07:17 03/09/2008

Giá dầu giảm mạnh, chứng khoán Mỹ vẫn đi xuống

Duy Cường

Ngày 2/9, chứng khoán Mỹ đã mất điểm sau ngày nghỉ lễ bất chấp giá dầu có lúc đã giảm xuống 105,46 USD/thùng.

Chứng khoán Mỹ tiếp tục mất điểm sau ngày nghỉ lễ Lao động hôm 1/9 - Ảnh: AP.
Chứng khoán Mỹ tiếp tục mất điểm sau ngày nghỉ lễ Lao động hôm 1/9 - Ảnh: AP.
Ngày 2/9, chứng khoán Mỹ đã mất điểm sau ngày nghỉ lễ bất chấp giá dầu có lúc đã giảm xuống 105,46 USD/thùng.

Chứng khoán Mỹ: Tiếp tục mất điểm

Trái với dự báo rằng cơn bão Gustav sẽ đẩy giá dầu lên 125 USD/thùng, giá dầu thô kỳ hạn giao tháng 10 tại NYMEX trong ngày 2/9 có lúc đã giảm xuống 105,46 USD/thùng trước khi đóng cửa ngày giao dịch ở mức 109,71 USD/thùng, thấp hơn phiên giao dịch cuối tuần trước 5,75 USD/thùng, tương đương -5,98%.

Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4/2008, giá dầu đã xuống dưới 110 USD/thùng. Theo giới phân tích nhận định, rất có thể giá dầu sẽ sớm về 100 USD/thùng.

Hôm thứ Ba, Bộ Thương mại Mỹ thông báo, chi tiêu xây dựng ở Mỹ trong tháng Bảy đã giảm 0,6% do hoạt động xây dựng của khối tư nhân đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 năm qua.

Cùng ngày, Viện Quản lý Nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) đã đưa ra báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp của nước này trong tháng Tám. Theo đó, chỉ số về khối sản xuất đã giảm từ 50 điểm trong tháng Bảy xuống 49,9 điểm trong tháng Tám. Báo cáo này cho thấy hoạt động sản xuất ở Mỹ đang tiếp tục gặp khó khăn.

Trong khi đó, sau khi nghỉ lễ hôm 1/9, chứng khoán Mỹ đã giao dịch trở lại với tin vui, đó là giá dầu đã giảm xuống dưới 110 USD/thùng và Ngân hàng Lehman Brothers đang đàm phán để bán 25% cổ phần cho Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc.

Tuy vậy, diễn biến của thị trường chứng khoán cho thấy nhiều bất ngờ khi đầu giờ giao dịch, các chỉ số đã tăng mạnh nhờ ảnh hưởng từ hiệu ứng giá dầu giảm nhưng sau đó thị trường trượt dần và đóng cửa ở mức thấp hơn phiên giao dịch cuối tuần trước do cổ phiếu khối năng lượng, công nghệ mất điểm mạnh nên kéo thị trường về sắc đỏ.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 26,63 điểm, tương đương -0,23%, đóng cửa ở mức 11.516,92.

Chỉ số Nasdaq phiên này trượt 18,28 điểm, tương ứng -0,77%, chốt ở mức 2.349,24.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 giảm 5,25 điểm, tương đương -0,41%, đóng cửa ở mức 1.277,58.

Chứng khoán châu Âu: Lên điểm nhờ giá dầu giảm

Hôm thứ Ba, Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) thông báo, chỉ số giá bán của nhà sản xuất (PPI) trong tháng Bảy của 15 quốc gia sử dụng chung đồng Euro đã tăng 1,1% so với tháng Sáu và lên 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân khiến PPI tăng cao trong tháng Bảy là do giá năng lượng đã tăng 2,8% so với tháng Sáu và tăng 24,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nếu loại trừ sự biến động của chi phí năng lượng và chi phí xây dựng thì PPI của khu vực này chỉ tăng 0,5% trong tháng Bảy và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Âu đã tăng điểm nhờ hiệu ứng giá dầu xuống dưới 109 USD/thùng. Theo đó, các cổ phiếu khối vận tải hàng không như Lufthansa đã tăng 4,5%, British Airways lên 6% và Air France KLM tăng 6,4%...

Bên cạnh đó, cổ phiếu khối tài chính, chế tạo ôtô cũng tăng điểm mạnh mẽ khiến thị trường có ngày giao dịch ấn tượng.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 17,9 điểm, tương đương 0,32%, đóng cửa ở mức 5.620,7, khối lượng giao dịch đạt 2,27 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này tăng 1,51%. Chỉ số CAC 40 của Pháp lên 1,5%, khối lượng giao dịch đạt 189 triệu cổ phiếu.

Chứng khoán châu Á: Ngày thứ hai mất điểm trong tuần

Chứng khoán châu Á tiếp tục giảm điểm do tác động từ hai sự kiện chính trị. Theo đó tối 1/9, Thủ tướng Nhật Yasuo Fukuda đã bất ngờ tuyên bố từ chức sau gần 1 năm cầm quyền. Trong khi đó, sáng 2/9, Thủ tướng Thái Lan, Samak Sundaravej đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại Bangkok.

Hai thông tin này khiến các nhà đầu tư ồ ạt tung lệnh bán cổ phiếu ra khiến sắc đỏ phủ khắp nhiều thị trường lớn. Yếu tố chính trị đã át đi nhân tố hỗ trợ, đó là giá dầu tại thị trường Mỹ chỉ còn 107 USD/thùng tại thời điểm thị trường châu Á đóng cửa ngày giao dịch.

Với thị trường Nhật, đây là phiên giao dịch thứ hai mất điểm trong tuần với cùng biên độ giảm 1,8%, đã đưa chỉ số Nikkei 225 xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua.

Theo giới phân tích nhận định, việc từ chức của ông Yasuo Fukuda không ảnh hưởng nhiều tới thị trường chứng khoán Nhật trong thời gian tới.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 giảm 224,71 điểm, tương ứng -1,75%, đóng cửa ở mức 12.609,47.

Liên quan đến thương vụ mua 25% cổ phần Lehman Brothers của Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB). Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ tờ Sunday Telegraph của Anh cho biết, Lehman và KDB có thể đạt được một thỏa thuận mua bán có tổng trị giá khoảng 6 tỷ USD trong vòng 1 tuần nữa.

Tuy vậy, khối tài chính nước này trong phiên giao dịch hôm thứ Ba đã đồng loạt mất điểm và đưa chỉ số KOSPI giảm 0,52% xuống 1.407,14 điểm, mức thấp nhất trong vòng 18 tháng qua.

Điểm qua các thị trường khác: Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông phiên này tăng 0,65%. Chỉ số Taiwan Weighted của Đài Loan tiếp tục mất 1,66%. Chỉ số Straits Times của Singapore lên 1,56%. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0,87%.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 11.543,55 11.516,92  Up  26,63 Up 0,23
Nasdaq 2.367,52 2.349,24 Up  18,28  Up 0,77
S&P 500 1.282,83 1.277,58 Up   5,25 Up 0,41
Anh FTSE 100 5.602,80 5.620,70 Up  17,90 Up 0,32
Đức DAX 6.421,80 6.518,47  Up  96,67 Up 1,51
Pháp CAC 40 4.472,13 4.539,07  Up  66,94 Up 1,50
Đài Loan Taiwan Weighted 6.813,09 6.699,82 Down 113,27 Down 1,66
Nhật Nikkei 225 12.834,18 12.609,47 Down 224,71 Down 1,75
Hồng Kông Hang Seng 20.906,31 21.042,46 Up 136,15  Up 0,65
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.414,43 1.407,14 Down  7,29   Down 0,52
Singapore Straits Times 2.707,73 2.756,61 Up  42,82 Up 1,58
Trung Quốc Shanghai Composite 2.325,14 2.304,89 Down  20,24 Down 0,87
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg