Giá dầu tăng 23% trong nửa đầu năm 2018
Một loạt yếu tố gồm nỗ lực của OPEC, dự báo nhu cầu tăng, và nguồn cung thắt chặt đã “hợp lực” đưa giá dầu đi lên
Giá dầu thô có phiên tăng thứ tư liên tục vào ngày thứ Sáu, khép lại tuần, tháng, quý và nửa đầu năm 2018 với mức tăng mạnh. Một loạt yếu tố gồm nỗ lực của OPEC, dự báo nhu cầu tăng và nguồn cung thắt chặt đã "hợp lực" đưa giá dầu đi lên.
Tại Sở Giao dịch Hàng hóa New York (NYMEX), gái dầu WTO giao tháng 8 tăng 70 cent/thùng, tương đương tăng gần 1%, chốt ở mức 74,15 USD/thùng, một mức đỉnh mới kể từ cuối tháng 11/2014.
Giá dầu WTI tăng 8% trong tuần này, tăng gần 11% trong tháng 6, và tăng 14% trong quý 2. Trong nửa đầu năm 2018, giá dầu WTI tăng khoảng 23%.
Tại thị trường London, giá dầu Brent kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu với mức tăng 1,62 USD/thùng, tương đương tăng 2,1%, đạt 79,23 USD/thùng.
Theo trang Market Watch, giá dầu đang nhận được sự hỗ trợ từ nhiều yếu tố, bao gồm tranh chấp quyền bán dầu lửa ở Libya khiến hoạt động xuất khẩu dầu của quốc gia Bắc Phi này bị hạn chế. Theo Commerzbank, nguồn cung 780.000 thùng dầu mỗi ngày đang bị đặt vào thế rủi ro.
Ngoài ra, thị trường dầu cũng đang phản ứng trước lời cảnh báo mà chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra trong tuần này về việc sẽ trừng phạt các quốc gia không giảm nhập khẩu dầu từ Iran về 0 trước ngày 4/11. Iran hiện đang xuất khẩu khoảng 2,4 triệu thùng dầu/ngày.
Theo ông Naeem Aslam, có khả năng nhiều quốc gia sẽ nghe theo lời kêu gọi của Mỹ về việc ngừng nhập khẩu dầu của Iran, nhưng Tehran sẽ không mất nhiều công sức để thuyết phục Trung Quốc tiếp tục mua dầu của mình, xét đến xung đột thương mại Mỹ-Trung hiện nay.
Bên cạnh đó, các số liệu thống kê gần đây cũng cho thấy lượng dầu tồn kho giảm xuống và nhu cầu tiêu thụ dầu tăng lên.
Số liệu do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố hôm thứ Tư cho thấy tồn kho dầu thô của nước này giảm 9,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 22/6, mức giảm tuần mạnh nhất từ đầu năm đến nay.
Việc giá dầu tăng liên tục cho thấy nỗ lực cắt giảm sản lượng mà Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga thực hiện từ đầu năm ngoái đến nay để hỗ trợ giá dầu đã phát huy tác dụng mạnh. Tuần trước, OPEC và Nga nhất trí tăng sản lượng trở lại để hạn chế đà tăng của giá dầu, nhưng giá dầu vẫn tăng.
Ông Matth Smith, Giám đốc nghiên cứu thị trường hàng hóa của Clipper Data cho rằng sản lượng dầu dù tăng vẫn khó "bù đắp được nhu cầu tiêu thụ dầu tại Mỹ và trên thế giới tăng mạnh".
Hôm thứ Sáu, công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes cho biết số lượng giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ đã giảm 4 giàn trong tuần này, còn 858 giàn. Đây là tuần thứ hai số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ giảm. Thông tin này góp phần giúp giá dầu duy trì đà tăng.