21:12 18/01/2010

Giá nhà ở xã hội: “Chúng ta cũng phải thực tế!”

Từ Nguyên

Chương trình nhà ở xã hội từng được kỳ vọng sẽ tạo nên một cuộc cách mạng về nhà ở cho những người thu nhập thấp

Khởi công một dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị Việt Hưng, Hà Nội.
Khởi công một dự án nhà ở xã hội tại Khu đô thị Việt Hưng, Hà Nội.
Chương trình nhà ở xã hội từng được kỳ vọng sẽ tạo nên một cuộc cách mạng về nhà ở cho những người thu nhập thấp.

Tuy nhiên, sau gần một năm kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về chương trình này, đến nay, chưa kể đến những vấn đề về hồ sơ thủ tục, tiêu cực trong xét duyệt... người lao động đang phải đối diện với một thực tế là giá nhà ở xã hội vẫn quá cao so với khả năng chi trả của họ.

Thừa nhận "vẫn biết là như vậy" trong cuộc trò chuyện với VnEconomy, song Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Nguyễn Mạnh Hà cũng cho rằng, chúng ta không thể ép doanh nghiệp bán thấp hơn giá thành họ đầu tư.

Ông Hà nói:

- Trong năm 2009, có rất nhiều doanh nghiệp đăng ký dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, tuy nhiên vì gặp khó khăn về hạ tầng, vốn...nên chỉ có 30 dự án được khởi công. Do đó, nhìn chung hiện nay cung về nhà ở thu nhập thấp vẫn quá ít so với cầu của người dân.

Năm nay, hy vọng số dự án được khởi công sẽ nhiều hơn. Hiện Bộ Xây dựng cũng đang phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam để đưa giải pháp về vốn cho các doanh nghiệp vay với tín dụng ưu đãi. Nếu kế hoạch này được phê duyệt, chắc chắn sẽ có nhiều dự án khởi công hơn trong năm nay.

“Không lo xin - cho”

Nhưng ngay cả khi có thêm các dự án thì cung về nhà ở cho người thu nhập vẫn chưa thể đáp ứng đủ cầu. Điều này có dẫn đến tình trạng “xin - cho”?

Chúng tôi đã có thông tư hướng dẫn việc xét duyệt. Cụ thể là vệc mua nhà ở thu nhập thấp chỉ có hai nơi được xác nhận đơn là cơ quan nơi cá nhân công tác và UBND phường, xã nơi người lao động tự do có thu nhập thấp sinh sống.

Hai cơ quan này phải có trách nhiệm phục vụ người dân, không được nhũng nhiễu dân vì căn cứ theo nhu cầu, thực tế hiện tại của hộ gia đình và ký xác nhận, chứ không lo ai phải xin ai, cho ai cái gì.

Trong việc xác nhận này cũng quy định rõ: ai là người ký xác nhận và xác nhận sai sẽ xử lý hành chính, thậm chí có thể truy tố hình sự.

Tuy nhiên, nếu bảo 100% không có tiêu cực thì rất khó cho nên phải tăng cường giám sát và hậu kiểm.

Thưa ông, những người khó khăn về nhà ở tại các đô thị lớn hiện nay lại chủ yếu là dân ngoại tỉnh, trong khi Bộ lại quy định hộ khẩu là một trong những điều kiện xét duyệt?

Thực tế, nhà ở thu nhập thấp là nguồn nhà ở do các địa phương xây dựng hoặc hỗ trợ xây dựng bằng ngân sách của địa phương nên tất nhiên là phải ưu tiên giải quyết trước cho đối tượng cư dân địa phương.

Ngay cả đối với người dân địa phương thì cũng phải ưu tiên cho đối tượng là cán bộ, công nhân viên chức đang phục vụ trong bộ máy của địa phương đó.

Bên cạnh đó, chủ trương của chúng ta là cũng không khuyến khích di dân cơ học, nên việc hạn chế về điều kiện bằng hộ khẩu cũng là nhằm đảm bảo chủ trương trên.

Không thể ép giá thấp hơn

Thưa ông, hiện điều mà người dân băn nhất là giá bán nhà ở cho người thu nhập vẫn quá cao so với mặt bằng thu nhập và khả năng chi trả. Điều đó đồng nghĩa với việc chương trình nhà ở xã hội đứng trước nguy cơ khó đạt được mục tiêu. Bộ sẽ có hình thức hỗ trợ như thế nào trong thời gian tới?

Thực tế nhà ở cho người thu nhập thấp là chúng ta đang bán thấp hơn giá thị trường, nhưng vẫn phải tính hết chi phí đầu tư của doanh nghiệp.

Nhà ở cho người thu nhập thấp do doanh nghiệp đầu tư, nên giá thành bán ra tối thiểu phải đủ thu vốn về. Bộ cũng không thể ép doanh nghiệp bán theo giá Bộ áp đặt được.

Chẳng hạn, doanh nghiệp đầu tư 5 triệu đồng/m2 thì không thể bắt họ bán với giá 4 triệu đồng được, vì giá thành của nhà ở phụ thuộc vào giá vật liệu, giá giải phóng mặt bằng, vốn vay ngân hàng…

Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ bằng cơ chế chính sách, suy cho cùng, đó cũng chính là tiền.

Ngoài ra, chủ trương là Nhà nước sẽ bỏ tiền để hỗ trợ những đối tượng nào khó khăn nhất, sẽ đầu tư những nhà cho thuê với giá thành thấp. Nhưng hiện với điều kiện kinh tế như thế này thì không thể đáp ứng được.

Chúng ta cũng phải thực tế! Nhà nước không thể bỏ tiền đầu tư nhà để bán rẻ cho xã hội, vì chúng ta đã xóa bỏ bao cấp lâu rồi. Không thể nói lương thấp nên buộc phải bán nhà thấp theo lương.

Được biết, hiện nhu cầu thuê nhà của người dân đang tăng mạnh, song nhiều doanh nghiệp lại không mặn mà với các dự án nhà cho thuê?

Đó cũng là điều dễ hiểu vì cho thuê thời gian thu hồi vốn sẽ lâu hơn, không khuyến khích được doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, nếu được vay vốn ưu đãi của Chính phủ, các dự án nhà cho thuê sẽ được tăng cường hơn. Riêng đối với nhà công nhân, người ta vẫn phải cho thuê, vì họ không nhiều tiền để mua.

Nhưng cũng tùy từng loại hình cụ thể. Ví dụ như nhà thu nhập thấp có thể tỷ trọng bán trả góp, thuê mua sẽ nhiều hơn. Còn nhà ở cho công nhân chỉ cho thuê nên tỷ trọng nhà cho thuê sẽ nhiều hơn.

Cộng đồng sẽ giám sát

Thưa ông, hiện Bộ giao việc hậu kiểm cho các sở xây dựng và chủ đầu tư dự án được giao trách nhiệm nhận đơn và chấm điểm liệu có khách quan?

Tất cả đều phải làm theo quy định. Hiện các sở xây dựng được giao quản lý nhà nước về nhà ở trên địa bàn và giám sát các đơn vị doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến việc mua bán nhà ở thu nhập thấp.

Còn chuyện giám sát là chuyện của cả cộng đồng xã hội, ví dụ đoàn thể, thanh tra, báo chí…chứ một mình sở xây dựng không thể giám sát hết được. Các tổ chức xã hội đều có chức năng giám sát trong việc mua bán nhà ở cho người thu nhập thấp.

Việc chủ đầu tư dự án được giao trách nhiệm nhận đơn và chấm điểm, chúng ta phải tin tưởng vì họ làm ra hàng hóa thì phải biết mình bán cho ai, có đúng đối tượng không. Theo tôi, quy định như vậy là khách quan.

Tuy nhiên, như tôi đã nói, nếu bảo không có tiêu cực thì cũng khó.

Vậy còn điều kiện thu nhập, làm sao để có con số chính xác, thưa ông?

Chúng ta cần nhớ rằng, đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội chính trước mắt sẽ tập trung vào cán bộ, công chức nhà nước. Đối tượng này sẽ căn cứ vào lương, nên sẽ không khó xác định.

Mặt khác, thu nhập cũng không phải là điều kiện duy nhất, song song với điều kiện thu nhập còn có điều kiện ở. Thực tế, có những người thu nhập khá nhưng vẫn không có nhà ở. Nhưng có những người thu nhập không cao nhưng vẫn có điều kiện ở tốt do họ được thừa kế.

Trên cơ sở ràng buộc hai điều kiện này lại, sẽ hạn chế được khá nhiều số đối tượng.