09:29 29/06/2019

Giá dầu tăng 9% trong tháng 6

Thăng Điệp

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nhưng tăng mạnh trong tháng này

Một cơ sở dầu lửa của Nga - Ảnh: Reuters/CNBC.
Một cơ sở dầu lửa của Nga - Ảnh: Reuters/CNBC.

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, nhưng tăng mạnh trong tháng này, trong bối cảnh giới đầu tư chờ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung ở Nhật Bản vào sáng ngày thứ Bảy và cuộc họp vào tuần tới của nhóm OPEC+.

Thị trường đặt kỳ vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đạt bước tiến nào đó trong việc giải quyết cuộc chiến thương mại đã kéo dài hơn 1 năm giữa hai nước. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hiện đang là nhân tố đe dọa triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng nghĩa đe dọa nhu cầu tiêu thụ năng lượng.

Tuần tới, tâm điểm chú ý sẽ là cuộc họp vào ngày 1-2/7 của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga, tức nhóm OPEC+ để bàn về vấn đề sản lượng. Ngoài ra, thị trường sẽ tiếp tục theo dõi căng thẳng giữa Mỹ và Iran - vấn đề đặt ra nguy cơ đối với việc sản xuất và vận chuyển dầu ở Trung Đông, "giếng dầu" của thế giới.

Theo đánh giá của ông Rob Thummel trong cuộc trao đổi với trang MarketWatch, nhà quản lý danh mục thuộc công ty đầu tư Tortoise, "mức độ kéo dài của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung là nhân tố quan trọng nhất để OPEC+ quyết định sản lượng. Kết quả cuộc gặp Mỹ-Trung vào cuối tuần này sẽ chi phối cuộc họp của OPEC+".

Trong 6 tháng đầu năm, OPEC+ đã thực thi thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu. Trong cuộc họp tuần tới, nhóm sẽ quyết định có gia hạn thỏa thuận đến hết năm hay không.

"Thị trường tin là OPEC+ sẽ gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng, nhưng vấn đề là thỏa thuận sẽ được thực thi như thế nào trên thực tế, và cốt lõi sẽ là mức cắt giảm của Saudi Arabia và Nga", nhà phân tích Kim Kwang-rae thuộc Samsung Futures nhận định với hãng tin CNBC.

Chốt phiên ngày thứ Sáu tại New York, giá dầu thô WTI giao tháng 8 giảm 0,96 USD/thùng, tương đương giảm 16%, còn 58,47 USD/thùng. Tính cả tháng 6, giá dầu WTI tăng 9,3%.

Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 8 giữ nguyên ở mức 66,55 USD/thùng, cao nhất trong khoảng 1 tháng. Trong tháng 6, giá dầu Brent tăng khoảng 3,2%.

Ngoài kỳ vọng Mỹ-Trung có thể xuống thang chiến tranh thương mại, giá dầu trong tháng 6 còn được hỗ trợ bởi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm cắt giảm lãi suất, có thể ngay trong tháng 7, để duy trì tăng trưởng kinh tế. Giá các tài sản cả an toàn và rủi ro trên toàn cầu đã tăng bùng nổ sau cuộc họp ngày 18-19/6 của FED.

Một nhân tố gây cản trở đà tăng của giá dầu là sản lượng dầu tiếp tục lập kỷ lục của Mỹ. Theo một báo cáo ngày thứ Sáu của Chính phủ Mỹ, sản lượng dầu thô tháng 4 của nước này lập kỷ lục mới, vượt ngưỡng 12 triệu thùng/ngày. Mức tăng sản lượng này diễn ra cho dù số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ đã giảm 11% trong năm nay.

Một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters có sự tham gia của 42 chuyên gia kinh tế và nhà phân tích dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức bình quân 67,59 USD/thùng trong năm 2019, giảm so với mức dự báo 68,84 USD/thùng đưa ra trong cuộc khảo sát hồi tháng 5.