Giá dầu tăng mạnh sau vụ tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh
Giá dầu thế giới có lúc tăng 4% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, sau vụ tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu ngoài khơi Iran
Giá dầu thế giới có lúc tăng 4% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, sau vụ tấn công nhằm vào hai tàu chở dầu ngoài khơi Iran. Vụ tấn công một lần nữa làm dấy lên nỗi lo về xung đột ở khu vực Trung Đông, sau loạt vụ tấn công tương tự xảy ra vào tháng trước.
Hãng tin CNBC dẫn nguồn thạo tin cho biết hai con tàu chở dầu đã bị hư hại nặng trong vụ tấn công xảy ra trên Vịnh Oman, gần eo biển Hormuz - tuyến vận chuyển dầu bận rộn nhất thế giới. Toàn bộ thủy thủ đoàn của hai con tàu đã được sơ tán an toàn.
Hiện chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm, nhưng vụ tấn công xảy ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Trung Đông giữa Mỹ và Iran. Lãnh đạo Iran gần đây đã liên tục đe dọa chặn eo Hormuz để trả đũa việc Mỹ áp các biện pháp trừng phạt lên nước này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington cho rằng Iran phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công. Tháng trước, khi hai vụ tấn công tàu chở dầu cũng xảy ra ở vùng biển gần Iran, và Mỹ cũng cáo buộc Tehran đứng sau.
Tuy nhiên, giá dầu không giữ được mức cao cho tới cuối phiên do tiếp tục chịu sức ép giảm từ mối lo chiến tranh thương mại làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy yếu.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 1,14 USD/thùng, tương đương tăng 2,2%, chốt ở 53,45 USD/thùng.
Tại thị trường London, giá dầu thô Brent tăng 1,34 USD/thùng, tương đương tăng 2,2%, đạt 61,31 USD/thùng.
Trong phiên, có lúc giá dầu WTI đạt 53,45 USD/thùng và giá dầu Brent đạt 62,64 USD/thùng.
Vào đầu phiên, giá cả hai loại dầu cùng trượt xuống đáy mới của 5 tháng, nối tiếp đà giảm mạnh của phiên ngày thứ Tư do lo ngại xung đột thương mại Mỹ-Trung sẽ khiến kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, làm nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng yếu đi.
Hôm thứ Tư, giá dầu giảm 4% do nỗi lo thiếu cầu cộng thêm dữ liệu cho thấy lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng mạnh.
Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) ngày thứ Năm đã cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu 2019. Sản lượng dầu của nhóm gồm 14 quốc gia thành viên này đang ở mức thấp nhất 5 năm, trong khi sản lượng dầu của Mỹ vẫn đang lập những đỉnh cao mới.
Vụ tấn công tàu chở dầu trên Vịnh Oman đã làm dấy lên mối lo địa chính trị tưởng như đã tạm lắng trong mấy tuần gần đây.
Iran hiện đang tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một chuyến thăm 2 ngày nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Tehran và Washington. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif lên tiếng bác bỏ những nghi ngờ cho rằng Tehran đứng sau vụ tấn công. Hãng thông tấn Iran IRNA cho biết hải quân nước này đang tiến hành điều tra vụ việc.
Mối quan hệ giữa Iran với Mỹ xấu đi nhiều kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran - thỏa thuận ký kết vào năm 2015 giữa Iran với các cường quốc nước ngoài dẫn đầu là Mỹ thời chính quyền Tổng thống Barack Obama. Theo thỏa thuận này, Iran sẽ hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc được nới lệnh trừng phạt kinh tế.
Sau khi rút khỏi thỏa thuận, ông Trump đã tái áp trừng phạt lên Iran, khiến xuất khẩu dầu của nước này đến nay đã giảm hơn 1 triệu thùng mỗi ngày. Mục tiêu của ông Trump là khiến xuất khẩu dầu của Iran giảm về 0, bóp nghẹt nền kinh tế nước này để buộc Tehran phải đi đến một thỏa thuận hạt nhân có lợi hơn cho Mỹ.
Về phần mình, Iran dọa sẽ xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân và quay trở lại hoạt động làm giàu uranium ở mức độ cao.