18:17 07/01/2015

Giá dầu giảm mạnh, Việt Nam coi chừng giảm phát

Mỹ Anh

Cảnh báo về nguy cơ giảm phát khi giá dầu lao dốc dường như lần đầu tiên được đề cập

Tổng thống Nga Putin và các nhà lãnh đạo Saudi Arabia. Hiện tại, xu hướng giá dầu thế giới rất bất định do bị chi phối bởi cả yếu tố kinh tế và chính trị.<br>
Tổng thống Nga Putin và các nhà lãnh đạo Saudi Arabia. Hiện tại, xu hướng giá dầu thế giới rất bất định do bị chi phối bởi cả yếu tố kinh tế và chính trị.<br>
Nhiều tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang phục hồi, tăng trưởng 6,2% trong năm 2015 có tính khả thi, song nguy cơ giảm phát tiềm ẩn có thể cản trở đà phục hồi của kinh tế Việt Nam.

Nhận định đáng chú ý này vừa được đưa ra tại báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam 2015 của một tổ chức nghiên cứu kinh tế thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam.

Từ cuối 2014 đến nay, những tác động nhiều mặt đến nền kinh tế Việt Nam khi giá dầu lao dốc đã được phân tích nhiều chiều. Song, cảnh báo về nguy cơ giảm phát dường như lần đầu tiên được đề cập.

Khả năng thoát trì trệ kéo dài

Những yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho tăng trưởng năm nay, theo các tác giả của báo cáo, là triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ổn định hơn, góp phần thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dòng vốn quốc tế có khả năng chuyển hướng khi Mỹ chính thức nâng lãi suất.

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh sẽ khá thuận lợi, khi mặt bằng lãi suất thấp vẫn được duy trì, hỗ trợ cho hoạt động đầu tư tài chính và tiêu dùng.

Đối với các doanh nghiệp sử dụng đầu vào là dầu, việc giá dầu giảm giúp cho chi phí sản xuất giảm, giá hàng hóa giảm, kích thích sức mua, tiêu dùng của nền kinh tế.

Thị trường bất động sản có triển vọng phục hồi nhanh hơn, thúc đẩy tín dụng tăng cũng được nhìn nhận là một thuận lợi đáng kể.

Ngoài ra, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ được ký kết trong năm 2015 cũng sẽ mở ra cơ hội kinh doanh cho nhiều ngành kinh tế.

Đà phục hồi có thể bị cản trở

Thuận lợi không ít song đà phục hồi của kinh tế rất có thể bị cản trở, bởi nguy cơ giảm phát đang tiềm ẩn, theo báo cáo này.

Các tác giả nhận định, việc giá dầu giảm mạnh đang gây ra nguy cơ giảm phát tại Việt Nam, dù chưa lớn tại thời điểm gần dịp Tết Nguyên đán, khi giá cả các mặt hàng đều có xu hướng tăng và sự sụt giảm của giá dầu gần như đã phản ánh hết vào mặt bằng giá chung.

Tuy nhiên, giảm phát có khả năng diễn ra trong quý 2/2015 khi giá cả thế giới cũng chịu áp lực giảm lớn nếu giá dầu tiếp tục giảm.

Hiện tại, xu hướng giá dầu thế giới rất bất định do bị chi phối bởi cả yếu tố kinh tế và chính trị. Những người xây dựng báo cáo cho rằng xu hướng giảm giá dầu có khả năng tiếp diễn khi sản lượng khai thác tăng mạnh vào mùa xuân tới và đặc biệt là khi quan hệ Nga - Mỹ trở nên căng thẳng hơn.

Trong trường hợp này, nguy cơ giảm phát sẽ gia tăng trên quy mô toàn cầu, do mức giá cả thế giới đã có xu hướng giảm từ năm 2014 và hiện tại, các nền kinh tế lớn như EU và Nhật đã đang đứng trước rủi ro rơi vào thời kỳ giảm phát.

Giá cả hàng hóa thế giới giảm sẽ ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, và nguy cơ giảm phát xảy ra tại Việt Nam cũng lớn hơn.

Tuy nhiên, theo báo cáo, sự ấm lên của thị trường bất động sản trong năm 2015, kéo theo cầu tín dụng, sẽ góp phần hạn chế khả năng xảy ra giảm phát tại Việt Nam.

Đóng góp lớn cho sự gia tăng tín dụng là nhu cầu vay vốn từ khu vực bất động sản khi doanh số giao dịch và giá tăng ở một số phân khúc. Thông tin từ Bộ Xây dựng cũng cho thấy tồn kho bất động sản đã giảm dần từ giữa năm.

Báo cáo này cũng đưa ra nhiều dự báo đáng chú ý về tín dụng, lãi suất, tỷ giá năm 2015.

Theo đó, tín dụng VND tiếp tục xu hướng phục hồi, lãi suất chịu áp lực tăng từ cuối quý 2/2015 và tỷ giá khả năng cao tiếp tục giữ được ổn định, trong biên độ cơ quan quản lý đã cam kết.