Giá giảm, nhiều quỹ ngoại không còn là cổ đông lớn của CII
Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII-HOSE) vừa báo cáo thay đổi về sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan không còn là cổ đông lớn của CII...
Theo đó, Amersham Industries Limited, nhóm quỹ liên quan Dragon Capital bán ra 429.000 cổ phiếu CII và giảm tỷ lệ sở hữu từ 12,4 triệu cổ phiếu, chiếm 5,18% về còn 11,94 triệu cổ phiếu, chiếm 4,999% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 8/6. Như vậy, sau giao dịch nhóm Dragon Capital không còn là cổ đông lớn tại CII.
Trước đó, nhóm Dragon Capital liên tục bán ra cổ phiếu CII. Cụ thể, ngày 9/4 bán ra 610.800 cổ phiếu, ngày 19/4 bán 2.273.000 cổ phiếu, ngày 22/4 bán ra 289.900 cổ phiếu, ngày 13/5 bán ra 1.450.000 cổ phiếu, ngày 21/5 bán ra 400.000 cổ phiếu và ngày 2/6 bán ra 931.300 cổ phiếu.
Ngoài ra, nhóm quỹ liên quan tới Korea Investment Management Co., Ltd cũng vừa bán ra 500.000 cổ phiếu CII để giảm sở hữu từ 5,02% về còn 4,81% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 26/5. Như vậy, sau giao dịch nhóm quỹ đến từ Hàn Quốc cũng không còn là cổ đông lớn tại CII.
Bên cạnh đó, đáng lưu ý là ông Lê Vũ Hoàng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị tại CII đã bán thành công 1,7 triệu cổ phiếu CII từ ngày 8 - 9/4. Sau giao dịch, ông Hoàng đã giảm sở hữu tại CII xuống còn 793.186 cổ phiếu, tỷ lệ 0,33%.
Mới đây, VCSC vừa duy trì khuyến nghị "mua" cho cổ phiếu CII và giảm giá mục tiêu thêm 1,2% còn 25.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng là 32,2%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,9%.
Theo VCSC, giá mục tiêu thấp hơn của VCSC chủ yếu phản ánh giả định thời gian bắt đầu thu phí kéo dài của chúng tôi đối với dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận của CII thêm 5 tháng đến ngày 01/12/2021 và điều chỉnh trong giả định của chúng tôi đối với khung thời gian thực hiện kế hoạch chuyển nhượng cổ phần tại các dự án bất động sản lớn của CII tại Quận 2, TP.HCM, từ 2021-2023 trước đây sang 2022-2024.
Mức giảm trong giá mục tiêu một phần được bù đắp bởi giả định của chúng tôi cho rằng CII sẽ tăng tốc bàn giao các dự án bất động sản, cập nhật mô hình giá mục tiêu đến giữa năm 2022 và tỷ lệ WACC thấp hơn 0,1 điểm phần trăm.
Tương ứng với các dự báo điều chỉnh của chúng tôi đối với dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và giao dịch chuyển nhượng cổ phần, chúng tôi giảm dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2021/2022 thêm 9%/54%, trong khi nâng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2023/2024 thêm 13%/17%.
VCSC dự báo doanh thu năm 2021 đạt 6,5 nghìn tỷ đồng (+21% YoY) và lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 378 tỷ đồng (+49% YoY) và lợi nhuận tích cực dự kiến chủ yếu đến từ các mảng kinh doanh cốt lõi của CII, bao gồm cả mảng thu phí và mảng bất động sản.
Đối với năm 2022, VCSC dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số đạt 532 tỷ đồng (+41% YoY), chủ yếu nhờ đóng góp cả năm từ dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận và khoản lãi tài chính từ việc chuyển nhượng cổ phần tại dự án Riverfront.
Bên cạnh đó, VCSC kỳ vọng dòng tiền mạnh mẽ từ các dự án BOT lớn của CII, sẽ cải thiện tình hình tài chính của công ty. Trong khi đó, các dự án bất động sản nhà ở của CII tại TP.HCM sẽ là động lực thúc đẩy lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong trung hạn do các trở ngại pháp lý dự kiến sẽ giảm. Đồng thời, rủi ro đối với CII là trì hoãn dự án; tiếp tục trì hoãn việc chi trả cổ tức nhằm hỗ trợ quỹ đầu tư.
Trên thị trường chứng khoán, sau khi đạt mốc cao nhất trong 1 năm qua là 26.000 đồng/cổ phiếu (chốt phiên ngày 1/4), thì chốt phiên giao dịch ngày 8/6, giá cổ phiếu CII giảm thêm 650 đồng về còn 19.000 đồng/cổ phiếu.