09:24 01/10/2019

Giá dầu giảm mạnh trong quý 3

Thăng Điệp

Giá dầu thế giới sụt giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, chốt lại một quý giảm mạnh

Một cảng dầu của Iran trên Vịnh Persia - Ảnh: Bloomberg/CNBC.
Một cảng dầu của Iran trên Vịnh Persia - Ảnh: Bloomberg/CNBC.

Giá dầu thế giới sụt giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, khi triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn yếu do thương chiến với Mỹ và thị trường không còn lo nhiều về nguy cơ thiếu cung dầu sau vụ tấn công nhằm vào cơ sở dầu lửa của Saudi Arabia hồi tháng 9.

Lúc đóng cửa phiên giao dịch tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 11 giảm 1,13 USD/thùng, tương đương giảm 1,8%, còn 60,78 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao tháng 11 giảm 1,84 USD/thùng, tương đương giảm 3,3%, còn 54,07 USD/thùng.

Tháng 9 chứng kiến sự biến động mạnh của giá dầu. Có lúc giá dầu Brent tăng gần 20% trong một phiên giao dịch, mức tăng mạnh chưa từng thấy trong lịch sử, sau khi một cơ sở dầu lửa trọng yếu của Saudi Arabia bị tấn công.

Tuy nhiên, giá dầu đã giảm liên tiếp trở lại sau đó nhờ nỗ lực của Saudi Arabia nhanh chóng khôi phục phần sản lượng dầu bị mất. Nhờ đó, mức chốt tháng của giá dầu gần như không thay đổi so với xuất phát điểm vào đầu tháng.

Tính cả quý 3, giá dầu Brent giảm 8,6%, còn giá dầu WTI giảm 6,1%. Nguyên nhân chính phía sau sự sụt giá này của "vàng đen" là mối lo của giới đầu tư rằng thương chiến Mỹ-Trung sẽ đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống mức thấp nhất 1 thập kỷ, đe dọa triển vọng nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Số liệu công bố ngày 30/9 cho thấy chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc tăng nhẹ trong tháng 9, nhưng chỉ đạt 49,8 điểm. Mức dưới 50 điểm cho thấy ngành sản xuất của nước này vẫn giảm so với tháng trước đó.

Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, lên tiếng cảnh báo về bất ổn trên thị trường quốc tế nếu có bất kỳ sự "phân ly" nào giữa Trung Quốc và Mỹ. Lời cảnh báo đưa ra sau khi nhiều nguồn tin nói Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc cấm các công ty Trung Quốc niêm yết trên các sàn giao dịch ở Mỹ.

"Mỹ và Trung Quốc còn cách rất xa bất kỳ một dạng thỏa thuận nào. Mối lo ở đây là nhu cầu dầu sẽ thấp hơn dự báo", nhà phân tích thị trường dầu lửa Kyle Cooper thuộc IAF Advisors nhận xét với hãng tin CNBC.

Một quan chức của Saudi Aramco, hãng dầu lửa quốc doanh khổng lồ của Saudi Arabia, ngày 30/9 cho biết công ty này vào tuần trước đã khôi phục hoàn toàn phần sản lượng dầu bị mất trong vụ tấn công cách đó 2 tuần.

Giới thạo tin tuần trước tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Saudi Arabia đã khôi phục công suất khai thác dầu về mức 11,3 triệu thùng/ngày, sau khi bị vụ tấn công làm cho mất sản lượng 5,7 triệu thùng/ngày.

"Việc Saudi Arabia khôi phục sản lượng dầu nhanh chóng hơn dự báo, trong lúc các nhà máy lọc dầu ở Mỹ bước vào mùa bảo dưỡng" đang gây áp lực giảm lên giá dầu", ông Andy Lipow, Chủ tịch Lipow Oil Associates, nhận xét.

Giới phân tích nói rằng nỗi lo của thị trường về căng thẳng leo thang ở Trung Đông đã dịu đi phần nào, khiến giá dầu mất đi một nguồn lực hỗ trợ.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hôm Chủ nhật, thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia nói rằng ông muốn tìm giải pháp chính trị thay vì giải pháp quân sự cho cuộc tấn công cơ sở dầu lửa của nước này. Trước đó, việc cả Mỹ và Saudi Arabia cùng đổ lỗi cho Iran gây ra vụ tấn công đã thổi bùng nỗi lo về xung đột quân sự ở Vùng Vịnh.

Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters dự báo giá dầu sẽ giữ ổn định trong thời gian còn lại của năm 2019, do sự tác động trái chiều của các yếu tố một bên là những cú sốc về nguồn cung như vụ tấn công Saudi Arabia và một bên là nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu.

Các nhà phân tích được khảo sát dự báo giá dầu Brent bình quân 65,19 USD/thùng và giá dầu WTI bình quân 57,96 USD/thùng trong 2019.