schlumberger, Marathon Oil… đồng loạt giảm trên 6%.
Một mối lo ngại lớn nữa của giới đầu tư trong phiên này là sự lây lan chóng mặt của biến chủng Delta trên toàn cầu.
Delta, biến chủng có mức độ lây lan nhanh của Covid-19, hiện đã trở thành loại chủ đạo trên toàn cầu, bao gồm tại Mỹ. Biên chủng này đang gây ra một làn sóng lây nhiễm và chết chóc mới, đặc biệt là ở những người chưa tiêm vaccine. Giới chức y tế Mỹ cho biết số ca tử vong vì Covid ở nước này tăng 25% trong tuần trước, lên mức bình quân 250 người/ngày.
Mặc giá dầu lao dốc, nhiều tổ chức dự báo ở Phố Wall vẫn tin rằng nguồn cung dầu sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu và giá dầu vì thế sẽ còn tăng.
Đêm Chủ nhật, Cresit Suisse nâng dự báo giá bình quân năm 2021 của dầu Brent lên 70 USD/thùng, từ mức dự báo trước đó là 66,5 USD/thùng. Dự báo giá bình quân của dầu WTI tăng lên 67 USD/thùng, từ 62 USD/thùng.
Citibank dự báo giá dầu Brent và WTI có thể tăng lên mức 85 USD/thùng trong năm nay. “Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong mùa hè năm nay sẽ mạnh hơn bình thường do nhu cầu đi lại bị dồn nén từ trước sẽ bung mở”, báo cáo của Citibank nhận định.
“Với tăng trưởng nhu cầu vượt tăng trưởng nguồn cung trong ngắn hạn, chúng tôi vẫn dự báo về một mùa hè với nguồn cung dầu bị thắt chặt”, báo cáo của UBS viết, và dự báo giá dầu Brent sẽ lên mức 80 USD/thùng trước khi rút về 75 USD/thùng vào cuối năm.
Sau phiên giảm ngày 19/7, giá dầu WTI hiện vẫn tăng 38% từ đầu năm nhờ sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ năng lượng và nền kinh tế toàn cầu, cũng như nhờ nỗ lực hạn chế sản lượng của OPEC+. Tháng 4 năm ngoái, OPEC+ đưa ra quyết định lịch sử là cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng dầu/ngày để cứu giá dầu khi Covid-19 nhấn chìm kinh tế thế giới vào suy thoái.