Giá điện thị trường cạnh tranh có thể tăng 17,16% năm 2022, cổ phiếu điện nào tiềm năng?
Giá điện trên thị trường cạnh tranh có thể tăng 17,16% trong năm 2022. Giá điện thị trường cạnh tranh tăng có thể phần nào hấp thụ mức tăng của chi phí nhiên liệu đầu vào. Trong đó nhóm điện than đang có nhiều lợi thế hơn điện khí...
SSI Research mới đây đã có báo cáo cập nhật triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp nhiệt điện năm 2022 trong đó kỳ vọng tiêu thụ điện sẽ tăng trưởng tốt hơn ở mức 9,2% trong năm tới đây.
Trong đó, thuỷ điện nhiều khả năng kém thuận lợi với mức tăng trưởng giảm 17% còn điện than kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn với mức 19%, điện khí kỳ vọng hồi phục nhưng ở mức kém hơn khoảng 10%.
Cụ thể, giá khí vẫn duy trì ở mức cao năm 2022. Giả định giá FO năm 2022 ở mức 375 USD/tấn giảm 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng giá khí bán cho các công ty điện khí như NT2 có thể vẫn tăng 4% do tỷ trọng từ mỏ khí giá cao như Sao Vàng Đại Nguyệt cao hơn. Các mỏ khí giá rẻ dần cạn kiệt. Giá khí vẫn duy trì mức cao sẽ làm nhóm điện khí kém cạnh tranh so với nhóm điện than vì khi đó EVN/A0 sẽ ưu tiên huy động nguồn có chi phí thấp hơn là điện than.
Giá than nhiệt trong nước ước tính cũng tăng trong năm 2022. Sản lượng than nhập khẩu chiếm khoảng 20%-25% sản lượng than cung cấp cho các nhà máy điện than hàng năm. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu than từ Australia & Indonesia với tỷ trọng chiếm hơn 80% sản lượng than nhập khẩu. Từ đầu năm 2021- nay, trung bình giá than của Australia & Indonesia đã tăng 151% và 103%.
Do vậy giá than nhiệt trong nước có khả năng sẽ tăng trong năm 2022 khi huy động sản lượng điện than tăng. Giả định mức tăng khoảng 15% trong kịch bản cơ sở. Nếu giá than tăng 20% đi nữa thì giá bán của nhóm công ty điện than (1.300 - 1.500 đồng) vẫn thấp hơn nhiều so với nhóm điện khí (1.800 - 2.000 đồng). Khi tiêu thụ hồi phục năm 2022, sản lượng của nhóm công ty điện than sẽ tăng trưởng tốt hơn nhóm điện khí.
Với các giả định về giá khí & giá than trong kịch bản cơ sở, SSI Research kỳ vọng giá điện trên thị trường cạnh tranh sẽ tăng khoảng 17,16% trong năm 2022. Mức tăng này phản ứng mức tăng về giá khí tăng 4,2% và giá than tăng 15% trong năm 2022. Giá điện thị trường cạnh tranh tăng có thể phần nào hấp thụ mức tăng của chi phí nhiên liệu đầu vào.
Trên cơ sở đó, SSI Research cho rằng QTP xứng đáng với giá mục tiêu là 23.300 đồng/cổ phiếu, 36% ROI) và HND giá mục tiêu 20.300 đồng/cp, 13,4% ROI, là hai cổ phiếu tiềm năng với lợi nhuận 2022 hồi phục tốt và lần lượt đạt 782 tỷ đồng tăng 27,6% và 577 tỷ đồng tăng 25,2% so với năm 2021.
Ngoài ra, NT2 giá mục tiêu 29.600 đồng/cổ phiếu cũng là cổ phiếu phòng thủ khi công ty này đã trả hết nợ và do đó không còn áp lực chi phí lãi vay, rủi ro tỷ giá và dòng tiền trả cổ tức ổn định hơn.
Tuy nhiên, rủi ro cần lưu ý là mức tăng trưởng của giá trên thị trường cạnh tranh có thể không như kỳ vọng nếu tiêu thụ điện kém do tình hình covid chuyển biến bất thường. Ngoài ra khi tiêu thụ điện không như kỳ vọng có thể ảnh hưởng đến các giả định về sản lượng điện thương phẩm, sản lượng theo hợp đồng Qc và sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ước tính trong bối cảnh giá khí & giá than ở mức cao.
Tình hình thủy văn nhiều khả năng kém thuận lợi trong năm 2022 và sẽ làm tăng nhu cầu tiêu thụ nhiệt điện. Tuy nhiên sẽ có sự khác biệt về tăng trưởng lợi nhuận giữa nhóm công ty điện than & công ty điện khí. Chúng tôi ước tính mức tăng trưởng lợi nhuận của nhóm điện than sẽ tốt hơn và lợi nhuận nhóm điện khí ước tính đi ngang trong 2022.