Gia tăng số vụ ngừng việc, chủ yếu liên quan đến tiền lương
Trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 107 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 19 cuộc so với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân chủ yếu do người lao động khó khăn, giảm thu nhập; các mặt hàng thiết yếu tăng cao, trong khi năm 2020, 2021 chưa điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng…
Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thời gian qua số vụ ngừng việc tập thể tiếp tục có xu hướng gia tăng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn cả nước xảy ra 107 cuộc ngừng việc tập thể, tăng 19 cuộc so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có một số cuộc ngừng việc kéo dài.
Nguyên nhân chủ yếu là do người lao động trải qua thời gian khó khăn, giảm sút tích lũy, thu nhập; các mặt hàng thiết yếu tăng cao, trong khi năm 2020, 2021 chưa điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng. Ngoài ra, một số cuộc ngừng việc tập thể do chậm chi trả chế độ hỗ trợ Covid-19 theo quy định của Chính phủ.
Theo Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ, quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động, lương tối thiểu tăng bình quân 6% từ ngày 1/7/2022. Đối với các nội dung đã thực hiện, trong đó có chế độ tiền lương trả cho người lao động làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu thì tiếp tục thực hiện, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác theo quy định của pháp luật lao động.
Tuy nhiên, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các cấp công đoàn phản ánh về việc một số doanh nghiệp dự kiến sẽ không tiếp tục thực hiện quy định mức lương thấp nhất tại doanh nghiệp cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đã qua học nghề, đào tạo nghề. Cơ quan này và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã kịp thời có văn bản đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo về việc giữ lại tiền lương cho lao động đã qua đào tạo.
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, các cấp công đoàn tiếp tục chú trọng thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, tập trung tuyên truyền tới người lao động, người sử dụng lao động đồng hành, chia sẻ khó khăn.
Liên quan đến tình trạng ngừng việc tập thể, hồi đầu năm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam từng đánh giá, tính chất, quy mô các cuộc ngừng việc tập thể vẫn chủ yếu xoay quanh các yêu cầu tăng lương cơ bản, tăng chế độ hỗ trợ độc hại, phụ cấp thâm niên, hỗ trợ người lao động mắc Covid-19…
Mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có văn bản đề nghị các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, công đoàn các cấp chủ động tham gia với người sử dụng lao động trong quá trình xây dựng thang, bảng lương của doanh nghiệp theo quy định mới về tăng lương tối thiểu vùng để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Đồng thời, theo dõi, bám sát tình hình quan hệ lao động trong các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất. Khi có tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể, đình công tự phát, cần chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân và các cơ quan chức năng trên địa bàn kịp thời giải quyết, đảm bảo quyền lợi của tập thể người lao động, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.
Theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng). Cụ thể, về mức lương tối thiểu tháng, vùng I tăng từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng; vùng II tăng từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng; vùng III tăng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng và vùng IV tăng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.
Về lương tối thiểu giờ, vùng I: 22.500 đồng/giờ; vùng II: 20.000 đồng/giờ; vùng III: 17.500 đồng/giờ; vùng IV: 15.600 đồng/giờ.
Hiện nay đa phần các doanh nghiệp đã trả lương cao hơn lương tối thiểu vùng, nên mặc dù theo quy định lương tối thiểu tăng từ ngày 1/7/2022 song nhiều doanh nghiệp dự kiến không tăng lương do đã điều chỉnh ngay từ đầu năm.