10:25 01/12/2007

Giá tiêu dùng giảm do... cách tính mới

Từ Nguyên

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá công bố cách tính mới đối với chỉ số giá tiêu dùng tại cuộc họp báo chiều 30/11

Giá cả leo thang đang là bài toán khó mà nhiều gia đình phải đối mặt - Ảnh: TT.
Giá cả leo thang đang là bài toán khó mà nhiều gia đình phải đối mặt - Ảnh: TT.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Tá đưa ra tại cuộc họp báo chiều 30/11, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 đã tăng ở mức kỷ lục là 1,23% so với tháng 10, chỉ đứng sau tháng 2 là tháng có Tết Nguyên đán.

>>Ba bất cập trong kiềm chế lạm phát

Điều này đẩy chỉ số giá tiêu dùng của 11 tháng đầu năm 2007 lên đến 9,45% so với tháng 12 năm ngoái, trong khi cùng kỳ năm 2006 chỉ tăng 6%.

Để hiểu rõ hơn về những nguyên nhân cũng như những yếu kém trong việc bình ổn giá, Thứ trưởng Trần Văn Tá đã có cuộc trao đổi với báo giới tại cuộc họp này. Ông cũng công bố cách tính mới chỉ số giá tiêu dùng.

Tính theo cách mới thì CPI chỉ tăng có 7,92%

Thưa Thứ trưởng, giá tiêu dùng đang có dấu hiệu ngày một tăng cao, chẳng lẽ chúng ta đành bất lực trong việc bình ổn giá?

Về nguyên nhân chủ quan, trước hết, thay mặt Bộ Tài chính, tôi xin nhận khuyết điểm yếu kém về công tác dự báo. Chúng tôi đã không lường trước được biến động của thị trường thế giới. Điều này xuất phát từ năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác dự báo. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để khắc phục yếu điểm này đến mức thấp nhất.

Tình trạng giá tiêu dùng tăng cao hiện nay bao gồm cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó bao trùm là trình độ phát triển của nền kinh tế thấp, sức cạnh trạnh chưa cao. Độ mở của nền kinh tế Việt Nam lại quá lớn (tổng kim ngạch nhập khẩu bằng 82,85% GDP), trong khi giá của các mặt hàng nhập khẩu lại liên tục tăng, đặc biệt là giá xăng dầu.

Ngoài ra cũng phải kể đến những nguyên nhân khác như thiên tai, dịch bệnh ở người và gia súc, gia cầm đã làm suy giảm nguồn cung đẩy giá tăng cao. Đa snhững nguyên nhân trên là bất khả kháng bởi ngay cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng, nếu giá dầu thế giới tiếp tục tăng lên trên 100 USD/thùng thì không thể lường hết được những diễn biến của giá cả.

Chủ trương của Chính phủ cũng như của Bộ Tài chính là phải thực hiện bình ổn giá một cách tối đa trong khả năng của mình, hạn chế đến mức thấp nhất những yếu tố chủ quan. Còn một khi nền kinh tế đã hội nhập sâu rộng thì những tác động của kinh tế thế giới đối với kinh tế trong nước thì đó là điều khó có thể tránh khỏi.

Nói như Thứ trưởng có nghĩa là rất nhiều khả năng chúng ta sẽ phải đối diện với lạm phát ở mức 2 con số?

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính đến hết tháng 11 năm 2007 đã tăng 9,45%. Đây là thực hiện theo cách tính cũ, tức là tính 11 tháng năm nay so với 12 tháng năm ngoái.

Còn nếu tính theo cách tính của thế giới, tức là tính bình quân tháng thì CPI chỉ tăng có 7,92%. Không phải chúng ta thấy giá cao quá thì tính theo cách mới. Đây là một cách tính mới vừa đảm bảo tính khách quan, trung thực vừa đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế.

Vì vậy, hiện nay Tổng cục Thống kê cũng đang trình Chính phủ cho phép tính theo phương pháp mới này.

Còn tốc độ tăng CPI có chiều hướng ngày một tăng cao như hiện nay thì chúng ta cũng đã nhận thấy. Do đó, Chính phủ và Quốc hội cũng đã thống nhất là khó có thể thực hiện được chỉ tiêu là tốc độ tăng giá thấp hơn tốc độ tăng trưởng.

Nhưng Chính phủ cũng khẳng định rằng, trong thời gian tới sẽ nỗ lực và hết mình để thực hiện các biện pháp kiềm chế tăng giá một cách quyết liệt, có hiệu quả, cố gắng không để CPI vượt lên mức 2 con số.

Đã áp dụng những biện pháp tốt nhất

Nhưng thưa ông, các biện pháp bình ổn giá mà Chính phủ đưa ra cách đây 3 – 4 tháng rồi nhưng giá tiêu dùng vẫn cứ “leo thang”. Vậy, Chính phủ và Bộ Tài chính có tính đến việc đưa ra những biện pháp mới hiệu quả hơn không 

Nói thật là tất cả những biện pháp tốt nhất để có thể bình ổn giá cả đã được Chính phủ đưa vào trong Chỉ thị 18 và Chỉ th23. Hiện nay Chính phủ cũng chưa tính đến các biện pháp mới. Vấn đề còn lại chỉ là việc tăng cường triển khai, thực hiện các biện pháp một cách quyết liệt nhưng trên cơ sở tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường.

Trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tập trung vào 2 việc quan trọng. Đó là tăng cường công tác dự báo và đề nghị với Chính phủ cần phải rút kinh nghiệm về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc kiểm tra, kiểm soát giá cả trên thị trường.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng khác triển khai quyết liệt hơn trong việc yêu cầu doanh nghiệp cắt bỏ những chi phí bất hợp lý cũng như đưa một số mặt hàng vào danh mục bình ổn giá để có thể giảm giá các mặt hàng thiết yếu.

Vậy công tác thanh tra giá cả của Bộ Tài chính đang triển khai đến đâu?

Hiện nay công tác thanh tra giá, thanh tra chi phí của các doanh nghiệp vẫn đang được tiếp tục đối với 18 mặt hàng nằm trong danh mục được giảm thuế. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng, công tác thanh kiểm tra giá trong điều kiện hiện nay sẽ phải có sự thay đổi.

Hiện nay chúng ta chỉ kiểm tra giá đối với những nhóm mặt hàng mà nhà nước còn đang quy định giá và nhóm mặt hàng mà nhà nước xác định khung giá. Còn lại hiện nay có một số mặt hàng đều phải xếp vào nhóm mặt hàng hiệp thương giá. Chẳng hạn như than thì Tập đoàn Than - Khoáng sản phải mời các khách hàng lớn đến để hiệp thương về mức giá mà nhà nước không can thiệp vào.

Ngoài ra, còn có những mặt hàng mang tính nhạy cảm đối với nền kinh tế, với xã hội như xăng, dầu…thì phải áp dụng một cơ chế riêng vừa mang tính thị trường, vừa manh tính hành chính để đảm bảo cho doanh nghiệp kinh doanh mà không phải bù lỗ. Nhưng nếu phát hiện sai phạm thì chúng tôi sẽ đề nghị Bộ Công Thương cắt đăng ký kinh doanh.