VIC, VNM kéo giá phút chót, VN-Index “thoát hiểm”
Việc thiếu vắng dòng tiền ở nhóm cổ phiếu blue-chips khiến thị trường trở nên phập phù. Chiều nay xu hướng tụt giá là chủ đạo, VN-Index mất lực đỡ đã liên tục đánh võng quanh tham chiếu, đến cuối đợt khớp lệnh liên tục đã đỏ. May mắn là phiên ATC xuất hiện cầu kéo ở vài mã lớn, nổi bật là VIC và VNM, giúp chỉ số tăng 1,1 điểm so với tham chiếu...
Việc thiếu vắng dòng tiền ở nhóm cổ phiếu blue-chips khiến thị trường trở nên phập phù. Chiều nay xu hướng tụt giá là chủ đạo, VN-Index mất lực đỡ đã liên tục đánh võng quanh tham chiếu, đến cuối đợt khớp lệnh liên tục đã đỏ. May mắn là phiên ATC xuất hiện cầu kéo ở vài mã lớn, nổi bật là VIC và VNM, giúp chỉ số tăng 1,1 điểm so với tham chiếu.
VN30-Index đóng cửa cũng tăng được 0,07% nhưng trong phiên chiều chỉ số này yếu hơn hẳn buổi sáng và cũng đã đỏ trong suốt nửa sau của phiên. Điều này phù hợp với mặt bằng giá nhóm blue-chips thấp hơn đáng kể: So với giá chốt phiên sáng, tới 22/30 mã thấp hơn và chỉ 6 mã là cao hơn.
Tuy nhiên với các chỉ số, yếu tố mang tính quyết định là giá của các mã trụ. VIC đến phút cuối đợt liên tục đang giảm 0,32% so với tham chiếu, nhưng ATC được hơn 675 ngàn cổ mua vào kéo vọt lên thành tăng 0,11%. VNM là trụ mạnh nhất và ổn định nhất, tăng gần như trọn phiên nhưng chiều nay cũng đã có một nhịp trượt khoảng 1% so với đỉnh, trước khi được cầu kéo vọt trở lại trong phiên ATC, tăng chung cuộc 1,89% so với tham chiếu. Nếu tính riêng ATC thì giá VNM tăng 0,93%. CTG cũng có cú nhảy tăng tới 1,01% ở đợt cuối, co hẹp mức giảm còn -0,33%.
Trong top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của VN-Index, chỉ duy nhất VNM là tăng đáng kể. Các trụ VHM, VIC, VPB, FPT đều tăng rất kém, trong khi VCB giảm 1,14%, BID giảm 0,9%, GAS giảm 1,54% ảnh hưởng nặng nề. Điểm may mắn là khả năng co kéo lẫn nhau cũng san bằng được tác động vốn hóa, giúp các chỉ số đứng vững. Trong bối cảnh dòng tiền quá kém thì thị trường không giảm đã là một tín hiệu tốt.
Dòng tiền vào rổ VN30 chiều nay chỉ đạt 2.045 tỷ đồng dù đã là tăng tới 28% so với phiên sáng. Gần 62% lượng thanh khoản này tập trung vào 8 mã (những cổ phiếu khớp chiều nay trên 100 tỷ đồng) là CTG, HPG, MSN, MWG, SSI, STB, VIC và VPB. Trong số 8 mã này, duy nhất VPB chiều nay có giá tăng so với phiên sáng. Cổ phiếu này vượt lên 0,93% so với giá chốt cuối phiên sáng và đóng cửa tăng 0,46% so với tham chiếu, tức là đảo chiều thành công. VPB thanh khoản gần 175,3 tỷ đồng chiều nay, gấp 2,5 lần giao dịch buổi sáng. Các cổ phiếu khác không được tốt như vậy, CTG giao dịch 134,2 tỷ đồng phiên chiều, tăng 5,5 lần so với phiên sáng nhưng giá lại yếu hơn tới gần 1% và đóng cửa giảm 0,33% so với tham chiếu, tức là từ xanh thành đỏ. MWG cũng thanh khoản 138,3 tỷ đồng buổi chiều nhưng giá sập xuống tới 1,14% so với phiên sáng và giảm 1,33% so với tham chiếu.
Với số lớn cổ phiếu trong rổ VN30 tụt giá so với phiên sáng (22 mã giảm xuống thấp hơn), thanh khoản tăng nhẹ trong nhóm này cho thấy rủi ro nếu dòng tiền đỡ suy yếu. Mặc dù độ rộng cuối phiên vẫn còn 16 mã tăng/12 mã giảm, nhưng lượng bán đã gây áp lực ở vùng giá trên tham chiếu. Lực bán này chưa ép giá xuống vùng đỏ chỉ là yếu tố mang tính thời điểm.
Nhìn rộng hơn toàn sàn HoSE, mặt bằng giá cổ phiếu cũng có dấu hiệu tụt xuống. Thời điểm cuối phiên sáng sàn này có 137 mã tăng trên 1% so với tham chiếu thì đóng cửa chỉ còn 118 mã. Thay đổi là không nhiều, nhưng rất hiếm cổ phiếu chốt phiên giữ được giá cao nhất. BAF, ANV, VNM, GVR, DRP, SBT là các mã hiếm hoi trong số này không bị tụt giá và có thanh khoản chấp nhận được ở mức 10 tỷ đồng trở lên.
Áp lực bán trên vùng giá xanh thể hiện rõ rệt ở nhiều cổ phiếu có giao dịch nổi trội. VIX đóng cửa tăng 1,59% với thanh khoản rất tốt 490 tỷ đồng thì cũng đã bị tụt giá hơn 3% chỉ trong phiên. Cổ phiếu này tăng đạt đỉnh lúc 1h08 phút chiều và toàn thời gian còn lại là trượt dốc. MSN cuối ngày còn tăng 1,44%, thanh khoản gần 211 tỷ đồng và cũng đã trượt dốc 1,65% trong phiên. HAH chốt tăng 1,16% giao dịch 191 tỷ, giá lao dốc tới 3,32% suốt từ 10h đến hết phiên… VCI, HHV, DCM, IDI, LCG, VHC, BCG, VOS… toàn các mã rất khỏe hôm nay nhưng cũng đã trượt dốc đáng kể.
Tính chung cả phiên hai sàn niêm yết sụt giảm 16% so với phiên trước, chỉ đạt gần 11.335 tỷ đồng khớp lệnh. Tổng hợp 3 sàn bao gồm cả thỏa thuận, giao dịch giảm 16% còn 13.622 tỷ đồng, kém nhất kể từ giữa tháng 5/2023. Độ rộng sàn HoSE cuối phiên khá tốt với 280 mã tăng/201 mã giảm. Thanh khoản sụt giảm mà giá không quá yếu là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên đây là trong tình huống bên bán cũng giảm áp lực. Nếu bên bán tăng cường độ giao dịch ngắn hạn, sức ép sẽ mạnh thêm và lực cầu hiện tại khó nâng đỡ được giá.