Giá dầu quay đầu sụt mạnh sau khi lên đỉnh gần 7 năm
Giá dầu thế giới nhảy vọt lên mức cao nhất gần 7 năm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (6/7), sau khi cuộc họp sản lượng của OPEC+ bị hoãn vô thời hạn. Tuy nhiên, mức đỉnh này không duy trì và giá dầu sụt mạnh khi đóng cửa...
Trong phiên, có lúc giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York đạt 76,98 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 11/2014. Thị trường lo ngại rằng nguồn cung dầu sẽ thêm phần thắt chặt khi OPEC+ không thể đạt thoả thuận tăng sản lượng khai thác dầu cho tháng 8 và sau đó.
OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước sản xuất dầu ngoài khối, gồm Nga.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 8 giảm 1,79 USD/thùng, tương đương giảm gần 2,4%, còn 73,37 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London có lúc đạt mức cao nhất kể từ cuối 2018, nhưng chốt phiên với mức giảm 2,63 USD/thùng, tương đương giảm 3,4%, còn 74,53 USD/thùng.
Tuần trước, các nước trong OPEC+ bắt đầu thảo luận về chính sách sản lượng cho thời gian còn lại của năm 2021.
Vào hôm thứ Sáu, nhóm bỏ phiếu về một đề xuất nâng sản lượng khai thác dầu thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng kể từ tháng 8-12. Mức tăng này đồng nghĩa sản lượng khai thác dầu của OPEC+ sẽ tăng thêm tổng cộng 2 triệu thùng/ngày trong năm nay. Ngoài ra, các thành viên cũng đề xuất gia hạn việc nâng sản lượng cho tới cuối năm 2022.
Tuy nhiên, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) bác bỏ những đề xuất trên và cuộc đàm phán kéo dài từ thứ Năm đến thứ Sáu mà không mang lại kết quả gì. Ngày thứ Hai, đàm phán tiếp tục nhưng sau đó bị huỷ.
“Ngày của cuộc họp tiếp theo sẽ được quyết định sau”, Tổng thư ký Mohammad Barkindo của OPEC nói trong một tuyên bố.
Vào tháng 4/2020, OPEC+ có một động thái lịch sử là đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng dầu/ngày nhằm hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu lao dốc vì Covid-19. Sau đó, khi giá dầu đã hồi phục vững, liên minh đã nâng dần sản lượng trở lại.
Giá dầu đã leo thang mạnh trong năm nay, với giá dầu WTI tăng 57% từ đầu năm. Bởi vậy, trước khi OPEC+ bắt đầu họp vào tuần trước, giới phân tích kỳ vọng liên minh này sẽ tăng sản lượng để kiềm chế đà tăng của giá dầu.
“Nếu sản lượng dầu không tăng, đà tăng của nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ khiến thị trường năng lượng toàn cầu bị thắt chặt ở mức độ nghiêm trọng hơn dự báo”, một báo cáo của TD Securities được hãng tin CNBC trích dẫn.
“Thế bế tắc này sẽ dẫn tới sự thiếu cung dầu tạm thời nhưng nghiêm trọng hơn dự báo, theo đó đẩy giá dầu lên cao hơn trong ngắn hạn. Sự bùng nổ của giá dầu trong mùa hè có thể sẽ dữ dội hơn nữa”, báo cáo nhận định.