Giá dầu tăng vọt gần 4% nhờ lạc quan về nhu cầu
Giá dầu thế giới tăng gần 4% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (24/5) nhờ triển vọng nhu cầu khởi sắc
Giá dầu thế giới tăng gần 4% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (24/5) nhờ triển vọng nhu cầu sáng lên.
Chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid diễn ra gấp rút ở Mỹ và châu Âu khiến các nhà đầu tư tin rằng thị trường đủ khả năng hấp thụ nguồn cung dầu tăng thêm từ Iran một khi phương Tây dỡ lệnh trừng phạt đối với Tehran.
Ngoài ra, số ca tử vong vì Covid ở Ấn Độ giảm xuống cũng làm dấy lên hy vọng nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ khởi sắc thêm trong những tuần tới.
Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 2,02 USD/thùng, tương đương tăng 3%, đạt 68,46 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng 2,47 USD/thùng, tương đương tăng 3,9%, đạt 66,05 USD/thùng.
Giá dầu nhận được một cú huých khi giới đầu tư cho rằng khả năng sớm đạt một thoả thuận hạt nhân mới giữa Iran với các cường quốc đã giảm so với tuần trước – theo ông Bob Yawger, Giám đốc phụ trách mảng thị trường năng lượng giao sau của Mizuho ở New York.
“Iran và các cường quốc phương Tây đang gặp khó trong việc đi đến những chi tiết để thoả thuận có thể được ký kết và thực thi”, ông Yawger nói với hãng tin Reuters.
Iran và cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hiệp quốc sẽ gia hạn 1 tháng đối với một thoả thuận giám sát vừa hết hạn gần đây – hai bên cho biết ngày 24/5. Động thái này giúp tránh được nguy cơ cuộc đàm phán khôi phục thoả thuận hạt nhân 2015 rơi vào khủng hoảng.
Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump rút Mỹ khỏi thoả thuận hạt nhân Iran 2015 vì cho rằng đây là một thoả thuận tồi, theo đó tái áp các biện pháp trừng phạt kinh tế lên Tehran. Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Joe Biden đã nối lại đàm phán để khôi phục thoả thuận này. Nếu thoả thuận được khôi phục, Mỹ sẽ dỡ lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran, mở đường cho dầu xuất khẩu của nước này trở lại thị trường quốc tế.
Triển vọng này đặt ra áp lực giảm giá dầu thời gian gần đây. Tuy nhiên, chuyên gia Stephen Brennock của PVM Oil cho rằng cho dù xuất khẩu dầu từ Iran ra thị trường thế giới có tăng mạnh, thì điều đó cũng khó đảo ngược được xu hướng giảm của lượng dầu tồn kho trên toàn cầu.
“Nguồn cung dầu tăng từ Iran sẽ được thị trường hấp thụ, khi nhu cầu tăng mạnh trong những tháng tới nhờ chiến dịch tiêm chủng”, ông Brennock nói.
Trong một báo cáo, ngân hàng Goldman Sachs nói rằng triển vọng tăng giá dầu không hề bị ảnh hưởng bởi khả năng Iran được dỡ trừng phạt. Kịch bản chính của Goldman Sachs vẫn là giá dầu Brent có thể đạt mức 80 USD/thùng trong quý 4 năm nay.
“Cho dù xuất khẩu dầu của Iran có trở lại trong tháng 7, thì chúng tôi vẫn dự báo giá dầu Brent đạt 80 USD/thùng trong quý 4/2021”, báo cáo viết.