12:41 09/12/2020

Giá thịt lợn “hạ nhiệt”, CPI Trung Quốc lần đầu giảm sau 11 năm

Bình Minh

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ do giá thực phẩm, đặc biệt là giá thịt lợn, đi xuống

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc giảm lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ do giá thực phẩm, đặc biệt là giá thịt lợn, đi xuống.

Hãng tin CNBC dẫn số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố sáng 9/12 cho biết CPI của nước này trong tháng 11 giảm 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên CPI của Trung Quốc giảm từ tháng 10/2009.

So với cùng kỳ 2019, giá thực phẩm ở Trung Quốc trong tháng qua giảm 2% do giá thịt lợn giảm 12,5%.

Cú giảm giá thịt lợn, một loại thực phẩm chủ lực của quốc gia đông dân nhất thế giới, diễn ra sau đợt tăng chóng mặt vào năm ngoái do tình trạng khan hiếm nguồn cung thịt lợn vì dịch tả lợn châu Phi.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của Nomura, ông Ting Lu, việc giá thịt lợn ở Trung Quốc tăng mạnh trong 3 tháng cuối năm 2019 khiến mức giảm chỉ số CPI của Trung Quốc trong tháng 11 vừa qua bớt ý nghĩa. "CPI giảm chưa có nghĩa là giảm phát xuất hiện ở Trung Quốc", ông Lu nói.

Các chuyên gia kinh tế cũng không cho rằng vì cú giảm CPI này mà Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ có sự điều chỉnh quan trọng về chính sách tiền tệ.

CPI lõi - chỉ số không tính đến giá năng lượng và giá thực phẩm - của Trung Quốc trong tháng 11 tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hàng hóa, dịch vụ y tế có mức tăng giá 1,5% trong tháng, trong khi nhóm giáo dục, văn hóa và giải trí tăng 1%.

Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 11 giảm 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 10, chỉ số này giảm 2,1%.

Giá thịt lợn “hạ nhiệt”, CPI Trung Quốc lần đầu giảm sau 11 năm - Ảnh 1.

Diễn biến chỉ số giá nhà sản xuất (PPI, đường màu đen) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI, đường màu đỏ) của Trung Quốc, dựa trên mức tăng/giảm hàng tháng so với cùng kỳ năm trước. Đơn vị: % - Nguồn: NBS/Bloomberg.

"Kinh tế Trung Quốc đang mạnh lên, thể hiện qua việc chỉ số PPI thu hẹp mức giảm", chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc Larry Hu của Macquarie nói với CNBC. Vì vậy, theo ông Hu, PBOC có thể sẽ gác sang bên sự đi xuống của chỉ số CPI và tập trung vào việc giảm bớt một số biện pháp kích cầu trong thời gian tới.

Kinh tế Trung Quốc có nhiều dấu hiệu cho thấy sự phục hồi mạnh trong thời gian gần đây, có thể làm gia tăng áp lực lạm phát trong những tháng tới. Theo đó, CPI lõi của Trung Quốc - chỉ số đã duy trì mức tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái suốt từ tháng 7 tới nay - có thể sẽ đi lên.

Số liệu công bố tuần này cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc tăng hơn 20% trong tháng 11 so với cùng kỳ 2019. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), một thước đo hoạt động của ngành sản xuất, đạt đỉnh của 3 năm.

Tuy nhiên, trước mắt, một số chuyên gia kinh tế lo ngại rằng CPI giảm có thể gây bất lợi cho sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc nếu người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn việc mua sắm với hy vọng giá cả sẽ trở nên rẻ hơn.