Giá dầu lên cao nhất hơn 3 tháng
Giá dầu thế giới tăng khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, đạt mức cao nhất trong hơn 3 tháng
Giá dầu thế giới tăng khá mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, đạt mức cao nhất trong hơn 3 tháng, nhờ niềm lạc quan về giải pháp cho thương chiến Mỹ-Trung và một báo cáo cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm xuống.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 0,72 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, đạt 67,92 USD/thùng. Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau tăng 0,57 USD/thùng, tương đương tăng hơn 0,9%, đạt 61,68 USD/thùng.
Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của cả hai loại dầu Brent và WTI kể từ ngày 17/9, hãng tin Reuters cho hay.
Trung Quốc hôm thứ Tư tuyên bố vẫn giữ liên lạc chặt chẽ với Mỹ để chuẩn bị cho việc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa hai nước. Trước đó, Tổng thống Donald Trump nói ông sẽ cùng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có một lễ ký thỏa thuận này.
Triển vọng thỏa thuận Mỹ-Trung sớm được ký đã đưa các chỉ số chứng khoán Mỹ lên mức cao kỷ lục mới, theo đó hỗ trợ giá năng lượng.
Trong hơn một năm rưỡi qua, những đợt leo thang căng thẳng của chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới luôn phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Bởi vậy, mỗi khi cuộc chiến này xuống thang, triển vọng tăng trưởng kinh tế lại sáng lên, và những dự báo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng được cải thiện.
Bên cạnh đó, nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác dầu của OPEC+, liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và các nước đồng minh gồm Nga, cũng hỗ trợ nhiều cho giá dầu. Nhờ đó, giá dầu Brent đã tăng 25% từ đầu năm đến nay.
Phiên này, chất xúc tác giúp dầu tăng giá còn là một báo cáo từ Viện Dầu lửa Hoa Kỳ (API) cho biết tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ giảm 7,9 triệu thùng trong tuần trước, một mức giảm lớn hơn dự báo. Tuy nhiên, đây là một con số chưa chắc chắn và thị trường vẫn đang chờ dữ liệu chính thức từ Bộ Năng lượng Mỹ dự kiến công bố trong ngày thứ Sáu.
Giá dầu hiện vẫn đang đương đầu với áp lực giảm từ sản lượng dầu không ngừng tăng của một số quốc gia ngoài OPEC+, đặc biệt là Mỹ.
Ngoài ra, Saudi Arabia và Kuwait mới đây cũng nhất trí chấp dứt tranh chấp đã kéo dài nhiều năm ở một khu vực khai thác dầu. Theo dự kiến, hai nước sẽ sớm khởi động việc khai thác các mỏ dầu ở khu vực này, với sản lượng có thể đạt 500.000 thùng/ngày.
Tuy nhiên, có nhiều chuyên gia dự báo tốc độ tăng trưởng sản lượng dầu của Mỹ sẽ chậm lại trong 2020.