09:07 06/07/2011

Giá thịt ngất ngưởng và bài toán cung - cầu

Chu Khôi

Hiện giá bán các sản phẩm chăn nuôi đều tăng từ 30-60% so với cùng kỳ năm trước

Nhiều thương lái trong nước đã lợi dụng tình hình để đẩy giá thịt lợn lên cao.
Nhiều thương lái trong nước đã lợi dụng tình hình để đẩy giá thịt lợn lên cao.
Hầu hết các loại thực phẩm tươi sống đều tăng giá cao ngất ngưởng trong thời gian qua, đặc biệt giá thịt lợn đã vượt quá sức chịu đựng của người tiêu dùng, hiện lợn hơi đã sắp chạm ngưỡng 70 nghìn đồng/kg. Giải pháp nào để bình ổn thị trường thịt trong nước?

Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, thúc đẩy chăn nuôi trong nước để tăng nguồn cung cho thị trường là cách bình ổn tốt nhất.

Xin ông cho biết tình hình chăn nuôi và diễn biến giá cả đầu vào, đầu ra hiện nay?

Trong 6 tháng đầu năm 2011, ngành chăn nuôi vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do tình hình thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Theo số liệu thống kê đánh giá sơ bộ về tình hình sản xuất chăn nuôi, đàn lợn trên cả nước có 26,3 triệu con, giảm 3,71% so với cùng kỳ năm trước. Đàn trâu, bò có hơn 8,5 triệu con, giảm 4,6%. Đàn gia cầm có 293,77 triệu con, tăng 5,87% so với cùng thời điểm năm trước.

Tuy số lượng đầu con giảm nhưng sản lượng thịt sản xuất lại tăng, cụ thể: sản lượng thịt bò tăng 4,87%, thịt trâu tăng 9,3%, thịt gia cầm tăng 16,8%, sản lượng trứng tăng 18,97%, sản lượng sữa tăng 5,44%.

Hiện giá bán các sản phẩm chăn nuôi đều tăng từ 30-60% so với cùng kỳ. Giá thịt lợn sau một thời gian giảm nhẹ thì đến cuối tháng 6 đã tăng trở lại. Đặc biệt, do giá thịt lợn ở miền Bắc cao hơn miền Nam nên thương lái đã gom hàng nghìn con lợn đưa ra thị trường miền Bắc làm nguồn cung thịt lợn phía Nam cạn dần.

Giá các thức ăn chăn nuôi từ đầu năm đến nay cũng không ổn định. Hiện tại giá thức ăn hỗn hợp cho gà thịt bình quân 9.980đồng/kg tăng 14% so với thời điểm cuối năm 2010; thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt giai đoạn 30kg đến xuất chuồng 8.797đồng/kg tăng 16,8%. Đa số giá các nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đều tăng, bao gồm: ngô tăng 23,7%, sắn lát tăng 18,1%...

Giá thịt lợn đã cao quá sức chịu đựng của người tiêu dùng. Liệu có nên hạn chế xuất khẩu thịt sang Trung Quốc, hoặc mở rộng nhập khẩu thịt để bình ổn giá, thưa ông?

Thời gian gần đây, không ít ý kiến cho rằng giá thực phẩm phi mã có nguyên nhân do thương nhân Trung Quốc sang Việt Nam thu mua với số lượng lớn gây nên tình trạng khan hiếm nguồn cung cho thị trường trong nước. Đúng là tại một số tỉnh biên giới phía Bắc có hiện tượng thương nhân Trung Quốc thu mua nông sản, do nước này hiện đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao, giá lương thực, thực phẩm trở nên đắt đỏ. Tình trạng này đã dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung cục bộ tại một số nơi khiến cho giá bán của một số thực phẩm trên thị trường tăng.

Mặc khác, nhiều thương lái trong nước cũng lợi dụng tình hình để đẩy giá thịt lợn lên cao. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định rằng, chăn nuôi trong nước vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa. Với một đất nước chăn nuôi ổn định, thì việc xuất khẩu 3-5% lượng thịt sản xuất không ảnh hưởng đến giá cả, cung cầu trong nước.

Năm 2010, nước ta nhập khẩu 83 nghìn tấn sản phẩm thịt, nhưng chủ yếu là thịt gà. 6 tháng đầu năm lại nhập 53 nghìn tấn thịt, trong đó gần 98% là thịt gia cầm.

Thời gian gần đây nhiều ý kiến bàn luận quanh việc có nên cho nhập khẩu thịt để bình ổn giá trong nước hay không? Thực ra hiện nay nước ta không cấm nhập khẩu thịt lợn.

Với quan điểm của cá nhân tôi lúc này, vì giá thịt lợn trong nước cao, nên cũng mong muốn các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn về để bình ổn giá trong nước. Thế nhưng, giá thịt lợn ở nước ngoài cao hơn giá trong nước, các doanh nghiệp nếu nhập về cũng không có lãi. Bởi vậy, chỉ còn hướng là phải thúc đẩy chăn nuôi trong nước để tăng nguồn cung cho thị trường, đó mới là cách bình ổn tốt nhất.

Vì sao giá đầu ra cao, nhưng người chăn nuôi vẫn dè dặt trong việc tái đàn gia súc, thưa ông?

Đây chính là vấn đề mà chúng tôi đang trăn trở: người chăn nuôi đang có lời, thế mà không hào hứng đầu tư vào chăn nuôi. Có 3 vấn đề: hiện trang trại và nông dân tiếp cận vốn vay ngân hàng rất khó; thứ hai thời gian qua dịch bệnh xảy ra nhiều khiến người chăn nuôi lo sợ; thứ ba là nguồn con giống quá ít.

Có một thực tế là, những trang trại chăn nuôi ổn định trước đây họ bán giống, bây giờ thấy giá bán cao thì họ ngừng bán con giống ra ngoài mà để lại tự chăn nuôi. Bởi vậy, nông dân đang khó mua con giống. Cũng có ý kiến cho rằng giá thức ăn chăn nuôi quá cao nên giá thành cao, nhưng theo tôi đó chỉ tác động đến tâm lý người chăn nuôi thôi. Thực ra với giá thịt hiện tại, người chăn nuôi có lãi từ 15-25 nghìn đồng/kg lợn hơi xuất chuồng.

Ông nhận định thế nào về cung - cầu thịt từ nay đến cuối năm?

Tôi khẳng định, từ nay đến cuối năm không lo thiếu thịt, vì dịch bệnh không còn. Giá đầu ra cao đang có lợi cho người chăn nuôi, kích thích người dân đầu tư tái đàn, đây chính là thời cơ để chuyển đối chăn nuôi lên một trình độ cao hơn. Nuôi gà chỉ cần 45 ngày ra có sản phẩm, nuôi lợn chỉ cần 3-4 tháng là xuất chuồng, nên chăn nuôi sẽ nhanh chóng đảm bảo nguồn cung ra thị trường.

Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo nông dân vẫn cần phải hết sức thận trọng, phải chọn lựa con giống tốt và sạch bệnh, đã được tiêm phòng đầy đủ. Đừng vì giá đắt, con giống khan hiếm mà không quan tâm đến chất lượng giống, sẽ có nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát. Cục Chăn nuôi đang tích cực vận động người chăn nuôi đầu tư, thúc đẩy tăng đàn gia súc, nhưng đồng thời sẽ không lơ là trong việc giám sát chất lượng con giống, vận chuyển gia súc.