15:19 26/10/2023

Giá khởi điểm của băng tần 2500-2600 MHz là phù hợp cho các nhà mạng

Thủy Diệu

Lãnh đạo một số nhà mạng chia sẻ với VnEconomy rằng giá khởi điểm 3.983 tỷ đồng của khối băng tần 2500-2600 MHz là phù hợp để các nhà mạng tham gia…

Sau hai năm kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần 2500-2600MHz, doanh nghiệp phải cam kết triển khai tối thiểu 3000 trạm phát sóng 5G sử dụng băng tần 2500-2600 MHz - Ảnh minh họa.
Sau hai năm kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần 2500-2600MHz, doanh nghiệp phải cam kết triển khai tối thiểu 3000 trạm phát sóng 5G sử dụng băng tần 2500-2600 MHz - Ảnh minh họa.

Ngày 25/10, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quyết định số 2041/QĐ-BTTTT phê duyệt Phương án tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với băng tần 2500-2600 MHz cho hệ thống thông tin di động mặt đất.

Theo đó, giá khởi điểm đấu giá băng tần 2500-2600 MHz cho các doanh nghiệp được xác định theo quy định tại Điều 18 Nghị định 63/2023/NĐ-CP. Cụ thể, giá khởi điểm của khối băng tần 2500-2600 MHz cho 15 năm sử dụng là 3.983.818.500.000 đồng. Tiền đặt trước áp dụng tại cuộc đấu giá cho khối băng tần 2500-2600 MHz là 200 tỷ đồng (lần tổ chức đấu giá trước, doanh nghiệp đấu giá phải đặt trước 580 tỷ đồng). Việc thu nộp, xử lý tiền đặt trước được thực hiện theo quy định tại Điều 39 Luật Đấu giá tài sản.

 
Sau hai năm kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần 2500-2600MHz, doanh nghiệp phải cam kết triển khai tối thiểu 3000 trạm phát sóng 5G sử dụng băng tần 2500-2600 MHz; cam kết chính thức cung cấp dịch vụ viễn thông di động mặt đất sử dụng băng tần 2500-2600 MHz muộn nhất 12 tháng kể từ ngày được cấp phép sử dụng băng tần 2500-2600 MHz.
Quy định tại Quyết định số 2041/QĐ-BTTTT.

Với mức giá khởi điểm của khối băng tần 2500-2600 MHz, sáng 26/10, lãnh đạo một số nhà mạng chia sẻ với VnEconomy rằng đây là mức giá phù hợp để các nhà mạng tham giá đấu giá. Theo các vị này, mức giá trước đó được xây dựng, tính toán chưa thực sự phù hợp lắm với thực tế của doanh nghiệp.

Thực tế, thời điểm tháng 5 và tháng 6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đấu giá băng tần 2300MHz, gồm 3 khối băng tần A1(2300-2330 MHz), A2 (2330-2360 MHz), A3 (2360-2390 MHz), theo đó mỗi khối băng tần có giá khởi điểm 5.798 tỷ đồng và thời hạn sử dụng 15 năm. Tuy nhiên, đến hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá của từng khối A1, A2, A3, không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước đăng ký tham gia đấu giá. Điều đó cũng có nghĩa các cuộc đấu giá quyền sử dụng tần số đối với các khối băng tần A1, A2, A3 là không thành.

Tại đối thoại “Phát triển mạng 5G Make in Vietnam và cơ hội thúc đẩy thương mại hóa 5G” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức cuối tháng 8/2023, ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến- Điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho rằng việc không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước là điều đáng tiếc nhưng hoàn toàn hợp lý.

Theo ông Hoan, mục tiêu đầu tiên của việc đấu giá băng tần là minh bạch hóa việc cấp phép. Khối lượng băng tần có hạn, trong khi đó có nhiều doanh nghiệp tham gia nên rất khó để lựa chọn cấp cho doanh nghiệp nào và không cấp cho doanh nghiệp nào. Chính yêu cầu minh bạch hóa đòi hỏi phải đấu giá băng tần.

“Giá trị của tần số không chỉ thu qua đấu giá hoặc phí mà còn nằm ở giá trị mang lại khi sử dụng trong tất cả các ngành kinh tế, giá trị dịch vụ, thuế giá trị gia tăng… Điều quan trọng hơn là lợi ích mang lại cho các đối tượng sử dụng các dịch vụ có băng tần”, ông Hoan phân tích và cho rằng quy định về giá băng tần hơi cao, nên khi tổ chức đấu giá, các nhà mạng Việt Nam không nộp hồ sơ và nộp tiền đặt trước đăng ký tham gia.

Giá khởi điểm của băng tần 2500-2600 MHz là phù hợp cho các nhà mạng - Ảnh 1

Đối với mức giá khởi điểm giá khởi điểm 3.983 tỷ đồng của khối băng tần 2500-2600 MHz như quyết định số số 2041/QĐ-BTTTT vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, lãnh đạo một số nhà mạng cho biết sẽ thực hiện tham gia đấu giá theo đúng quy định, nguyên tắc và thời gian đấu giá mà Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra.

Trước đó, đầu tháng 9/2023, chia sẻ về kế hoạch đấu giá các băng tần và triển khai thương mại hóa mạng 5G, đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết cơ quan quản lý đã xây dựng phương án tổ chức đấu giá để chuẩn bị cho việc tổ chức đấu giá các băng tần cho mạng 4G/5G vào tháng 11/2023. Sau khi đấu giá các băng tần cho 4G/5G, các doanh nghiệp trúng đấu giá sẽ được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép sử dụng băng tần để triển khai mạng 5G thương mại.

Với lộ trình và những tín hiệu tích cực trên, dự kiến cuối năm 2023 tần số thương mại 5G sẽ được cấp và các doanh nghiệp đủ điều kiện sẽ triển khai thương mại chính thức trong năm 2024 như kế hoạch mà Bộ Thông tin và Truyền thông đặt ra.