Giá giảm hơn 45%, VIC sắp phát hành gần 10 triệu cổ phiếu ESOP giá 10.000 đồng/cổ phiếu
Thời điểm dự kiến thực hiện trong quý 4 năm nay, sau khi được Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.
Tập đoàn Vingroup - Công ty Cổ phần (mã VIC-HOSE) thông báo Nghị quyết HĐQT thông qua và phê duyệt Bộ hồ sơ phát hành ESOP.
Theo đó, số lượng dự kiến phát hành là 9,876 triệu cổ phiếu, với giá bán 10.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ phát hành tương đương 0,26% tổng số cổ phần Vingroup đang lưu hành.
Thời điểm dự kiến thực hiện trong quý 4 năm nay, sau khi được Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.
Trước đó, ngày 4/8, Chủ tịch HĐQT Vingroup đã thay mặt HĐQT ban hành Quyết định về việc tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) và ngày 25/8 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham gia lấy ý kiến. Thời gian lấy ý kiến cũng diễn ra trong tháng 8/2023.
Tại thời điểm đó, giá cổ phiếu VIC đang giao dịch đầy khởi sắc và chốt phiên ngày 16/8 thì giá cổ phiếu này đạt 75.600 đồng/cổ phiếu và cao nhất trong 52 tuần.
Tuy nhiên ngay sau đó, giá cổ phiếu này bắt đầu đổ đèo và chốt phiên ngày 26/10 thì giảm 6,94% chỉ còn 41.600 đồng/cp và giảm gần 45% từ giữa tháng 8 đến nay.
Mới đây, VIC công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2023 với doanh thu đạt 134 nghìn tỷ đồng, tăng 122% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích CĐTS đạt 2,2 nghìn tỷ đồng, giảm 67% so với cùng kỳ, lần lượt hoàn thành 83% và 56% dự báo cả năm của Công ty Cổ phần Chứng khoán VietCap (VCSC).
VCSC cho biết kết quả kinh doanh của mảng bán bất động sản và khoản thu nhập khác trong quý 3/2023 (từ khoản tài trợ 7 nghìn tỷ đồng của Chủ tịch HĐQT cho VinFast (Nasdaq: VFS) đã vượt dự báo của VCSC, trong khi hiệu quả hoạt động của các mảng kinh doanh khác nhìn chung phù hợp với kỳ vọng của VCSC.
Đáng chú ý, VIC đã huy động được khoảng 52 nghìn tỷ đồng trong năm nay (tính đến ngày 24/10), bao gồm: 239 triệu USD VFS thu được từ SPAC và khoản đầu tư từ nhà đầu tư chiến lược Gotion Inc., khoản tài trợ từ Chủ tịch HĐQT (7 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023), kênh trái phiếu (11,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu trong nước được phát hành) và các khoản vay ngân hàng.
Tính đến cuối quý 3/2023, tổng nợ vay của VIC là 193 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ vay bằng USD chiếm 44,2%. Khoản lỗ tỷ giá chưa thực hiện trong 9 tháng đầu năm 2023 là 2,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 23% LNTT trong 9 tháng đầu năm 2023 của VIC.
Cũng tính đến cuối quý 3/2023, tổng các khoản nợ vay đáo hạn trong vòng 12 tháng của VIC bao gồm: khoản vay hạn mức tín dụng 32,5 nghìn tỷ đồng và trái phiếu doanh nghiệp và các khoản vay khác lên tới 62,7 nghìn tỷ đồng (trong đó 35% đã đạt thỏa thuận tái cấp vốn và 30% đang thảo luận để tái cấp vốn, theo ban lãnh đạo).
VCSC cho biết, nếu không tính VHM và VRE, các khoản nợ vay và trái phiếu dài hạn đáo hạn trong vòng 12 tháng của VIC tính đến cuối quý 3/2023 là 54,8 nghìn tỷ đồng, trong đó trái phiếu doanh nghiệp là 46,1 nghìn tỷ đồng (bao gồm tổng cộng 1,55 tỷ USD từ 3 trái phiếu hoán đổi, nhà đầu tư có quyền yêu cầu bán lại trong 12 tháng tới cùng với quyền chuyển đổi thành cổ phiếu niêm yết) và các khoản vay hợp vốn là 8,0 nghìn tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo, VIC tiếp tục tìm kiếm các phương án huy động vốn khác nhau trong vòng 6 tháng tới, bao gồm: Một là, các đợt chào bán trái phiếu ra công chúng tiếp theo,
Hai là, kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế trước cuối quý 2/2024 và ba là, tài trợ của Chủ tịch HĐQT (bao gồm số tiền thu được ròng dự kiến từ đợt bán cổ phiếu VFS sắp tới).