07:39 23/03/2011

“Giá theo thị trường thì dân chấp nhận”

Diệu Hương

Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa bình luận về tình hình lạm phát thời gian gần đây

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Ảnh: Anh Quân.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Ảnh: Anh Quân.
Những dự báo sớm từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2011 có thể tăng 2,2%, tạo nên diễn biến trái với quy luật thường thấy, đó là CPI tháng sau Tết Nguyên đán tăng cao hơn tháng có Tết.

Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa đã có cuộc trả lời báo giới.

7% là khó, nhưng vẫn phải phấn đấu

Ông có thể nói gì về mức tăng CPI tháng 3, mà theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư ước tính là khoảng 2,2% so với tháng 2?

Đấy cũng là mức dự kiến thôi, nhưng cũng có khả năng là như thế. Bởi vì, mới tính Hà Nội và Tp.HCM thì vào khoảng 2,1% gì đó, tức là quý 1 tăng khoảng trên 6% một chút xíu.

Tại Nghị quyết 11 của Chính phủ, các chỉ tiêu về chính sách tiền tệ được điều chỉnh rất mạnh. Theo ông, với những điều chỉnh này thì lạm phát cơ bản sẽ được khống chế ở mức nào trong năm nay?

Thường thì lạm phát cơ bản và lạm phát CPI ngân hàng công bố chênh nhau khoảng 3%. Cho nên, ví dụ năm 2010 lạm phát CPI là 11,75%, trừ lùi đi 3% thì lạm phát cơ bản khoảng 8%.

Bây giờ, lạm phát CPI Thủ tướng chưa có điều chỉnh mục tiêu 7%. Đã mấy lần tôi phát biểu rồi, 7% là khó thực hiện, nhưng vẫn phải phấn đấu quyết liệt thôi. Chứ còn nói 7% rồi mà còn giảm nữa thì…

Tức là, nhiệm vụ kiểm soát giá cả của năm nay sẽ rất khó khăn?

Nghị quyết 11 của Chính phủ mới được ban hành khoảng một tháng, bây giờ có những vấn đề phải quyết liệt thực hiện. Bộ Tài chính, đi theo hướng khống chế tổng cầu, đã hướng dẫn cắt giảm 10% chi thường xuyên. Hiện tại đang giao chỉ tiêu cho các bộ, địa phương.

Thứ hai là cắt giảm đầu tư công, hiện đã tổ chức các đoàn đi xuống địa phương để cùng địa phương sắp xếp lại các dự án, xem dự án nào có hiệu quả, đưa ngay được vào sử dụng trong năm 2011 thì có thể cho ưu tiên. Còn các dự án mà chưa khởi công, kéo dài… thì có thể đình lại.

Còn các biện pháp về giá thì một là vẫn phải tiếp tục thực hiện giá thị trường đối với một số loại nhà nước còn bao cấp. Bên cạnh đó có những giải pháp hạn chế tác động của những hàng hóa chúng ta vừa điều chỉnh giá.

Ví dụ như các bộ cùng với doanh nghiệp rà soát lại giá thành của doanh nghiệp. Đồng thời, Bộ Tài chính đang tổ chức 14 đoàn kiểm tra đi các doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng quan trọng, kiểm tra tác động của đợt điều chỉnh giá điện, xăng dầu… vừa rồi, xem tác động như thế nào, điều chỉnh tỷ giá xem vào giá thành, giá vốn nhập khẩu là bao nhiêu... Tránh tình trạng doanh nghiệp nào cũng kêu tỷ giá điều chỉnh cho nên phải tăng giá.

Những cái đó mà làm tốt thì sẽ tác động đến chi tiêu, đến hiệu quả đầu tư, tác động đến chi phí sản xuất, đến giá thành đầu vào của nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng.

Cũng có ý kiến là cần đặt các chỉ tiêu quyết liệt hơn nữa, thưa ông?

Hiện tại cũng có ý kiến đề nghị là phải làm quyết liệt hơn, còn phải bàn thêm. Ví dụ như là cắt giảm chi tiêu thường xuyên đến 30%, phân bổ cho các bộ, các địa phương để trên cơ sở đó các bộ, địa phương tự sắp xếp lấy. Đó là riêng việc giảm tổng cầu về phía Bộ Tài chính.

Mới tác động ở mặt tâm lý

Theo ông, những giải pháp hiện nay đã triệt tiêu hết các nguyên nhân tăng giá?

Giá chỉ là cái ngọn thôi. Người ta xác định bây giờ đất nước ta phải giải quyết nguyên nhân căn cơ của lạm phát. Nói rất đơn giản, là tiền đang nhiều hơn hàng. Tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế gấp 1,2 lần GDP. Tiền nhiều hơn hàng thì giá nó lên, cái gốc của nó là như thế.

Cái nữa là nền kinh tế của chúng ta tăng trưởng dựa vào vốn mà lại sử dụng vốn không hiệu quả, thể hiện là ICOR cao.

Thế thì bây giờ, những giải pháp của Nghị quyết 11 đưa ra là nhằm vào những vấn đề căn bản ấy, khống chế tổng cầu là giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, giảm tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, giảm bội chi ngân sách, cắt giảm đầu tư công… là những giải pháp để giảm tổng tiền.

Ví dụ như chúng ta giảm 3% mục tiêu tăng dư nợ tín dụng so với trước, từ 23% xuống dưới 20%, thì giảm được lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế khoảng 70 nghìn tỷ đồng… Tất cả những cái đó để làm tiền cân bằng với hàng, để giá trở về mặt bằng của nó.

Nhưng sau khi Nghị quyết 11 được triển khai khoảng một tháng, giá cả nhiều mặt hàng tiếp tục tăng cao. Ông bình luận gì về vấn đề này?

Nghị quyết 11 mới ra được 1 tháng, bước đầu cũng đã có tác động nhất định, nhưng cũng phải mất vài tháng thì tình hình mới có thể chuyển biến được. Còn bây giờ, mới hướng dẫn triển khai thì tác động vào thị trường mới ở yếu tố tâm lý thôi.

Ví dụ chuyện ta kiểm soát ngoại tệ thì thị trường rơi vào trầm lắng, nó giao dịch bí mật, giao dịch tại nhà, rồi tỷ giá xuống. Thế còn đó đã là giải pháp căn cơ hay chưa thì mình còn phải tiếp tục các biện pháp về kinh tế, chứ không thể coi đấy đã là hiệu quả rồi.

Cũng có doanh nghiệp cho biết, việc điều chỉnh giá bán thậm chí còn chưa theo kịp tăng giá thành sản xuất, thưa ông?

Cũng phải xác định thực sự doanh nghiệp bị tác động của điều chỉnh tỷ giá thị trường thời gian vừa qua, thì chúng ta mới có thể tính toán yếu tố đầu vào cho doanh nghiệp bất khả kháng.

Ví dụ như doanh nghiệp xăng dầu, phân bón họ mua theo tỷ giá mà được nhà nước bán, từ 19.500 đồng/USD điều chỉnh lên 20.900 đồng/USD chẳng hạn. Mình phải tính toán đó là yếu tố bất khả kháng. Thế còn doanh nghiệp lâu này mua theo giá thị trường thì không thể lợi dụng điều chỉnh tỷ giá để mà tính toán. Bởi vì trong giá vốn của anh đã có tỷ giá mà anh mua theo thị trường rồi.

Song song với việc đánh giá tác động của điều chỉnh giá điện, xăng dầu vừa rồi, kết hợp với kiểm soát, xử lý, mình cũng phải chấp nhận những hàng hóa, dịch vụ nào đó mà giá đầu vào chịu tác động thực sự để đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bình thường. Chứ không thể cái gì cũng tăng mà không cho doanh nghiệp tăng giá thì nó phi thị trường.

Ví dụ như ta quay lại giá sữa, sau khi Thông tư 122 ban hành, rõ ràng có tác dụng rõ rệt với việc quản lý giá sữa và doanh nghiệp sữa vừa qua đăng ký giá cũng thể hiện việc làm nghiêm túc, trong tính toán của họ là bám sát quy chế của Bộ Tài chính.

Họ tính toán thì cái thứ nhất giá thế giới cũng bị nhích lên; thứ hai có một phần tỷ giá còn thấp, cộng với một vài yếu tố do tác động của chi phí tính trên tỷ giá; thuế cũng điều chỉnh… Cho nên họ điều chỉnh khoảng độ trên 10%.

Hay ví dụ như với doanh nghiệp vận tải ôtô, hiện nay xăng dầu chiếm khoảng 40% trong cơ cấu giá. Mà xăng dầu tính bình quân tăng khoảng 20%, vào giá thành khoảng 10-15%. Chỉ tính riêng yếu tố nguyên liệu đó thôi đã buộc phải cho họ tăng giá, còn những yếu tố khác yêu cầu giữ nguyên để đảm bảo không tăng giá quá.

Trong bối cảnh ấy, kiểm soát giá của nhà nước cũng yêu cầu các doanh nghiệp hạch toán đúng chi phí và nhà nước cũng kiểm soát đúng chi phí ấy.

Tâm lý nằm ẩn ngay trong giá

Việc điều chỉnh giá với biên độ lớn của nhiều mặt hàng đầu vào sản xuất quan trọng như vừa rồi được cho là nguyên nhân dẫn tới tăng giá tâm lý trên thị trường. Theo ông mức độ tăng giá tâm lý vừa qua như thế nào?

Bây giờ xác định yếu tố tâm lý để lượng hóa tăng giá rất là khó. Yếu tố tâm lý nằm ẩn ngay trong giá các mặt hàng.

Cũng có cách tính người ta đưa ra ví dụ như điều chỉnh tỷ giá và tăng giá điện, xăng dầu thì làm tăng thêm CPI khoảng 2,5%. Thực tế nó tăng vào khoảng 3% thì người ta cho 0,5% còn lại là yếu tố tâm lý.

Nhưng mà cũng không phải như vậy. Bởi vì nhiều khi mình tính toán, yếu tố thị trường không phải hoàn toàn là tính 1 phải ra 1. Vì toàn bộ mặt bằng giá san với nhau, có những nhóm hàng không tăng đến như thế nhưng cũng có hàng giảm.

Cho nên có những lần chúng ta điều chỉnh giá xăng dầu tháng 2-3 năm trước, những tháng đó chỉ số giá tăng thấp, có tháng giảm âm vì mặt bằng giá san đều nhau. Bây giờ, tính đơn giản điều chỉnh vừa rồi cả vòng 1, vòng 2, vòng 3 có thể tăng 2,5% nhưng chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 chỉ tăng khoảng 2% chứ không phải tốc độ cứ thế nó lên.

Chủ trương sắp tới là điều hành giá điện, xăng dầu, than… theo cơ chế thị trường thì cụ thể tác động đến lạm phát tâm lý như thế nào?

Chủ trương này nhằm bảo đảm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bình thường. Hai là nhà nước sẽ không còn bù lỗ làm méo mó hệ thống giá. Mình cứ "nín" mãi, vừa rồi giá xăng dầu bùng lên cao như thế thì sẽ tác động rất mạnh đến các mặt hàng khác. Cứ để thị trường bình thường đi thì lạm phát không đến mức đột biến như thế.

Nếu để thị trường hoạt động bình thường thì mình nghĩ là dân quen dần và dân chấp nhận. Chứ còn cứ để nửa thị trường, nửa không thị trường, khi giá tăng lên như xăng dầu và các mặt hàng bao cấp vừa qua thì tâm lý dân rất bất ổn.