10:11 05/10/2011

Giá thịt lao dốc không phanh

Chu Khôi

Giá lợn thịt và gà thịt đang giảm mạnh, bình quân giảm tới 25.000 đồng/kg so với đầu tháng 8

Nhiều ý kiến cho rằng, có một vài nguyên nhân cùng tác động khiến giá thịt đang biến động trái với quy luật.
Nhiều ý kiến cho rằng, có một vài nguyên nhân cùng tác động khiến giá thịt đang biến động trái với quy luật.
Sau một thời gian tăng giá kỷ lục, đến thời điểm hiện nay giá lợn thịt và gà thịt đang lao dốc nhanh, bình quân giảm tới 25.000 đồng/kg so với đầu tháng 8 và sắp về tới mức giá cách đây một năm. Đây là điều đáng mừng đối với mục tiêu bình ổn giá thực phẩm nhưng nhiều điều lo ngại khác lại nảy sinh.

Trong những tháng giữa năm 2011, giá thịt lợn và thịt gà đều vượt quá sức chịu đựng của người tiêu dùng, lợn hơi lập kỷ lục với giá 65-68 nghìn đồng/kg, cao gấp hơn 2 lần so với giữa năm 2010. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ phải bình ổn giá thịt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nỗ lực thúc đẩy tăng đàn gia súc, gia cầm để đảm bảo nguồn cung, Bộ Công Thương cũng thực thi nhiều giải pháp để kiềm chế giá. Đến nay, giá thịt đã giảm mạnh.

Vào giữa tháng 9/2011, giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc ở mức 58.000đồng/kg, giảm 7.000đồng/kg so với hồi đầu tháng 9 và giảm hơn 10.000đồng/kg so với mức giá những ngày đầu tháng 8. Lúc đó thương lái vẫn còn thu gom lợn hơi để xuất sang Trung Quốc. Nhưng kể từ đầu tháng 10, giá lợn hơi giảm nhanh xuống còn 45 – 47 nghìn đồng/kg. Tại các tỉnh miền Nam, giá lợn hơi chỉ còn 37.000 – 40.000 đồng/kg, giảm 25-28 nghìn đồng/kg so với cách đây 2 tháng.

Ngày 4/10/2011, giá gà trắng công nghiệp tại trại ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ rớt mạnh chỉ còn 24.000 đồng/kg, giảm 4.000 đồng/kg so với cuối tuần trước và chỉ còn bằng một nửa so với cách đây 2 tháng. Tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, tuy mức giảm ít hơn, nhưng giá cũng chỉ còn 27.000 đồng/kg, giảm 6.000 – 7.000 đồng/kg so với mức giá của đầu tuần cuối tháng 9/2011. Như vậy, giá gà trắng công nghiệp giảm sâu, về mức cách đây một năm. Giá gà lông màu thả vườn chỉ còn 31.000-33.000 đồng/kg, trong khi theo tính toán của người chăn nuôi, giá thành hiện ở mức 36.000 đồng/kg.

Thông thường giá thịt thường giảm vào các tháng mùa hè (do thời tiết nóng, nhu cầu tiêu dùng thịt giảm) và tăng vào các tháng mùa thu và đông do mùa lạnh nhu cầu thịt tăng lên, đặc biệt gần Tết Nguyên đán. Nhiều ý kiến cho rằng, có một vài nguyên nhân cùng tác động khiến giá thịt đang biến động trái với quy luật như hiện nay.

Đó là do chăn nuôi đã được thúc đẩy trong thời gian qua, khiến nguồn cung dồi dào, không còn tình trạng thiếu hụt căng thẳng như những tháng trước. Bên cạnh đó, theo phản ánh của giới kinh doanh thực phẩm, giá thịt giảm nhanh chóng một phần do lượng thịt đông lạnh nhập khẩu tăng mạnh thời gian vừa qua.

Trong các tháng đầu năm lượng thịt nhập khẩu chỉ ở mức 3.000-4.000 tấn/tháng thì trong tháng 7, lượng thịt được nhập về là hơn 14.000 tấn và tháng 8 nhập thêm 12.000 tấn. Thời gian qua Việt Nam cũng đón tiếp hàng loạt các phái đoàn nông nghiệp xúc tiến thương mại của các nước có xuất khẩu mặt hàng thịt, như phái đoàn của Bộ Nông nghiệp Mỹ, Bộ Nông nghiệp Đức và Tổ chức các nhà sản xuất nông nghiệp Liên minh châu Âu.

Riêng Ba Lan, đã có hơn 150 doanh nghiệp sản xuất và cung ứng các loại thịt heo, thịt bò cũng đã vào Việt Nam để thực hiện các chiến dịch tăng cường quảng bá sản phẩm. Theo số liệu từ Đại sứ quán Mỹ, trị giá tổng lượng thịt gà nhập từ Mỹ vào Việt Nam năm 2010 là 75 triệu USD, 7 tháng đầu năm 2011 là 58 triệu USD (tăng 36% so cùng kỳ).

Các ảnh hưởng bất lợi của thiên tai như đợt lũ vừa rồi tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng tác động mạnh tới ngành chăn nuôi. Ông Nguyễn Hồng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty Charoen Pokphand Việt Nam cho biết, nhiều chủ trại ở các vùng lũ đang phải cố sức bán tháo đàn gà hòng vớt vát lại vốn, bởi nếu nước lên nhanh, trại bị ngập, gà sẽ chết ngạt hoặc chết do dịch bệnh phát sinh.

Giá thịt gia súc, gia cầm giảm mạnh, đang khiến nông dân lo lắng không dám đầu tư chăn nuôi, nhu cầu thả nuôi tái đàn của bà con nông dân sụt giảm mạnh. Giám đốc Xí nghiệp chăn nuôi Thân Cửu Nghĩa ở Tiền Giang than thở: nếu giá heo hơi cứ giảm mãi như thế này, trong khi chi phí đầu tư tăng cao, chắc chắn người nuôi sẽ lại quay lưng với nghề, cái điệp khúc “thừa - thiếu, thiếu - thừa” không sớm thì muộn cũng sẽ lại đến thôi.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo Cục Chăn nuôi phải tiếp tục thúc đẩy chăn nuôi để đảm bảo nguồn cung cho Tết Nguyên đán. Thế nhưng với tình trạng nông dân bán tháo đàn và bỏ chăn nuôi hiện nay, rất dễ dẫn đến nguy cơ căng thẳng nguồn cung thịt vào dịp Tết. Rõ ràng, việc giá thịt giảm quá đà chưa phải là điều đáng mừng chút nào.