08:43 20/05/2021

Giá dầu sụt 3,5% vì Covid bùng phát ở châu Á

Điệp Vũ

Giá dầu thế giới giảm hơn 2 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (19/5), khi giới đầu tư lo ngại về dịch Covid-19 bùng phát ở châu Á...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới giảm hơn 2 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (19/5), khi giới đầu tư lo ngại dịch Covid-19 bùng phát ở châu Á sẽ gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu. Ngoài ra, thị trường còn lo rằng lạm phát tăng sẽ dẫn tới thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến tăng trưởng kinh tế chững lại.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 2,22 USD/thùng, tương đương giảm 3,2%, còn 66,49 USD/thùng.

Trước đó, giá dầu Brent giảm 1,1% trong phiên ngày thứ Ba, dù có lúc vượt 70 USD/thùng .

Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau mất 2,3 USD/thùng, tương đương giảm 3,5%, còn 63,19 USD/thùng. Giá dầu WTI đã giảm 1,2% trong phiên ngày thứ Ba.

Việc giá dầu Brent chạm mốc 70 USD/thùng trong phiên ngày thứ Ba là nhờ lạc quan về sự mở cửa trở lại ở Mỹ và các nền kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, giá dầu cũng đang chịu áp lực giảm từ nỗi lo nhu cầu tiêu thụ dầu suy yếu ở khu vực châu Á, trong bối cảnh số ca nhiễm mới Covid-19 tăng mạnh ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực như Ấn Độ, Đài Loan, Việt Nam và Thái Lan.

“Lạc quan về mở cửa trở lại nền kinh tế ở phương Tây đưa giá dầu Brent lên 70 USD/thùng, nhưng mức giá này không bền vững vì bức tranh Covid ở châu Á đáng xấu đi”, nhà phân tích Sophie Griffiths thuộc Oanda nói với hãng tin CNBC.

“Bức tranh nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu có vẻ đang được chia thành hai nửa tương phản hơn bao giờ hết kể từ khi đại dịch bắt đầu”.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng giá dầu đang ổn định và thị trường dầu toàn cầu gần như cân bằng, với nhu cầu nhỉnh hơn một chút so với nguồn cung.

Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại New York 1 năm qua. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading View.
Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại New York 1 năm qua. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading View.

Mối lo lạm phát cũng là lý do khiến nhiều nhà đầu tư giảm nắm giữ những tài sản rủi ro như dầu trong phiên ngày thứ Tư.

Chuyên gia kinh tế Justin Smirk thuộc Westpac cho rằng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ sớm hơn dự kiến để chống lạm phát đang phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ hàng hoá cơ bản như dầu.

“Fed đang rất nghiêm túc về việc giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng, nhưng thị trường đang đồn đoán nhiều về khả năng Fed có thể phải thắt chặt sớm hơn dự kiến”, ông Smirk nói.

Fed hiện dự báo sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức 0-0,25% cho tới hết năm 2023, nhưng thị trường tương lai (futures) hiện cho thấy nhà đầu tư tin rằng Fed có thể bắt đầu tăng lãi suất từ tháng 9/2022.