Giá dầu “bốc hơi” gần 3% vì nỗi lo thừa cung
Các dữ liệu và dự báo bất lợi về kinh tế toàn cầu đè nặng tâm trí giới đầu tư dầu lửa
Giá dầu thế giới giảm 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi giới đầu tư lo ngại sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu có thể gây sụt giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng, trong khi sản lượng dầu của Mỹ lập đỉnh mới và mức cắt giảm sản lượng dầu của Saudi Arabia có thể không lớn như những gì được công bố.
Việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và sự giảm tốc nhanh chóng của nền kinh tế Trung Quốc thể hiện qua dữ liệu công bố hôm thứ Hai là những yếu tố đè nặng lên tâm trí của thị trường trong phiên này. Trong khi đó, giới đầu tư vốn dĩ đã lo ngại từ trước về sự gia tăng nguồn cung dầu trong 2019 bất chấp giá dầu đi xuống - hãng tin Reuters cho hay.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York sụt 1,57 USD/thùng, tương đương giảm 2,9%, còn 52,23 USD/thùng. Giá dầu Brent tại thị trường London giảm 1,24 USD/thùng, tương đương giảm gần 2%, còn 61,5 USD/thùng.
Dữ liệu từ Saudi Arabia hôm thứ Hai cho thấy xuất khẩu dầu thô của nước này trong tháng 11 tăng lên mức 8,2 triệu thùng/ngày, so với mức 7,7 triệu thùng/ngày trong tháng 10. Ngoài ra, sản lượng dầu thô của Saudi Arabia trong tháng tăng lên mức 11,1 triệu thùng/ngày.
Số liệu do Chính phủ Mỹ công bố tuần trước cho thấy sản lượng dầu thô của nước này lập kỷ lục ở mức 11,9 triệu thùng/ngày.
Theo ông Tariz Zahir, chuyên gia thuộc Tyche Capital, sản lượng dầu của Mỹ khó đạt mốc 12 triệu thùng/ngày trong vài tháng tới, vì số lượng giàn khoan dầu hoạt động của nước này đã giảm mạnh. "Nhưng vấn đề nằm ở chỗ liệu Saudi Arabia có thực sự cắt giảm mạnh sản lượng khai thác dầu hay không", ông Ziahir nói.
Phiên này, các nhà phân tích trở nên hoài nghi về mức độ cắt giảm sản lượng thực sự của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các đối tác, gồm Nga. Nhóm này đang thực thi kế hoạch giảm 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày trong sản lượng khai thác, nhưng thị trường cho rằng nhóm có thể không làm đúng những gì đã cam kết.
Trong khi đó, sản lượng khai thác dầu của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong 2019. Trong vòng 1 năm qua, sản lượng dầu của nước này tăng khoảng 2,4 triệu thùng/ngày, đưa Mỹ vượt Nga và Saudi Arabia để trở thành nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới.
Công ty môi giới vận tải dầu Eastport của Singapore nói rằng sự giảm tốc trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc có thể sẽ gây sức ép lên nhu cầu tiêu thụ dầu.
"Trên thị trường dầu đang có rất nhiều mối lo về dữ liệu kinh tế yếu đi của Trung Quốc, bởi nền kinh tế nước này tăng trưởng yếu nhất kể từ 1990", ông Phillip Streible, chiến lược gia của RJO Futures, nhận định.