09:01 10/03/2021

Giá dầu giảm hai phiên liên tiếp

Diệp Vũ

Dù vậy, giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi triển vọng thắt chặt nguồn cung do OPEC+ hạn chế sản lượng

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (9/3), khi mối lo về gián đoạn nguồn cung ở Saudi Arabia được giải tỏa và đồng USD mạnh lên. Dù vậy, giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi triển vọng thắt chặt nguồn cung do OPEC+ hạn chế sản lượng.

Trong phiên ngày thứ Hai, giá dầu có lúc lập đỉnh mới kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch, sau khi lực lượng Houthi ở Yemen dùng thiết bị bay không người lái và tên lửa tấn công vào các cơ sở dầu lửa của Saudi Arabia vào hôm Chủ nhật. Nhưng sau đó, giá dầu quay đầu sụt giảm vào cuối phiên vì Saudi Arabia cho biết đã chặn được cuộc tấn công và không có tổn thất gì về người và tài sản.

Lúc đóng cửa phiên ngày thứ Ba, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 0,72 USD/thùng, tương đương giảm 1,06%, còn 67,52 USD/thùng. Phiên đầu tuàn, có lúc giá dầu Brent đạt 71,83 USD/thùng, cao nhất kể từ hôm 8/1/2020.

Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau giảm 1,04 USD/thùng, tương đương giảm 1,6%, còn 64,01 USD/thùng. Hôm thứ Hai, có lúc giá dầu WTI đạt cao nhất từ tháng 10/2018.

"Có khả năng lượng dầu thô tồn kho của Mỹ tuần qua tăng vì nhiều nhà máy lọc dầu vẫn đang ngừng hoạt động", nhà phân tích cấp cao Phil Flynn thuộc Price Futures nhận định, cho rằng đây là một nhân tố gây áp lực giảm giá dầu phiên này.

Ngoài ra, giá dầu còn giảm do đồng USD tăng giá. Trong phiên ngày thứ Ba, chỉ số Dollar Index có lúc đạt mức cao nhất 3 tháng rưỡi.

Hôm thứ Năm tuần trước, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối, gồm Nga, tức nhóm OPEC+, quyết định giữ nguyên mức cắt giảm sản lượng. Sau khi OPEC đưa ra quyết định này, giá dầu tăng mạnh.

"Giá dầu giảm là cơ hội để mua", nhà môi giới Tamas Varga thuộc PVM phát biểu. "Cuộc họp tuần trước của OPEC+ đảm bảo rằng nguồn cung dầu toàn cầu sẽ thắt chặt hơn trong tương lai gần".

Bên cạnh đó, gói kích cầu 1,9 nghìn tỷ USD sắp được phê chuẩn chính thức của Mỹ cũn là một nhân tố quan trọng hỗ trợ giá dầu.

Trong báo cáo hàng tháng ra ngày 9/10, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) nâng dự báo giá dầu toàn cầu năm 2021, trên cơ sở kinh tế hồi phục và nguồn cung bị siết lại. Theo đó, giá dầu WTI bình quân năm 2021 mà cơ quan này dự báo là 57,24 USD/thùng, tăng 14% so với mức dự báo đưa ra hồi tháng 1. Dự báo giá dầu Brent bình quân cũng tăng 14%, đạt 60,67 USD/thùng.

EIA cho rằng sản lượng dầu của Mỹ năm nay sẽ đạt bình quân 11,15 triệu thùng/ngày, tăng 1,2% so với dự báo trước.