07:42 06/07/2021

Cuộc họp OPEC+ bị huỷ do liên minh khủng hoảng, giá dầu lên đỉnh mới

Bình Minh

OPEC+ rơi vào một cuộc khủng hoảng do mâu thuẫn xấu đi giữa Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đặt ra nguy cơ đối với nguồn cung dầu của thế giới...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

OPEC+ rơi vào một cuộc khủng hoảng do mâu thuẫn xấu đi giữa Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), đặt ra nguy cơ đối với nguồn cung dầu của thế giới. Sau khi bị hoãn hai lần, cuộc họp của liên minh vào ngày 5/7 đã không thể diễn ra, khiến giá dầu nhảy lên đỉnh mới.

Diễn biến tiếp theo của cuộc khủng hoảng này sẽ quyết định liệu bất đồng giữa hai cường quốc dầu lửa vùng Vịnh có leo thang thành một cuộc xung đột tương tự như cuộc chiến giá dầu hồi năm 2020 giữa Nga và Saudi Arabia. Trong lúc thị trường còn “chờ xem”, giá dầu Brent tiếp tục leo thang về phía mốc 80 USD/thùng.

NGUY CƠ “CUỘC CHIẾN GIÁ DẦU”

Sức ép từ việc giá dầu tăng cao đang đè nặng lên sự phục hồi kinh tế toàn cầu, bởi giá năng lượng càng cao thì áp lực lực lạm phát càng lớn. Ngoài ra, việc nội bộ OPEC+ mất đoàn kết cũng làm suy giảm khả năng mà liên minh này rất khó khăn mới có được trong việc kiểm soát thị trường dầu.

OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước sản xuất dầu ngoài khối, trong đó có Nga.

Trong những ngày tới, tâm điểm chú ý của thị trường dầu lửa toàn cầu chắc chắn không gì khác chính là việc Riyadh và Abu Dhabi sẽ giải quyết mâu thuẫn như thế nào, khi hai bên tiếp tục đàm phán về sản lượng và đưa ra mức giá bán dầu cho tháng 8. Mối lo lớn nhất của thị trường là bất đồng có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát.

“Chúng tôi không muốn có một cuộc chiến giá dầu. Và chúng tôi không muốn giá dầu tăng nhiều hơn mức hiện tại”, Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Iraq, ông Ihsan Abdul Jabbar, phát biểu trong cuộc trao đổi với hãng tin Bloomberg.

Tuần trước, cuộc họp cấp bộ trưởng của OPEC+ để bàn về vấn đề sản lượng đã bị hoãn hai lần, dời sang ngày thứ Hai (5/7). Tuy nhiên, các bên đã bỏ họp vào ngày 5/7, trong khi thị trường kỳ vọng lần họp này sẽ đi đến một thoả thuận tiếp tục nâng dần sản lượng khai thác dầu của OPEC+ để làm dịu cơn sốt giá dầu thời gian gần đây.

Nguyên nhân khiến cuộc họp bị huỷ không gì khác chính là bất đồng về vấn đề sản lượng giữa Saudi Arabia và UAE.

Tâm điểm trong mâu thuẫn giữa Saudi Arabia và UAE là một từ giữ vai trò then chốt trong các thoả thuận sản lượng của OPEC+: mức cơ sở (baselines). Mỗi nước trong liên minh tính toán việc tăng hoặc giảm sản lượng dầu dựa trên một mức cơ sở. Nếu con số đó càng cao, nước đó được phép khai thác nhiều dầu hơn. UAE nói rằng mức cơ sở của nước này hiện nay, được quy định ở mức 3,2 triệu thùng/ngày từ tháng 4/2020, là quá thấp, và đòi nâng lên 3,8 triệu thùng/ngày nếu thoả thuận tăng sản lượng được gia hạn sang năm 2022.

Trong khi đó, Saudi Arabia và Nga phản đối việc tính lại sản lượng mục tiêu cho UAE, lo ngại rằng các quốc gia khác trong liên minh cũng đưa ra đòi hỏi tương tự.

Lần gần đây nhất Saudi Arabia và UAE xung đột về chính sách sản lượng là vào tháng 12/2020. Khi đó, UAE đã đưa ra ý tưởng rút khỏi liên minh, nhưng cuối cùng đã đạt thoả thuận giải quyết mâu thuẫn. Lần này, tình hình căng thẳng đến nỗi OPEC+ không thể nhất trí về một lịch họp mới.

SẢN LƯỢNG KHÔNG TĂNG, GIÁ DẦU NHẢY VỌT

Hậu quả tức thì của sự sụp đổ đàm phán này là sẽ không có chuyện OPEC+ nâng sản lượng từ tháng 8 như thị trường kỳ vọng, trong lúc nền kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đang phục hồi nhanh từ đại dịch Covid-19.

Lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai tại thị trường London, giá dầu Brent giao sau tăng 0,93 USD/thùng, tương đương tăng 1,22%, đạt 77,1 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên trong hơn 2 năm giá dầu Brent vượt 77 USD/thùng.

Thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Quốc khánh phiên này. Giá dầu WTI trong phiên giao dịch ngoài giờ có lúc đạt 76,3 USD/thùng, tăng 1,14 USD/thùng, tương đương tăng hơn 1,5%, so với đóng cửa tuần trước.

Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading View.
Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading View.

“Trong lúc thị trường dầu lửa đã thiếu cung và tăng trưởng nguồn cung chậm hơn tăng trưởng nhu cầu, việc OPEC+ tiếp tục hạn chế sản lượng có thể đẩy giá dầu lên cao hơn nữa”, nhà phân tích Giovanni Staunovo thuộc UBS Group nói với hãng tin Bloomberg.

Trong trung hạn, ông Staunovo cho rằng rạn nứt trong OPEC+ có thể gây hiệu ứng ngược lại: khiến giá dầu giảm vì các quốc gia không tuân thủ hạn ngạch sản lượng nữa và bơm nhiều dầu hơn. Tuy nhiên, nhà phân tích nói khả năng như vậy là thấp.

Các nước tiêu thụ dầu lớn bắt đầu thể hiện sự lo ngại. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên tiếng kêu gọi OPEC+ xoá bỏ mâu thuẫn để đi đến hành động nhất quán.

Năm ngoái, khi giá dầu WTI lao dốc xuống ngưỡng âm lần đầu tiên trong lịch sử do Covid-19, OPEC+ đã mạnh tay giảm sản lượng để vực dậy giá dầu. Sang năm nay, khi giá dầu đã hồi mạnh, OPEC+ bắt đầu nâng dần sản lượng trở lại. Từ tháng 5-7, khối nâng sản lượng khai thác thêm khoảng 2 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, thị trường vẫn cần thêm dầu và nếu không đạt thoả thuận tiếp theo, OPEC+ sẽ không thể nâng thêm sản lượng từ tháng 8.

Trong khi đó, Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo tuần trước nói rằng trong nửa sau của năm nay, nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ tăng khoảng 5 triệu USD/thùng so với nửa đầu năm.

Trong OPEC+, Nga có lẽ là nước muốn nâng sản lượng hơn cả. Các công ty dầu khí của Nga muốn khai thác nhiều dầu hơn, trong khi giá xăng trong nước tăng cao là một vấn đề trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 9. Việc không đạt được một thoả thuận tăng sản lượng sẽ là một thất bại đối với Phó thủ tướng Nga Alexander Novak – một trong những “kiến trúc sư” của OPEC+.

Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Iraq nói ông hy vọng trong vòng 10 ngày tới OPEC+ sẽ thống nhất được về một lịch họp mới và sẽ đạt được một thoả thuận làm thoả mãn tất cả các bên.

“Thị trường vẫn đang kỳ vọng nguồn cung dầu tăng thêm một chút trong những tháng tới. Việc trì hoãn thoả thuận đã khiến giá dầu tăng. Giá dầu có thể giảm xuống nếu OPEC nhất trí tăng sản lượng”, ông nói.